QĐND - “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua...”-mỗi lần nghe bài hát “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song, chị Lưu Thị Thắm lại nhớ đến người chồng thân yêu-Thiếu tá Trần Như Nam, Đảo trưởng đảo Núi Le, thuộc quần đảo Trường Sa, đang ngày đêm cùng đồng đội chắc tay súng canh giữ vùng biển, vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc.
 |
Mẹ con chị Lưu Thị Thắm.
|
Chúng tôi tìm đến nhà chị Thắm tại thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận vào một ngày mưa. Cuộc chuyện trò thỉnh thoảng lại bị ngắt quãng, bởi cô con gái bé bỏng của chị lại vòi mẹ. Dù vậy, những cảm xúc mãnh liệt về người chồng thân yêu đã giúp chúng tôi hình dung về chuyện tình của cô nữ sinh Hà Tĩnh kể từ ngày tình cờ gặp chàng lính đảo cùng quê trên chuyến xe từ Bắc vào Nam.
Hè năm 2002, hai cha con chị Thắm đón xe vào Nam, đến nhà một người bà con tại Ninh Thuận để ôn thi đại học. Trên đường đi, do chủ xe bán khách sang một xe khác, chị được xếp ngồi gần một anh lính hải quân có nụ cười hiền lành, dễ mến, với cái tên Trần Như Nam. Cả hai đều son trẻ, lại thêm tình đồng hương, nên câu chuyện càng lúc càng đậm đà. Qua câu chuyện chị Thắm biết, anh đóng quân ở Cam Ranh (Khánh Hòa) vừa nghỉ phép để chuẩn bị cho chuyến công tác ở Trường Sa. Đường xa như ngắn lại. Khi chia tay, họ trao nhau địa chỉ rồi giữ liên lạc qua những cánh thư và những cuộc điện thoại. Năm 2004, khi chị đang học Khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Đà Lạt thì anh nghỉ phép lên thăm. Con ốc biển, nhành san hô-quà của người lính đảo, được chị nâng niu trân trọng. Tình yêu cứ thế nhân lên, dạt dào như sóng biển. Tháng 5-2009, một đám cưới giản dị và đầm ấm đã được tổ chức.
"Sau ngày cưới, anh lại tiếp tục ra đảo làm nhiệm vụ. Ngày con gái Trần Hoàng Quyên chào đời, anh đang ở ngoài đảo, chỉ có bà ngoại vào giúp. Khi hay tin “mẹ tròn con vuông”, tôi nghe giọng cười ấm áp của anh qua điện thoại, bao tủi thân, vất vả bỗng như tan biến hết. Cho đến giờ, mỗi khi con đau ốm, tôi vẫn không dám kể, sợ anh lo lắng, ảnh hưởng đến công tác”-chị Thắm chia sẻ với chúng tôi. Được giặt là cho chồng bộ quần áo, có anh bên cạnh lúc nửa đêm khi con bất chợt lên cơn sốt, ngày nghỉ cả nhà cùng đi thăm bạn bè, họ mạc…, những điều tưởng như rất đỗi bình thường trong cuộc sống, lại là khát khao của những người vợ lính đảo. Cũng vì thế, mỗi lần anh về phép, cả nhà vỡ òa trong niềm vui. Trân trọng thời gian quý giá ấy, vợ chồng chị không có thời gian giận dỗi nhau. Căn nhà mẹ con chị đang ở, xây gần xong thì anh ra đảo, vẫn đang chờ anh về để hoàn thiện. Làm vợ lính đảo là phải chấp nhận cảnh “vợ chồng Ngâu”, nhưng với chị Thắm, “Ở hai đầu nỗi nhớ, yêu và thương sâu hơn”.
Chia tay gia đình chị Thắm, chúng tôi thêm thấm thía và cảm phục nghị lực, sự hy sinh thầm lặng của những người vợ lính đảo Trường Sa. Các chị là điểm tựa, hậu phương vững chắc để người lính đảo thêm vững vàng trước bão tố, phong ba, chắc tay súng giữ gìn sự bình yên cho biển, đảo quê hương.
Bài và ảnh: ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP