1. Chạng vạng bên dòng suối Nậm Kè, vừa từ trụ sở UBND xã trở về, Thượng úy QNCN Nguyễn Tiến Anh, Phó bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè (Mường Nhé) tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, đong gạo nấu cơm, chờ vợ là chị Trần Thị Nga đón hai con trai đi học về. Nhìn cảnh ấy, Thượng tá Lầu A Tú, Chính trị viên Đồn Biên phòng (BP) Nậm Kè ghé tai tôi cho biết: “Để có ngày hôm nay, vợ chồng anh ấy đã trải qua chuỗi ngày dài đồng cam cộng khổ nơi biên cương Tây Bắc này...”.
Nguyễn Tiến Anh quê ở xã Liên Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp nghề số 11, Bộ đội Biên phòng (BĐBP), anh về công tác tại Đồn BP Nậm Kè. Tình cờ trong một lần đến bưu điện xã gọi điện về thăm nhà, Tiến Anh gặp cô giáo cắm bản Trần Thị Nga, quê huyện Vũ Thư (Thái Bình). Đồng cảm với cảnh xa nhà của BĐBP và giáo viên cắm bản, anh chị đã kết duyên cùng nhau.
 |
Gia đình Thượng úy QNCN Nguyễn Tiến Anh. |
Năm 2013, khi đã có hai người con, chị Nga bị phát hiện mắc căn bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Để duy trì sự sống, mỗi tháng Nguyễn Tiến Anh phải đưa vợ về Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương từ 7 đến 10 ngày để chữa trị. Nguyễn Tiến Anh nhớ lại: “Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất của vợ chồng tôi. Bao nhiêu tiền của tôi đều dành cho vợ chữa bệnh, nhưng điều trăn trở nhất là hai con nhỏ không ai chăm sóc. Bố mẹ thì ở xa, già yếu không lên được...”. Hiểu rõ nỗi vất vả của vợ chồng Tiến Anh, hằng ngày, cán bộ Đồn BP Nậm Kè đến nhà nấu cơm, tắm rửa và đưa đón hai cháu đến trường những lúc anh chị đi chữa bệnh. Chia sẻ khó khăn với đôi vợ chồng trẻ, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh và Đồn BP Nậm Kè đã hỗ trợ anh chị căn nhà đồng đội trị giá 60 triệu đồng. Sau thời gian chữa trị, bệnh tình của chị Nga thuyên giảm, cuộc sống bình dị, ấm cúng trở lại. Nguyễn Tiến Anh tâm sự: “Nhớ lại những ngày con cái được đồng đội, dân bản che chở, chăm sóc, vợ chồng tôi tự hứa sẽ quyết tâm bám bản, đóng góp công sức trả nghĩa đồng đội, đồng bào”.
Được biết, trên cương vị là Phó bí thư Đảng ủy xã Nậm Kè, Nguyễn Tiến Anh đã nỗ lực học thêm tiếng Mông để thực hiện “3 bám, 4 cùng” với dân bản. Xã Nậm Kè có bản người Cống, là dân tộc đặc biệt ít người, nhiều hộ nghèo và tập tục lạc hậu, Tiến Anh đã tham mưu cho Đảng ủy xã vừa tiến hành công tác dân vận, vừa xây dựng mô hình chăn nuôi, giúp dân bản xóa bỏ tập quán du canh, du cư và những tập tục lạc hậu. Là giáo viên của Trường Tiểu học Nậm Kè, ngoài giờ dạy, chị Nga tích cực vận động thanh niên không biết chữ học thêm buổi tối và tham gia dạy xóa mù chữ cho nhiều thanh niên thôn bản. Việc làm của anh chị được dân bản trân trọng, quý mến.
2. Năm 2020 là năm đầy ắp niềm vui đối với vợ chồng Thượng tá Nguyễn Văn Quý (Chính trị viên Đồn BP Na Cô Sa) và chị Dương Thị Hiền (nhân viên y tế Trường Mầm non xã Nậm Kè). Cậu con trai của anh chị thi đỗ vào Học viện Hậu cần với số điểm 27,5, còn cô con gái sau khi tốt nghiệp Học viện An ninh nhân dân hệ dân sự đã lên đường nhập ngũ tại Quân khu 7. Được biết, những năm 2010, gia đình anh Quý sinh sống tại thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu). Năm 2011, khi hay tin anh Quý chuyển công tác về Đồn BP Na Cô Sa, chị Hiền cũng quyết tâm lên biên giới cùng anh để hậu phương chung về một mối. Do địa bàn Tây Bắc xa xôi, vất vả, anh chị quyết định gửi hai con cho ông bà ở huyện Ân Thi (Hưng Yên). Không gian cách trở, điều kiện công tác không mấy khi gặp con, nên bao nhiêu tình thương anh chị gửi trọn vào những lá thư tay và cuộc điện thoại động viên các con mỗi ngày. Ngày con trai nhận giấy báo đỗ vào Học viện Hậu cần, anh Quý, chị Hiền chỉ biết ôm nhau khóc trong niềm vui sướng. Bởi những hy sinh, vất vả của anh chị nơi biên cương Tây Bắc đã được đền đáp xứng đáng.
3. Không chỉ vợ chồng anh Quý, anh Tiến Anh mà nhiều mái ấm quân nhân thuộc BĐBP tỉnh Điện Biên đã quyết tâm chọn biên giới Tây Bắc làm quê hương thứ hai của mình. Theo Đại tá Lê Đức Nghĩa, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Điện Biên: Những năm qua, thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh BĐBP, BĐBP tỉnh Điện Biên luôn quan tâm đến công tác hậu phương quân đội, nhất là các gia đình quân nhân nơi biên giới. Để giúp gia đình quân nhân ổn định cuộc sống, hằng năm BĐBP tỉnh đã trao tặng các cặp vợ chồng khó khăn những ngôi nhà đồng đội; phối hợp với các ban, ngành, chính quyền địa phương tạo việc làm cho vợ quân nhân. Vào các dịp lễ, tết, các đồn BP luôn tạo điều kiện để vợ con quân nhân lên đơn vị chung vui cùng cán bộ, chiến sĩ. Qua thực tiễn, có một điều dễ nhận thấy: Một khi có hậu phương vững chắc, mỗi cán bộ, quân nhân trên biên giới càng thêm yên tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hơn thế, gia đình quân nhân cũng trở thành những “cột mốc” giữ vững biên cương Tây Bắc thêm vững bền.
Bài và ảnh: PHẠM KIÊN