QĐND - TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) những ngày qua trở nên vắng lặng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong ngôi nhà nhỏ ở số 9A/1B, phố Đặng Tất, cựu chiến binh (CCB) đoàn tàu không số Trần Ngọc Tuấn say sưa kể về những kỷ niệm một thời ông cùng đồng đội vượt biển chở vũ khí, lương thực chi viện chiến trường miền Nam, đặc biệt là các trận đánh quyết tử trên vùng biển Quảng Ngãi hơn nửa thế kỷ trước.

Trước diễn biến của chiến trường, cuối năm 1967, Bộ Tổng Tham mưu giao nhiệm vụ cho Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Quân chủng Hải quân ngày nay) tham gia vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam, phục vụ chiến đấu. Chuyến đi đặc biệt ấy, con tàu mang số hiệu 43 gồm 17 thuyền viên, do thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng và Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn chỉ huy, được trên giao nhiệm vụ chở 37 tấn vũ khí vượt biển vào huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi), giao hàng tại bến bí mật.

Cựu chiến binh Trần Ngọc Tuấn (đứng giữa) cùng đồng đội thăm Thủ đô Hà Nội và vào Lăng viếng lăng viếng Bác. Ảnh do nhân vật cung cấp. 

Đêm 27-2-1968, Tàu 43 và 3 chiếc tàu khác nhận lệnh xuất bến. Mặt biển đen đặc, gió lạnh thốc từng cơn, những con tàu kiên trung đè sóng hướng miền Nam ruột thịt thẳng tiến. Tuy được chuẩn bị kỹ lưỡng, ngụy trang kín đáo, nhưng trên đường đi, máy bay, tàu chiến địch đã nghi ngờ và theo dõi sát sao các hoạt động của ta. Trước tình thế đó, Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn bình tĩnh động viên anh em thực hiện hành động đánh bắt cá như các ngư dân nhằm che mắt địch. Mặc cho sóng to, gió lớn, bất chấp hành động quần thảo của máy bay, cùng sự phong tỏa của tàu chiến địch, các thủy thủ vẫn can trường, bình tĩnh xử lý linh hoạt các tình huống. Đến đêm thứ ba, Tàu 43 vào tới vùng biển Quảng Ngãi. Anh em trên tàu đều khấp khởi mừng thầm, bởi sắp được cập bến.

Đúng 0 giờ 50 phút ngày 1-3-1968, khi Tàu 43 cách bờ khoảng 20 hải lý thì bất ngờ bị 4 tàu chiến của địch tăng tốc bao vây. Chúng đồng loạt bắn pháo sáng lên bầu trời. Những tia chớp sáng rực cả một vùng biển. Ngay sau đó, các loại hỏa lực trên tàu địch bắn tới tấp vào Tàu 43, đồng thời khép dần vòng vây hòng bắt sống toàn bộ lực lượng của ta.

Không còn cách nào khác, Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng đứng trên đài chỉ huy ra lệnh tiêu hủy tài liệu, SSCĐ. Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn đến từng vị trí, động viên anh em giữ vững tinh thần. Tại khoang lái, chiến sĩ hàng hải Vũ Xuân Ruệ, một tay giữ chặt bánh lái, tay còn lại cầm quả thủ pháo giơ cao, dõng dạc: “Báo cáo chính trị viên: Chúng tôi đã sẵn sàng!”. Chính trị viên Trần Ngọc Tuấn hài lòng: “Được! Các đồng chí giữ vững vị trí chiến đấu!”.

Đồng chí chính trị viên vừa dứt lời, đạn pháo địch từ 4 chiến hạm địch bắn cấp tập vào ta. Cùng lúc, 10 tàu cao tốc (loại nhỏ) xuất hiện, mỗi đợt hai chiếc lao vào tấn công bên mạn phải Tàu 43. Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng hiên ngang trên đài chỉ huy, cho tàu luồn lách chờ tàu địch vào gần hơn nữa. 300 mét, 250 mét, rồi 150 mét... “Nhằm thẳng tàu địch. Bắn!”-Thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng hô lớn.

Chỉ chờ có vậy, các loại hỏa lực của ta đồng loạt nhả đạn về quân thù. Một tàu địch trúng đạn bốc cháy dữ dội, hai chiếc khác bị hư hại nặng. Bị ta đánh trả bất ngờ và tổn thương nặng nề, máy bay địch điên cuồng vãi đạn xuống Tàu 43. Mặt biển như sôi lên vì đạn pháo và rốc két. Tiếng súng ĐKZ, đại liên, 12,7mm của ta rền vang. Trận chiến đấu diễn ra vô cùng căng thẳng, nhưng vì lực lượng không cân sức nên Tàu 43 trúng đạn, chao đảo. Chiến sĩ Vũ Xuân Ruệ bị thương nặng, toàn thân đẫm máu, tay vẫn giữ chặt bánh lái. Ở vị trí ĐKZ, chiến sĩ quân y kiêm pháo thủ số 2 Võ Nho Tòng cũng trúng đạn, hy sinh. Sau hơn 3 giờ chiến đấu ngoan cường, tàu ta vừa dùng bom chìm, bộc phá chặn, vừa sử dụng đại liên, trung liên, súng máy 12,7mm tiêu diệt thêm 3 máy bay HU-1A, bắn hư hại nhiều tàu cao tốc của địch, rồi lao thẳng vào bờ. Quyết không để phương tiện và vũ khí rơi vào tay địch, thuyền trưởng Nguyễn Đắc Thắng ra lệnh hủy tàu.

Chiến tranh đã lùi xa, ông Tuấn giờ đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Năm 1968, ông bị thương, phải ra Bắc điều trị, sau đó chuyển ngành làm cán bộ Trường Đại học Thủy sản. Gần hai chục năm đứng trên bục giảng, ông đã “truyền lửa” cho các thế hệ học trò bằng nhiều câu chuyện sinh động về những chiến công huyền thoại của đoàn tàu không số năm xưa.

Khi con cái đã trưởng thành, cuộc sống khá hơn, CCB Trần Ngọc Tuấn tích cực tham gia công tác trong hội CCB ở địa phương. Những lúc vết thương không hành hạ, bệnh tình thuyên giảm, ông lại đến từng gia đình trong khu phố vận động thanh niên lên đường nhập ngũ. Có thời gian, ông lại tìm gặp, động viên, thăm hỏi và tận tình giúp đỡ các đồng đội năm xưa lúc khó khăn, hoạn nạn.

9 lần vượt biển, 2 lần đối mặt quân địch bủa vây, 2 lần chỉ huy đánh bộc phá hủy tàu, nhưng ông và đồng đội vẫn mưu trí thoát khỏi vòng vây quân thù. Các chuyến đi sau này do ông chỉ huy đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Với những chiến công tiêu biểu ấy, đồng đội và nhân dân luôn coi ông là người anh hùng.

TÙNG LÂM