Vợ chồng ông Khuông

Mỗi ngày như mọi ngày, ông vẫn kiên trì bên người bạn đời nựng dỗ bà ăn từng thìa cháo. Dạo này bà không được khỏe, nhất là từ hôm đi viện về. Có lẽ “thực đơn” hằng ngày để bà dùng bữa, ông là người nắm rõ, như: Mua loại thịt gì, xay giã, chọn loại gạo nào... để nấu chóng nhuyễn giúp bà ăn được ngon miệng. Rồi những lúc dìu bà đi vệ sinh, cho đến giấc ngủ... ông cũng phải để mắt tới. Nói chuyện với tôi, ông thật thà:

- Tớ cứ đi suốt theo kháng chiến, bà ấy lại “tặng” mình những 5 đứa con và nuôi chúng một mình. Lớn lên, cả 5 đứa đều theo bố đi bộ đội và trưởng thành. Nay mình được Nhà nước cho nghỉ mới có điều kiện để chăm sóc bà ấy. Công lao của bà ấy biết trả bao giờ cho đủ!

Quả là ông nói và làm đúng như vậy. Ông là Nguyễn Văn Khuông. Ông sinh năm 1922, quê ở thôn Tướng Loát, xã Yên Trịnh, huyện Ý Yên (Nam Định), nay trú tại số nhà 186, phố Vọng, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ông tham gia cách mạng năm 1944, chủ yếu tác chiến trên đất bạn Lào. Còn bà là Vũ Thị Cậy, sinh năm 1920, người cùng quê với ông. Bà hơn ông hai tuổi, đúng như câu dân gian mà người đời thường nói: “Gái hơn hai, trai hơn một”. Chuyện tình duyên của ông bà cũng đẹp như một thiên tình sử. Chuyện rằng:

Một lần, được đơn vị cho về thăm nhà, chẳng biết thế nào mà anh chiến sĩ “bén duyên” ngay với cô gái quê. Cuối năm 1945, họ nên vợ, nên chồng. Cưới xong, bà theo ông sang nước bạn Lào sinh sống. Chồng thì chiến đấu với quân thù ngoài mặt trận, vợ buôn bán nhỏ ở Sầm Nưa. Ông bà sinh người con cả trên đất nước Triệu Voi. Năm 1946, cuộc kháng chiến của nhân dân hai nước Việt-Lào đi vào giai đoạn quyết liệt, bà một mình bế con đi bộ về Việt Nam vừa nuôi con, vừa ngóng chờ tin chồng. Thời gian này ông cũng đôi lần được về thăm vợ, thăm con. Mãi đến năm 1981, ông được Nhà nước cho nghỉ hưu. Từ đó, họ quấn quýt bên nhau như để bù lại những tháng năm xa cách và cùng nhau ôn lại nhiều kỷ niệm.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN THẾ