 |
Chàng trai Cầu Giẽ Nguyễn Bình Dương. |
“…Hà Tây! Cửa ngõ Thủ đô/ Cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ/ Ngăn bầy giặc Mỹ vẩn đục bầu trời…”. Như đã thành thông lệ, cứ chiều chiều, trước khi đưa vợ đi dạo một vòng quanh làng, ông lại mở chiếc đĩa CD chỉ ghi có bài hát duy nhất - “Hà Tây quê lụa”, để tận hưởng cảm giác khoan khoái mơn man khi thấy hình ảnh của mình đẹp lộng lẫy trong ca từ của bản nhạc…
Về thôn Cổ Trai (xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây) hỏi thăm ông Nguyễn Bình Dương, từ con trẻ đến người cao tuổi nhất trong làng đều biết. Chàng thanh niên dẫn tôi đến nhà ông Dương, vừa đi vừa khoe:
- Con đường bê tông chạy quanh làng này, nhờ ông Dương mới có được đấy. Cái cổng đình to và đẹp trước mắt cô nữa kìa, rồi cả con mương chứa nước phục vụ mùa màng của bà con trong xã… đều có sự đóng góp chính của ông. Ông Dương vừa dũng cảm trong chiến đấu, lại tích cực xây dựng quê hương thời kỳ đổi mới. Chúng tôi vẫn gọi vui ông là “người của mọi thời đại”.
Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã đến trước cổng nhà ông Dương. Một bà cụ ngồi vấn tóc, một ông lão đang tỉa tót mấy chậu cây cảnh trước hiên nhà, tiếng chim hót vang ra từ những chiếc lồng treo lủng lẳng trên cành cây khế… Cảnh vật thanh bình của một mái ấm như làm ấm lòng người khách phương xa trước cái lạnh đầu đông.
Bước chân vào nhà, hình ảnh đầu tiên hiện ra trước mắt tôi là những huân, huy chương, bằng khen, giấy khen của ông được treo rất trang trọng. Thấy tôi ngắm nghía say sưa, ông nói như phân trần:
- Treo nhiều như thế không phải để “khoe” đâu cô ạ. Gần đất xa trời rồi, hằng ngày được ngắm nhìn thành quả của mình, niềm vui đó như giúp tôi sống khỏe mạnh hơn.
Nghe ông nói sang sảng, nhìn ông đi nhanh nhẹn, thấy thân hình vạm vỡ của ông, không ai nghĩ ông đã ở cái tuổi ngoài bát thập. Hiểu được nguyện vọng của tôi, ông bắt đầu câu chuyện ngay sau tuần trà đầu tiên.
Ông kể: Tháng 12 năm 1946, ông trốn gia đình đi hoạt động cách mạng. Vì sợ bố mẹ ngăn cản, ông lẳng lặng khăn gói lên đường lúc nửa đêm. 6 tháng trời bặt tăm, ông chỉ “bắn tin” về nhà bằng một dòng thư duy nhất: “Con vẫn sống và khỏe mạnh”. Lúc quay về, cứ tưởng bố mẹ sẽ mắng nhiếc, nào ngờ, mẹ ông ôm con trai vào lòng, khóc tức tưởi. Giọng bà đứt quãng trong cơn nấc nghẹn: “Con đi vì dân, vì nước thì bố mẹ nào ngăn cấm. Nhưng mày cứ lấy vợ, có con để bố mẹ yên tâm rồi thì tha hồ mà đi đánh giặc”.
- Thế là để được “tha hồ đánh giặc”, tôi “y lệnh” mẹ ngay – ông nói.
“Nghĩa vụ” với gia đình hoàn thành, ông tiếp tục trở lại tổ chức của mình. Năm 1951, ông ở D164, tham gia võ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở tại xã Hoàng Long (Phú Xuyên, Hà Tây), thì bị địch bắt. Chúng giam ông khắp các bốt Lạc Đạo (Ứng Hòa, Hà Tây), bốt Tía (Thường Tín, Hà Tây), rồi căng Đoàn Xá (Hải Phòng), sau cùng chúng đưa ông vào Hành Thông Tây ở Gò Vấp (Sài Gòn). Ông nói, ánh mắt như có lửa:
- Bọn địch đánh đập hết sức dã man, nhưng những người cộng sản chúng tôi, cái chết còn chẳng sợ, huống chi là đòn roi tra tấn. 3 năm sau, tôi trở về sau đợt trao trả tù binh ở Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Những năm giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, Cầu Giẽ là một trong nhiều nơi phải gánh chịu hàng loạt trận “mưa bom”. Ông lập kế hoạch thành lập một Đội tự vệ cảm tử quân, bảo đảm giao thông Cầu Giẽ. Được huyện đội cổ vũ, ông đi khắp các xã, như: Châu Can, Phú Yên, Vân Từ… để vận động thanh niên tình nguyện. Nam giới ra trận ngày càng nhiều, ông tìm cách thuyết phục các bà mẹ cho “con gái rượu” tham gia “tác chiến”. Ban đầu, Đội tự vệ cảm tử quân do ông làm Trung đội trưởng chỉ có 32 người. Sau rồi anh chị em thấy hoạt động sôi nổi, hăng say nên lần lượt tham gia ngày một đông. Công việc chủ yếu của đội là trực chiến, đào giao thông hào, đắp ụ pháo. Ban ngày thì phân công nhau trực chiến, vào xin gạo của dân để nấu ăn. Tối đến, mấy chục con người, cả nam cả nữ trải rơm xuống nền đất ở các lán, trại trong làng để “ngủ tập trung”. Kể đến đây, ông bỗng cười giòn tan:
- Nhiều bà mẹ thấy con gái, con trai ngủ lẫn lộn như thế thì bắt con gái phải về, không cho “trực với chiến” gì hết. Nhưng các cô nàng khăng khăng không chịu. Thương con, thi thoảng các cụ lại mang cho cơm, chăn, chiếu…
Khó nhất là vấn đề quân phục. Phải gom góp cả năm trời mới được những mảnh vải đủ các loại, các ông đem nhuộm thành màu xanh, ai giỏi khâu vá, được giao nhiệm vụ may quân phục cho cả đội. Ông “khoe”:
- Diện quân phục, bụng thắt lưng, đội hình của chúng tôi trông oai phong lắm! Vì thế mà vận động bà con cùng tham gia chiến đấu cũng thuận lợi hơn.
Nhưng vì quân phục chỉ có “nhất bộ”, nên khi nào giặt, đội phải lập “kế hoạch”: Từng nhóm thay nhau giặt. Nhóm nào giặt đồ thì lo ngày mai “hậu chiến”, còn lại vẫn hoạt động bình thường.
Đến giờ này, cứ nghĩ đến những trận bom không quân Mỹ ném xuống Cầu Giẽ, ông vẫn thấy rùng mình. Có hôm, sau khi giặc đánh phá, đội dân quân các ông phải đi nhặt bom bi bỏ vào quang gánh, đem ra cánh đồng và đào hố chôn. Ban ngày giặc đánh phá ác liệt là vậy, nhưng đêm đến bà con trong xã vẫn đi làm đồng. Ông đùa vui:
- Cây lúa quê tôi không sợ bom, huống chi là con người!
Rồi đội các ông cũng được cấp trên tin tưởng giao cho pháo cao xạ để đánh trả máy bay địch.
Năm 1967, ông được cử vào Đoàn 559, dưới sự chỉ huy của trưởng đoàn Đồng Sỹ Nguyên cùng 28 đồng chí sang giúp nước bạn Lào, xây dựng lực lượng dân quân du kích ở các thôn, xã. Bên nước bạn, ông nhận được tin Đội tự vệ cảm tử quân của mình lập được rất nhiều thành tích. Tính đến năm 1972, đội đã chiến đấu hơn 300 trận, hạ gần 20 máy bay Mỹ, bảo đảm an toàn cho cây Cầu Giẽ quê ông. Tin vui ấy đã giúp ông tự tin hơn, hăng hái hơn để hoàn thành nhiệm vụ trên miền đất xa xôi...
Chuông đồng hồ điểm 5 giờ chiều như đánh thức ông Dương khỏi quá khứ hào hùng. Ông quay sang nhìn vợ như chợt nhớ ra điều gì đó. Thì ra, đã đến giờ ông đưa bà đi dạo một vòng quanh làng cho khỏe chân. Ông nói giọng chùng xuống:
- 51 năm tôi hoạt động cách mạng và tham gia các công tác xã hội, cũng là khoảng thời gian mà vợ tôi cơ cực khi vừa thay tôi chăm sóc bố mẹ chồng, lại một nách nuôi dạy 5 đứa con khôn lớn, trưởng thành. Về hưu năm 1986, tôi lại tham gia nhiều hoạt động khác: Bí thư Đảng ủy xã, trưởng khu phố Giẽ, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã, Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã…, bận bịu tối ngày, ít có thời gian lo cho gia đình. Giờ bà ấy yếu lắm, không được khỏe mạnh và minh mẫn như tôi. Già cả thế này rồi, tôi mới có cơ hội chăm sóc “bà xã”.
Tôi ra về mà lòng lưu luyến, cứ ngoái lại để được nhìn thấy ông dìu bà chầm chậm dạo từng bước trên con đường làng được tạo dựng bởi phần lớn công sức của ông. Vậy là tôi đã thỏa ước nguyện được gặp “chàng trai Cầu Giẽ” mà mới chỉ biết đến qua giai điệu quen thuộc của bài hát. Lòng cảm phục, tự hào bởi trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình, có những hình tượng bằng xương bằng thịt đẹp là thế.
Bài và ảnh: HỒNG THẠNH