Trên đời này có nhiều thứ quý, nhưng đối với chúng tôi-những người lính đã từng đi qua chiến tranh, thư nhà là một thứ quý vô ngần. Đó là nỗi mong chờ, nỗi khát khao đêm ngày của mỗi người ngoài trận tuyến.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (năm 1954) theo hiệp định Giơ-ne-vơ, chỉ sau hai năm nước nhà sẽ được thống nhất. Nhưng đế quốc âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Vì vậy, đồng bào ở cả hai miền Nam-Bắc lại phải nhất tề đứng lên kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Từng đoàn người, đoàn tàu, đoàn xe nối nhau ra trận. “Cả nước lên đường/xao xuyến bờ tre/từng hồi trống giục…”.

Trên những đoàn người, đoàn xe ấy là gạo, muối; là lương khô, bột sữa, là quân lương, quân trang, quân dụng; là súng, đạn, thuốc men… và đặc biệt là những lá thư nhà…

Ôi, thư nhà thân thiết làm sao, mong đợi làm sao!

Đó là lá thư của người cha bốn mùa cuốc cày nơi đồng chua, ruộng trũng chỉ mong con khôn lớn thành người. Đó là lá thư của người mẹ quanh năm tảo tần nơi cuối chợ, đầu sông, lúc nào cũng lo cho các con có đủ cơm ăn, áo mặc và một giấc ngủ yên lành. Đó là lá thư của người anh chân chất đã nói là làm, đã làm là làm đến nơi đến chốn, chỉ mong cho thằng em lúc nào cũng săn gân, mạnh bước tiến kịp bạn bè. Đó là lá thư của người chị dịu hiền có cái nhìn nghiêm nghị của cha, có đôi vai và đôi tay tảo tần của mẹ, lúc nào cũng căn dặn thằng em như hồi nó còn bé đánh khăng, đá bóng. Đó là lá thư của những đứa em bé bỏng mà lời lẽ trong thư chúng viết mới ngộ nghĩnh làm sao! Và đó là lá thư người yêu của lính, của những người vợ lính-những lá thư gói cả nỗi niềm yêu thương, nhớ mong, hờn giận chất chứa.

Không! Những lá thư không phải được viết bằng mực xanh, mực tím, mà nó được viết bằng nỗi nhớ thương cháy bỏng trong lòng của những người cha, người mẹ, người chị, người anh, những người vợ, người em gái, người yêu của lính.

Những năm kháng chiến trường kỳ, những lá thư, hàng triệu, hàng triệu những lá thư hậu phương từ khắp các miền quê đất nước cứ ngày đêm rậm rịch lên đường đến với người lính ngoài mặt trận. Nhận được thư nhà, người lính có thể đeo ba lô, đeo súng đạn, luồn rừng, vượt sông, suối đi khắp các ngả đường chiến trận không biết mệt. Nhận được thư nhà, sức mạnh và niềm tin của người lính được nhân lên nhiều lắm… Thư nhà đã theo chân người chiến sĩ giải phóng làm nên những Ba Gia, Bình Giã, Đồng Xoài; những Dốc Miếu, Cồn Tiên, Khe Sanh, Núi Thành; những Phú Bồn, Cheo Reo, Củ Chi, Rừng Sác và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trong ánh hào quang rực rỡ ấy đã có biết bao nhiêu những chiếc xe đạp, xe thồ, những đôi quang gánh, những xe Gát, xe Zin, Kra, Uran, xe tăng, xe xích… đã bị bom thù thiêu cháy trên những con đường ra trận? Đã có biết bao nhiêu những chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, những chiến sĩ quân bưu, những chiến sĩ lái xe Trường Sơn, những thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ đã ngã xuống để Tổ quốc Việt Nam được độc lập, non sông thu về một mối. Và thư nhà là một phần không bao giờ thiếu được của mỗi người lính.

PHẠM MINH GIANG