Trung tâm phụng dưỡng người có công của Thành phố Đà Nẵng có 59 cụ già, trong đó có 7 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 11 thương binh, 41 người có công với cách mạng, 3 cụ trên 100 tuổi, 25 cụ phải nằm bất động, bình quân tuổi đời các cụ xấp xỉ 80 và hầu hết là những người cô đơn.

Đến thăm các cụ, đầu tiên tôi gặp cụ Đoàn Tánh, quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Hỏi ra mới biết, trước đây cụ là chiến sĩ của trung đoàn 803 anh hùng, từng tham gia các trận chiến đấu ác liệt, như Xuân Đài, Vân Ly, Túy Loan, Túy Thủy… Nay cụ đã 97 tuổi, tai nặng, mắt mờ. Ghé vào tai cụ, tôi hỏi: “Ở đây các cụ sống ra sao?”. Nghe được lời tôi hỏi, cụ gật đầu: “Quý lắm! Quý lắm!”. Biết tôi còn muốn hỏi nữa mà mình nghe không rõ, nên cụ bảo: “Có gì cần biết thêm, chú qua các phòng bên”.

Sang phòng bên, tôi gặp cụ Nguyễn Thị Nhã, quê xã Bình Dương, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Cụ vừa là thương binh nặng (cụt tay trái), vừa là Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Nay cụ đã 102 tuổi, nằm bất động nhưng tai còn nghe rõ. Biết tôi đến thăm, cụ cảm ơn và nói: “Tôi còn sống được đến ngày nay là nhờ có các cháu ở đây. Không có nơi mô bằng đây! Tôi sống ở đây, nhờ đây. Nếu có ra đi thì nhờ Đảng, Nhà nước cho tôi được về quê, thế là toại nguyện rồi”.

Gặp mẹ Phạm Thị Tùng, một bà mẹ kiên cường bất khuất, hơn 10 năm bị địch bắt, tù đày tại Côn Đảo. Mẹ nói: “Quê mình Quảng Nam, trước đây khổ lắm. Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm. Ở quê khổ là vậy, ở tù lại càng khổ hơn. Giờ đây, sống ở Trung tâm này, chú thấy đấy, ăn, ở, mùng màn, chăn chiếu có người lo, áo quần một năm hai bộ, có thợ đến đo may, ưng vải nào may vải đó. Mùa đông có chăn len, có khăn quàng cổ, có tất chân, có áo ấm… Nước mình còn nghèo, mà chúng tôi sống như thế này là quá tốt”.

Mẹ Lê Thị Xuân, quê Hiệp Đức, Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Mẹ về đây đã 20 năm. Mẹ nói: “Cái quý nhất ở đây là tấm lòng của các cháu phục vụ. Chú biết đấy, các cụ ở đây không ai giống ai, mỗi người một tính, già thường lú lẫn, khó tính, ăn rồi nói chưa ăn, uống rồi nói chưa uống, có cụ đôi khi còn “hờn dỗi”, không chịu thay quần áo, không chịu để tắm rửa, thậm chí có cụ ngậm cháo không chịu nuốt, phun lung tung… Phức tạp vậy, mà các cháu vẫn tươi cười, một nội, hai nội – “Nội ơi, cháu xin lỗi nội, nội cố ăn thêm miếng nữa, cháu mừng”… Nghe những lời dỗ dành, âu yếm của các cháu như vậy, cụ nào mà không nghe, nội nào mà còn hờn dỗi được”.

Khi tôi xin phép ra về, mẹ Xuân còn bày tỏ: “Con cháu có khi cũng không bằng! Ở đây, có 8 cháu: Toàn, Duyên, Phượng, Lý… cháu nào cũng hết lòng săn sóc, coi các cụ, các mẹ như ông bà, cha mẹ mình. Là những người cô đơn, nhưng được sống ở đây, chúng tôi không còn cô đơn nữa!”.

VÕ VĂN MINH