Mùa hạn nước sông xuống thấp, nhưng nước vẫn trong xanh, chảy hiền hòa. Mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về chảy xiết, đỏ màu phù sa. Ông ngoại tôi thường nói: Nhờ con sông Cày mà khu vực này thoát lũ nhanh và cho nhiều tôm, cá. Buổi sáng, các chị, các mẹ thường ra đây giặt giũ quần áo, rửa cỏ cho trâu, bò… và nói cười râm ran cả khúc sông. Nhưng có lẽ vui và thích thú nhất là lũ trẻ chúng tôi. Cứ chiều chiều, chúng tôi rủ nhau ra bến sông tắm mát. Cả trai, gái độ chục đứa vô tư, hồn nhiên ngụp lặn, đùa nhau đến lúc người lớn ra gọi về ăn cơm mới thôi. Bến sông Cày khá dài, phía chúng tôi tắm nước sâu hơn và có một cây đa to nằm nghiêng gần mặt nước. Chúng tôi thường leo theo thân cây nghiêng nghiêng rồi nhảy ùm xuống, thi xem ai lặn lâu hơn.

Tối đến, chúng tôi thường ra bến sông chơi trốn tìm, chơi đánh trận giả, đêm nào có trăng thì chơi đến khuya. Các anh chị lớn tuổi hẹn hò nhau ra bến sông ngồi nói chuyện, thổi sáo, đánh đàn và hát ví, giặm. Tiếng sáo, tiếng kèn, tiếng hát hòa lẫn trong tiếng gió tạo không khí hiền hòa, êm dịu, không ai muốn rời đi...

Học hết phổ thông, tôi vào quân ngũ. Vì điều kiện công tác, tôi ít có dịp về thăm lại bến sông Cày, nhất là từ khi ông bà ngoại về với tổ tiên, tôi càng ít trở lại bến sông. Thế nhưng trong mỗi nhịp bước hành quân và cả trong giấc ngủ, những ký ức tuổi thơ về bến sông quê vẫn luôn in đậm trong tôi.

LÊ TƯỜNG HIẾU