 |
Khai giảng lớp học xóa mù chữ tại bản Tặc Tè (Mường Và, Sốp Cộp, Sơn La). |
Chiều muộn, sau khi làm xong công việc tại Đội sản xuất và xây dựng cơ sở chính trị số 2 (Đội 2), Đoàn KT-QP 326, em Tòng Thu Hiền cùng Vàng A Ly, đội viên TTTTN ăn vội bữa cơm chiều, tất tả soạn sách vở, tài liệu. Hai em điều khiển chiếc xe máy "cà tàng" vượt hơn 20km đồi núi dốc quanh co, khúc khuỷu đến địa điểm nhà văn hóa bản Tặc Tè, xã Mường Và (Sốp Cộp, Sơn La) dạy học cho bà con. Đã nhiều tháng nay kể từ khi lớp học xóa mù chữ được mở ra, con đường từ Đội 2 đến bản Tặc Tè trở thành cung đường quen thuộc đối với Hiền và Ly.
Có nhiều lợi thế khi sinh ra và lớn lên tại chính mảnh đất Sốp Cộp, nơi đứng chân của Đoàn KT-QP 326, sau khi tốt nghiệp ngành giáo dục tiểu học Trường Đại học Tây Bắc, Tòng Thu Hiền tìm hiểu kỹ về Dự án “Tăng cường TTTTN đến công tác tại các khu KT-QP", giai đoạn 2010-2020, theo Đề án 174 của Chính phủ, em nộp hồ sơ và trúng tuyển. Là người giao tiếp thành thạo cả hai ngôn ngữ (tiếng phổ thông và tiếng Thái), khi Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp phối hợp với Ban quản lý dự án 174, Đoàn KT-QP 326 mở các lớp dạy xóa mù chữ cho bà con ở những địa phương trong vùng dự án, Thu Hiền được lựa chọn làm giáo viên đứng lớp. Tòng Thu Hiền chia sẻ: “Em rất vui khi cùng hội viên hội phụ nữ; thầy, cô tại địa phương đến vận động chị em ở bản tham gia lớp học”.
Quả thật, khi chứng kiến giờ lên lớp tại bản Tặc Tè, chúng tôi ai nấy đều rất xúc động bởi căn phòng chỉ có những chiếc bàn cũ kỹ và một ít sách vở. Lớp học gồm 22 học viên (từ 20 đến hơn 40 tuổi). Phần lớn người dân khi đến với lớp học đều đã xây dựng gia đình và chưa biết tiếng phổ thông. Tòng Thu Hiền và Vàng A Ly kể với chúng tôi về những bài học đầu tiên khi các em cẩn thận uốn nắn từng nét chữ, con số. Dạy tiếng phổ thông cho bà con, thấy đồng bào khó hiểu, khó nhớ, hai em lại kết hợp giảng lại bằng tiếng Thái. Sau hơn hai tháng đến với lớp học ở bản Tặc Tè, hiện có hơn 80% học viên trong lớp biết viết, biết đọc, biết làm phép tính.
Chị Sèo Thị La, học viên trong lớp chia sẻ về những khó khăn mỗi khi xuống chợ bán con lợn, con gà hay mua hàng hóa về phục vụ cuộc sống gia đình. Mỗi lần như thế, chị La đều phải nhờ người khác tính toán hộ. Từ khi đến với lớp học, chị La cũng như nhiều bà con trong bản đã biết làm phép tính. Biết chữ, mới đây gia đình chị La đã lên chợ huyện mua chiếc ti vi mới về phục vụ sinh hoạt của gia đình.
Trò chuyện với chúng tôi, Tòng Thu Hiền kể về những bữa cơm vội vàng tại lớp, khi chị em cơm nắm từ nhà để kịp giờ vào học, nhưng Hiền nhớ nhất hình ảnh cháu bé mới hơn 3 tháng tuổi, ngủ trong chiếc nôi trên lưng chị Mòng Thị Toan mà hằng ngày chị vẫn thường địu bé đến lớp học. “Hình ảnh ấy đã tiếp thêm cho em động lực và niềm vui được gặp các chị hằng ngày", Tòng Thu Hiền thổ lộ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, thực hiện quy chế phối hợp giữa Đoàn KT-QP 326 và UBND huyện Sốp Cộp, Đoàn KT-QP 326 cử đội viên TTTTN tham gia dạy 4 lớp xóa mù chữ cho 90 người dân từ 15 đến 60 tuổi trong vùng dự án. Sau hơn hai tháng đi vào hoạt động, hiện có hơn 80% học viên giao tiếp được bằng tiếng phổ thông. Thầy Phạm Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Nà Khoang, xã Mường Và chia sẻ: “Nhà trường đánh giá cao lớp học xóa mù chữ ở bản Tặc Tè của đội viên TTTTN. Hằng tháng, nhà trường đều cử giáo viên tổ chức hai buổi đến với lớp học để trao đổi phương pháp giảng dạy giúp đội viên TTTTN có thêm kinh nghiệm khi đứng lớp”.
Đánh giá về hiệu quả lớp học, đồng chí Lò Văn Hương, Phó chủ tịch UBND xã Mường Và phấn khởi cho biết: “Địa phương hiện có 6 dân tộc: Thái, Lào, Khơ Mú, Mông, Kinh và Tày cùng sinh sống. Đời sống bà con phần lớn còn nhiều khó khăn, dân trí thấp. Vì thế, việc mở lớp xóa mù chữ ở bản Tặc Tè không chỉ giúp bà con có điều kiện học tập, biết và giao tiếp được bằng tiếng phổ thông mà còn là cơ hội tốt góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân địa phương”.
Bài và ảnh: CAO MẠNH TƯỜNG