QĐND - Ba tôi không tự nhận mình là người lính, dù đã từng tham gia phục vụ chiến đấu ở chiến trường K. Vì vậy, bây giờ đôi mắt mù lòa, ông cũng không bao giờ nghĩ mình được hưởng chế độ chính sách gì. Ông không muốn tôi kể câu chuyện buồn của gia đình, bảo rằng có nhiều người còn khổ hơn.
Ba tôi tên là Phan Thanh Giản, ở thôn Lộc Tây 2 (Quế Lộc, Nông Sơn, Quảng Nam). Quê tôi vốn rất nghèo, nhưng giàu truyền thống cách mạng. Đã có một thế hệ thanh niên đầy hoài bão, dám quên mình vì sự nghiệp chung. Ba tôi cũng thế. Sau giải phóng 3 năm, từ giã ruộng đồng, ba tôi tham gia đắp đập cho công trình Hồ Giang tại Quế Sơn. Một buổi chiều tháng 10-1978, đồng chí bí thư huyện ủy lúc bấy giờ đã lên tận công trình kêu gọi thanh niên xung phong (TNXP) đi bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế. Ba tôi đăng ký đầu tiên và cùng với hàng trăm thanh niên khác lên đường; đi ngay trong đêm, không kịp báo cho gia đình biết.
 |
Sinh hoạt hằng ngày của ông Phan Thanh Giản phải nhờ người thân chăm sóc.
|
Nhiều năm nay, bệnh tật dần lấy đi trí nhớ của ba. Ông không nhớ chính xác phiên hiệu tiểu đoàn của mình, chỉ nhớ Đại đội trưởng tên là Đoàn, là người trực tiếp chỉ huy lực lượng TNXP Quế Sơn năm ấy. Vượt qua “Ngã ba Đông Dương”, ba tôi cùng đồng đội tham gia làm công trình trong đội hình Trung đoàn Công binh 270 (nay là Lữ đoàn 270, Quân khu 5) phục vụ nhiều chiến dịch, góp phần giải phóng và hồi sinh đất nước Cam-pu-chia. 6 tháng ở Tà Keo, ba tôi đã tham gia mở nhiều con đường cho bộ đội vào trận. Ba kể rằng, Tết năm 1979, đơn vị làm việc quên cả thời gian, đến tận đêm Giao thừa tất cả mới họp mặt. Lần đầu tiên xa nhà, ai cũng rưng rưng. Cái rét của đêm Giao thừa không bằng cái lạnh gáy, rợn người mỗi lần chứng kiến cảnh bom, mìn nổ trên những cung đường chiến đấu. Ngày 28-2-1979, Phó chính ủy Trung đoàn Công binh 270, Thiếu tá Nguyễn Khắc Ngạn, đã ký quyết định tặng giấy khen cho ba tôi vì đã hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ chiến dịch trên hướng Tây Nam Tổ quốc. Đây là kỷ vật duy nhất ba tôi còn giữ lại cho đến nay.
Tháng 5-1979, sau khi đón Tết Chol Chnam Thmay cùng đơn vị, ba về lại quê hương, trở thành người nông dân cần mẫn. Lúc nông nhàn, ba lên rừng đốn củi để kiếm tiền lo toan cuộc sống. Khó khăn vất vả là vậy, nhưng ba luôn động viên anh em tôi gắng học hành. Những năm tháng nghèo khó, cả gia đình cùng nhau rau cháo vượt qua. Hai anh em tôi lần lượt vào đại học trong niềm vui rạng ngời của ba mẹ.
Những tưởng cuộc sống gia đình tôi sẽ tươi sáng thì sóng gió ập đến. Căn bệnh ba-dơ-đô quái ác bám riết và rút kiệt sức khỏe ba. Đi hết bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) đến Chợ Rẫy, rồi đến Trung tâm Ung bướu TP Hồ Chí Minh…, bao nhiêu tiền bạc đội nón ra đi, nhưng bệnh tình của ba không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Lực bất tòng tâm, các bác sĩ đã buộc phải phẫu thuật bỏ nội nhãn mắt phải. Thị lực của ba dần suy giảm và bây giờ thì vĩnh viễn chìm trong bóng tối. Đôi chân đã từng vượt hàng nghìn cây số đi làm nghĩa vụ quốc tế bên nước bạn bây giờ chỉ còn có thể rờ rẫm từ trong nhà ra đến lu nước. Bác sĩ bảo nếu có tiền chi phí, có thể hồi phục phần nào thị lực mắt trái, nhưng điều đó với gia đình tôi thật không dễ chút nào. Cứ ngỡ ba bệnh tật vậy, mẹ là chỗ dựa cho ba. Vậy mà quá lao lực, mẹ cũng mang trọng bệnh. Hai lần mổ thận, giờ đây mẹ tôi sức khỏe giảm sút, chẳng thể nào ra đồng bươn chải như trước, mà chỉ quẩn quanh trong nhà lo cơm nước cho ba. Cả nhà sống qua ngày bằng sự giúp đỡ của họ hàng, bà con làng xóm. Anh tôi đã đi làm, nhưng chỉ là viên chức hợp đồng của huyện, lương chỉ vừa đủ trang trải cho anh. Căn nhà của chúng tôi hàng chục năm nay mái ngói đã mục, tường gạch phết đất sét; khi mưa bão có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Mỗi lần về quê, nhìn ba loạng choạng với cây gậy, bờ vai tôi lại rung lên vì thương. Tôi muốn mình ở gần để làm đôi mắt cho ba, nhưng tôi không thể giúp gì được. Nhiều năm nay, dẫu rất muốn sum vầy trong dịp Tết, nhưng tôi chưa bao giờ có cái Tết trọn vẹn ở quê bởi còn phải đi làm thêm kiếm tiền trang trải việc học. Tết năm nay là năm thứ tư, tôi lại xa nhà. Bạn bè bảo tôi là cô gái mạnh mẽ. Đó là nhờ tôi học từ ba, từ phẩm chất một người từng đi qua chiến tranh, biết cách chấp nhận và lạc quan trước khó khăn.
Ba ơi, đôi mắt không còn nhìn thấy ánh sáng của ba đã soi rọi đời con, cho hai anh em con thêm nghị lực sống đẹp, sống có ích cho đời!
Bài và ảnh: PHAN THỊ HẠ ĐAN, sinh viên năm thứ 4, Đại học Sư phạm Đà Nẵng