QĐND Online - Những ai đã từng có tuổi thơ gắn bó với ruộng đồng, chắc không thể quên hương vị cơm nắm chấm với muối vừng. Đặc biệt là cơm được giã nhuyễn với muối vừng trong chiếc cối đá. Ngày bé, bọn trẻ con chúng tôi hay gọi đó là “cơm cối”. Tôi nhớ hương vị “cơm cối” còn bởi vì nó gắn với một kỷ niệm trong ngày đầu vào quân ngũ của tôi.

Phút giây sau giờ huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ trên quần đảo Trường Sa. Ảnh: Nguyên Thắng.

Tôi nhập ngũ đúng vào ngày lập đông. Buổi sáng hôm ấy, cả nhà dậy từ sớm chuẩn bị hành trang cho tôi lên đường nhập ngũ. Tôi chào người thân, khoác ba lô, rồi bước chân ra ngõ. Lúc này mẹ tôi chạy với theo, dúi cho một bọc “cơm cối” muối vừng, được gói trong mảnh lá chuối xanh. Hai mắt mẹ đỏ hoe và ân cần căn dặn: “Đường lên huyện bắt xe còn xa, con cầm lấy, đi đường ăn cho đỡ đói”. Thấm thoắt đã hơn hai mươi năm quân ngũ xa quê, nhưng tôi vẫn nhớ như in hương vị “cơm cối” muối vừng mẹ giã thủa nào. Càng nhớ thương hơn những ngày mưa phùn gió bấc, ngồi quanh bếp lửa rơm ẩm ướt khói, ăn bát “cơm cối” muối vừng nóng hổi, mới cảm nhận được hết cái hương vị đồng nội, thuần khiết, thấm đượm trong món ăn quê nhà dân dã.

Để có những cối cơm giã với muối vừng ngon là cả một công đoạn hết sức công phu. Gạo thổi cơm phải là gạo tám vụ mùa, tức vụ Hè - Thu, nấu bằng nồi gang đúc, đun rơm cả lửa, ủ tro nóng vừa chín tới, cho hương vị thơm ngon, đậm đà. Vừng được gieo trồng xen canh vào thời gian gối vụ chiêm - mùa. Tôi còn nhớ, ngày thu hoạch, mẹ cắt vừng, xếp vào quang gánh, quẩy về đổ ra sân. Anh em chúng tôi cũng xúm vào giúp mẹ nhặt lá. Từng nhánh vừng trụi lá, trơ ra chi chít quả. Mẹ tôi đặt chúng vào một chiếc nia rồi phơi trên mặt bể. Mùi vừng tươi bốc lên  thơm thơm, ngai ngái rất đặc trưng. Dưới cái nắng tháng bảy, tháng tám như thiêu như đốt, những quả vừng nở toác ra, chỉ cần đập nhẹ là hạt rơi tơi tả. Hạt vừng khô được mẹ cẩn thận đóng vào từng chiếc chai thủy tinh, đậy nút chặt rồi bỏ lên gác bếp. Mẹ bảo, mùa hè, trời oi bức, muối vừng khô, khó ăn, mùa đông, trời lạnh, ăn ngon hơn.

Hôm nào mẹ rang muối vừng là anh em tôi lại co ro chầu chực sẵn bên cạnh chiếc cối đá ở đầu hiên nhà, để được mẹ ưu tiên cho ăn “cơm cối” trước bữa. Trong căn bếp nhỏ, mẹ cặm cụi thổi cơm, tay liên tục đảo đôi đũa cả trên chảo vừng vàng rộm, thơm phức. Khói bếp xuyên qua mái rạ ẩm ướt mưa chiều, thỉnh thoảng gặp cơn gió lại sà xuống làm mắt chúng tôi cay xè. Vùi nồi cơm xuống đống tro hồng, mẹ tất tả từ bếp đi ra, đổ chảo vừng rang vào cối, nêm thêm một chút muối cũng được rang khô, hạt quắt lại. Chiếc chày gỗ trên bàn tay thô ráp, nứt nẻ của mẹ giã đều cho tới khi hạt muối, hạt vừng quyện đều vào nhau, nhỏ như cám gạo. Cẩn thận múc từng thìa muối vừng vào lọ để cả nhà ăn dần, mẹ không quên chừa lại một ít dưới đáy cối. Mẹ quay vào bếp, gạt đống tro đã tàn, mở vung nồi cơm gạo tám vừa chín tới, hơi cơm thơm nghi ngút. Với đôi đũa cả cắm trong chiếc ống tre góc bếp, mẹ xới một bát cơm đầy, đổ vào cối đá rồi lại giã. Cối cơm nhuyễn, trắng, lấm tấm màu vàng của những hạt vừng nhỏ li ti trông thật bắt mắt. Anh em tôi tranh nhau chìa bát để mẹ xúc cơm. Hương vị bùi, ngậy, thơm nồng của “cơm cối” muối vừng hòa quyện vào nhau làm ấm lòng anh em tôi trong mùa đông giá lạnh. Nhìn chúng tôi ăn ngon lành, ánh mắt mẹ tôi ngời lên niềm hạnh phúc giản dị...

Cuộc sống khá giả, cơm muối vừng giờ đây không còn là hình tượng cho cuộc sống nghèo khó nữa mà đã trở thành món ăn thanh nhã của mọi người, mọi nhà. Thậm chí, những lát cơm nắm trắng tinh chấm với muối vừng còn là thứ quà vặt trong những gánh hàng rong trên phố. Tuy nhiên, cách làm muối vừng bây giờ đơn giản hơn nhiều vì đã có máy xay, không phải mất công giã bằng cối đá như trước đây. Thế nên, “cơm cối” muối vừng không còn được nhiều người biết đến nữa, nhất là con trẻ. Mấy năm gần đây, bếp ăn ở đơn vị tôi, ngoài suất ăn theo khẩu phần, trên bàn bao giờ cũng có thêm một lọ muối vừng. Những ngày trời se se lạnh, ăn cơm muối vừng vừa ngon, vừa ấm áp làm sao! Và chiều nay, khi những làn gió đông tràn về, ngồi ăn cơm cùng đồng đội, nhìn thấy lọ muối vừng trên bàn, tôi lại chạnh lòng nhớ đến kỷ niệm tuổi thơ quây quần bên cối cơm mẹ giã năm xưa, phảng phất hương quê trong khói lam chiều…

CAO DÂN