QĐND - Với bất cứ em nhỏ nào, giây phút phá cỗ trông trăng, ngân vang giai điệu bài hát tùng, dinh trong dịp Tết Trung thu thật diệu kỳ và đáng nhớ. Với hơn 11.000 cháu thiếu niên nhi đồng ở Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, điều đó càng đặc biệt hơn, bởi các cháu được đắm mình trong không gian của sản phẩm đồ chơi được thiết kế vừa hiện đại, vừa truyền thống và cả dáng hình sản phẩm của từng nhà máy, xí nghiệp… do chính bố mẹ và các cháu làm ra. 

Độc đáo đồ chơi

Thời điểm này, ở Nhà máy Z183, cán bộ, công nhân đang bận rộn sản xuất với nhiều đơn hàng phục vụ cho “Đêm hội Trăng Rằm”. Đại tá Đỗ Văn Mạnh, Chính ủy Nhà máy Z183 cho biết:

- Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy giao các phòng ban, phân xưởng tổ chức làm đồ chơi cho các cháu theo từng đầu mối. Mỗi đầu mối có một ý tưởng khác nhau, nên tạo ra không gian Trung thu đa dạng, nhiều sắc màu cho các cháu.

Theo quan sát của chúng tôi, sản phẩm được các phân xưởng thiết kế đa dạng về ý tưởng và rất công phu. Có phân xưởng thiết kế “công viên” với những con thú hoạt động bằng điều khiển cơ và điện: Rồng phun lửa, sân khấu múa rối nước với chú tễu ngộ nghĩnh, đáng yêu, nhưng có phân xưởng lại chọn mô hình Trung thu trên biển, đảo: Tàu thủy, ngư dân đánh bắt thủy hải sản ở Trường Sa, Hoàng Sa… tất cả cho thấy tình cảm, sự chăm lo của các bậc phụ huynh đối với con trẻ. Thế nhưng, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những sản phẩm đồ chơi được cách điệu từ sản phẩm công nghiệp quốc phòng mà nhà máy tham gia sản xuất hằng ngày. Ở phân xưởng A5, với bàn tay khéo léo, cụm máy ép thủy lực được sáng tạo thành chiếc đèn lồng khổng lồ, hay máy dập được thiết kế thành máy dập kẹo; những sản phẩm cờ lê, mỏ lết, khay… được làm với dáng hình bắt mắt, lạ lẫm. Anh Lê Văn Hải, công nhân Phân xưởng A5 cho biết:

- Để thiết kế được một đồ chơi phải mất khá nhiều thời gian, nhiều chi tiết thiết kế đòi hỏi mang cả yếu tố cơ học lẫn động học. Thế nhưng khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, sẽ giúp các cháu tiếp cận và hiểu thêm về công việc của bố mẹ các cháu đang làm.

Đêm hội Trăng Rằm năm 2012 ở Nhà máy Z183 thu hút đông đảo các cháu tham gia.

Cháu Phạm Hải Long, con chị Bùi Thị Hồng ở Phân xưởng A3 cứ mê mẩn với đồ chơi do các bậc phụ huynh thiết kế. Cầm những chiếc cờ lê, mỏ lết, Long cười hiền:

- Cháu sẽ theo nghề bố mẹ để làm ra được nhiều đồ chơi Trung thu hơn.

Các đồ chơi do chính tay bố mẹ các cháu thiết kế không chỉ mang đến lễ hội đa sắc màu với những trò chơi mới lạ, thu hút, mà còn gián tiếp bồi dưỡng tình yêu ngành quân giới cho các cháu. Điều này giải thích vì sao nhiều gia đình trong ngành quân giới có từ 2 đến 5 thế hệ làm trong ngành. Và hơn 9000 hộ gia đình đang sinh sống trong các làng quân giới tạo nên hậu phương vững chắc để ngành Quân giới (nay là Công nghiệp quốc phòng) phát triển mạnh mẽ, xứng danh với truyền thống “giỏi thời chiến, tiên phong thời bình”.

Giữ nét văn hóa truyền thống

Trong thời buổi các đồ chơi phục vụ cho Tết Trung thu rất hiện đại và bắt mắt được bày bán la liệt ở thị trường thì các nhà máy của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng vẫn giữ nét văn hóa truyền thống trong việc tổ chức lễ hội Trăng Rằm. Thời điểm còn gần một tháng mới đến lễ hội Trăng Rằm, nhưng qua tìm hiểu ở các nhà máy Z121, Z125, Z199, Z127, Z113…, chúng tôi thấy có một đặc điểm chung là tất cả đã “khởi động” cho “Lễ hội Trăng Rằm” đầy yêu thương và ý nghĩa. Đại tá Nguyễn Ích Hạnh, Phó chủ nhiệm Chính trị Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng chia sẻ: 

- Đặc thù các đơn vị của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng là có các làng quân giới, nên Cục Chính trị chỉ đạo các đơn vị tổ chức vui Tết Trung thu vui vẻ, ý nghĩa, hướng vào các trò chơi dân gian, truyền thống; kịp thời động viên các cháu bước vào năm học mới giành nhiều thắng lợi.

Ở Trường Mầm non Hoa Hồng (Nhà máy Z121), với chất liệu là vỏ lon bia, hộp sữa ông Thọ, giấy màu, hộp bánh kẹo…, cô giáo say sưa hướng dẫn các cháu làm đèn kéo quân, đèn ông sao và đèn lồng. Vì các cháu còn nhỏ, nên từ công đoạn dựng khung đến cắt giấy đều có sự trợ giúp của các cô. Sau hơn một giờ say sưa, cô và trò lớp Họa Mi đã sản xuất được những chiếc đèn ông sao rực rỡ, trong niềm vui thích của các cháu. Hay như ở lớp Sơn Ca, các cháu lại “nhập vai” đầu bếp với chủ đề Tết Trung thu. Những chiếc bánh nướng, bánh dẻo lần lượt được ra lò; được cô và trò sắp đặt mâm cỗ trông trăng.

Còn ở Trường Mầm non Tuổi thơ (Nhà máy Z199) các cô giáo tranh thủ thời gian cùng với học sinh chuẩn bị chu tất cho lễ hội Trăng Rằm. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Phượng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

- Trung thu nào cũng vậy, nhà trường đều tổ chức các hoạt động giúp học sinh tiếp cận với đồ chơi, sản phẩm truyền thống, qua đó không chỉ giúp cho trẻ phát triển tư duy, sáng tạo, sự khéo léo, mà còn là cách để nhà trường giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.

Cùng với sự chuẩn bị đồ chơi truyền thống, các nhà máy trong toàn Tổng cục đã chuẩn bị sẵn sàng những mâm cỗ Trung thu khá “thịnh soạn” để các cháu “phá cỗ, trông trăng”. Đại tá Đỗ Văn Mạnh, Chính ủy Nhà máy Z183 cho biết:

- Những năm trước, đơn vị tổ chức Tết Trung thu cho các cháu, đã có hàng nghìn cháu và người dân địa phương cùng tham gia. Thế nên năm nay chúng tôi lên phương án để tất cả các cháu (kể cả các cháu ở địa phương) đều được phá cỗ, vui một Trung Thu đáng nhớ thời thơ ấu.

Đồ chơi đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, mâm cỗ Trung thu cũng được chuẩn bị thịnh soạn, tất cả chỉ chờ trăng lên cho một lễ hội tưng bừng…

Bài và ảnh: ĐỨC DỤC