Trời vừa nhá nhem tối, em Lý Trúy Lu và Lý Gạ Che, đội viên TTTTN tất tả soạn sách vở, tài liệu rời vị trí đóng quân ở Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 1 (Đội 1) “tăng bo” trên chiếc xe máy cà tàng, vượt cung đường hiểm trở hơn 10km đến Nhà văn hóa bản Tả Chải, xã Sì Lở Lầu để dạy chữ cho bà con. Hơn một tháng nay kể từ khi lớp học được mở, hai em luôn hào hứng, vui vẻ trên cung đường mỗi lần về bản.

Cán bộ, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 356 hướng dẫn bà con tại lớp học xóa tái mù chữ ở bản Tả Chải.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Mường Tè (Lai Châu), Lý Trúy Lu và Lý Gạ Che có thuận lợi hơn các đội viên TTTTN khác ở đây, bởi các em đều nói thành thạo tiếng phổ thông và tiếng Hà Nhì. Do vậy, khi Đoàn KT-QP 356 có chủ trương mở lớp học xóa tái mù chữ cho bà con trong vùng dự án, Lý Trúy Lu và Lý Gạ Che được chọn làm giáo viên đứng lớp. Thiếu tá Nguyễn Nam Long, Đội trưởng Đội 1 cho biết: “Là đơn vị được lựa chọn làm trước, chúng tôi đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xã Sì Lở Lầu tiến hành khảo sát và xác định bản Tả Chải, nơi có chủ yếu là người dân tộc Hà Nhì, phần lớn chưa biết tiếng phổ thông để mở lớp. Trước đó, Đội 1 cùng lực lượng TTTTN và trưởng bản đến từng hộ để vận động bà con đến học, đồng thời lựa chọn nhà văn hóa bản là địa điểm mở lớp, giúp bà con đi học thuận tiện hơn”.

Em Lý Gạ Che chia sẻ: “Mỗi lần xuống bản vận động, em càng thấu hiểu cuộc sống vất vả của bà con. Ở đây, phần lớn các gia đình hằng ngày làm việc trên nương, rẫy, nhiều hôm đi từ mờ sáng đến sẩm tối mới trở về nhà, ít có thời gian đến lớp. Thế nhưng, khi hiểu rằng tiếng phổ thông sẽ có nhiều lợi ích cho cuộc sống, bà con đều đăng ký tham gia”.

Chứng kiến giờ lên lớp tại bản Tả Chải, chúng tôi thật sự xúc động. Không gian phòng học khá chật chội; bên những chiếc bàn gỗ cũ kỹ, cái cao, cái thấp là hơn 40 học sinh ở các độ tuổi; nhiều người đến học là anh em, vợ chồng. Mặc dù độ tuổi khác nhau, giọng đọc lúc đầu còn ngọng nghịu nhưng họ đều rất vui, mong muốn đọc thông viết thạo tiếng phổ thông. Thiếu tá Nguyễn Nam Long chia sẻ: “Ban đầu mở lớp, chúng tôi chỉ vận động 30 người đến học, nhưng thấy bà con đến đăng ký đông, có buổi hơn 40 người, chúng tôi lại liên hệ mượn thêm bàn, ghế của UBND xã kê tạm để có chỗ cho bà con ngồi học”.

Chị Ma Mèn Só, vợ Trưởng bản Li Pá Lù kể với chúng tôi về những khó khăn của bà con nơi đây mỗi lần xuống chợ cần giao tiếp với người dân vùng xuôi. Mặc dù đã biết một chút tiếng phổ thông, nhưng chị vẫn đăng ký theo học với mong muốn giao tiếp thành thạo tiếng phổ thông và hiểu được những tin tức trên ti vi. Lớp học mở ra, chị Só và bà con trong bản mừng lắm.

Để giúp bà con dễ hiểu, dễ thuộc, dễ nhớ, ban đầu, Lý Trúy Lu và Lý Gạ Che cẩn thận uốn nắn từng nét chữ, từng con số. Khi thấy chỗ nào khó hiểu, khó nhớ, hai em lại giảng bằng tiếng Hà Nhì để mọi người nắm chắc, hiểu sâu. “Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Cộng đồng, chuyên ngành lâm sinh, chưa từng được đứng lớp giảng bài, nhưng mỗi lần nghe các chị, các anh gọi là cô giáo, em cảm thấy chộn rộn. Điều ấy tiếp thêm cho chúng em niềm vui, động lực mỗi khi đứng lớp”-Lý Gạ Che thổ lộ.

Theo Đại tá Nguyễn Quyết Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 356, chương trình mở lớp xóa tái mù chữ được Đảng ủy, chỉ huy đoàn xác định trong nghị quyết lãnh đạo nhiệm kỳ và nghị quyết hằng năm. Đoàn lựa chọn Đội 1 tiến hành làm trước, trong đó xác định đội ngũ TTTTN biết tiếng đồng bào làm nòng cốt đứng lớp, sau đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ở các đội còn lại. Thời gian mỗi lớp học, đoàn dự kiến dạy trong 3 tháng, đến khi bà con thành thạo tiếng phổ thông. Quá trình tổ chức, đoàn khuyến khích cán bộ, nhân viên các đơn vị ủng hộ quần áo, sách vở giúp bà con đến học. Thời gian lên lớp, các đội lồng ghép chiếu những thước phim ngắn tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đoàn đã xây dựng phương án phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các đơn vị biên phòng đứng chân trên địa bàn mở lớp học tiếng phổ thông cho bà con dân tộc Mông, Dao ở các đội còn lại.  

Ông Tẩn Sài Đông, Chủ tịch UBND xã Sì Lở Lầu phấn khởi cho biết: “Địa phương chúng tôi hiện có dân tộc Dao và Hà Nhì sinh sống. Ở đây, bà con đều mong muốn biết tiếng phổ thông. Chúng tôi đồng tình ủng hộ, đánh giá rất cao Đoàn KT-QP 356 mở lớp xóa tái mù chữ cho bà con ở bản Tả Chải. Đó là điều kiện thuận lợi giúp Sì Lở Lầu phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho bà con, góp phần bảo vệ vững chắc đường biên, cột mốc trên địa bàn”.

Bài và ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG