Vợ bộ đội, dù trong thời bình hay thời chiến, theo chị Huyền thì đều có đặc điểm chung là xa cách chồng. Người phụ nữ chịu nhiều thiệt thòi hơn khi phải xa "đấng phu quân", ngắn thì một tháng, dài thì nửa năm, thậm chí biền biệt cả năm vợ chồng mới được gặp nhau một lần. Bởi vậy, mọi công việc lo toan trong gia đình, chị một mình cáng đáng, từ việc nuôi dạy con đến đối nội, đối ngoại. Chị tự rèn mình cứng cỏi hơn để có thể đảm đương cả phần việc của chồng cho anh yên tâm gắn bó với đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chẳng phụ lòng bố mẹ, hai cháu Tống Huyền Trang (học lớp 6) và Tống Thành Trung (học lớp 1) đều là học sinh giỏi.

Chị Nguyễn Thị Huyền hạnh phúc bên chồng con.

Thương vợ, thương con nên mỗi lần anh Duẩn về phép hay nghỉ tranh thủ, anh luôn dành hết sự yêu thương chăm sóc cho gia đình, đặc biệt là hai con. Nhưng chính sự cưng chiều của anh dành cho các con trong thời gian ngắn, vô hình trung lại phá vỡ nếp ăn, nếp ngủ, học tập mà chị rèn luyện bấy lâu. Cũng vì đó mà anh chị nảy sinh những bất đồng trong việc nuôi dạy, chăm sóc con cái.

Giận chồng nhưng nghĩ lại thương chồng biết bao! Chị hiểu nỗi lòng anh khi phải xa cách con trong thời gian dài. Anh cũng không muốn chỉ ít ngày nghỉ phép mà phải nghiêm khắc với con. Chị Huyền chia sẻ: “Nhiều khi mâu thuẫn bị đẩy lên, vợ chồng giận nhau dẫn đến không khí căng thẳng trong gia đình. Nhưng vợ chồng cốt là tình, vững là nghĩa. “Giận thì giận, mà thương càng thương”-một người nóng giận thì người còn lại phải làm lành. Hôn nhân chính là sự hòa hợp giữa hai cá tính trong một gia đình để xây dựng hạnh phúc bền lâu”.

Bài và ảnh: TRỊNH HẢI