QĐND - “Tôi xây dựng gia đình năm 2008. Sau bao năm mong mỏi và chữa trị bệnh hiếm muộn ở nhiều nơi nhưng không có kết quả, vì thế, niềm hy vọng có con của vợ chồng tôi tắt dần cùng thời gian. Tháng 4-2013, Đảng ủy, Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tổ chức gặp mặt gia đình hiếm muộn toàn lực lượng đã tiếp thêm sức mạnh để vợ chồng tôi kiên trì chữa trị”. Đó là những dòng tâm sự của Thượng úy Đặng Văn Nam, cán bộ công tác ở Bộ chỉ huy BĐBP Điện Biên gửi tới Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP sau khi con trai đầu lòng chào đời.

Niềm vui của Thượng úy Đặng Văn Nam.

Theo cánh thư ấy, chúng tôi về quê anh ở Nam Định, hòa vào không khí hạnh phúc đang tràn ngập trong căn nhà nhỏ. Mẹ anh Nam kể: “Từ hôm cháu chào đời, bà con thân thích, láng giềng tới chúc mừng luôn”. Còn chị Hiền (vợ anh Nam) thì nói: “Hạnh phúc của chúng tôi không thể diễn tả bằng lời được. Có con, việc nhà bận rộn hơn, anh ấy công tác xa nhà không chăm con được nhiều nhưng tôi không cảm thấy vất vả mà thấy đó là niềm vui của mình”.

Cũng giống như anh Nam, trong suốt cuộc trò chuyện với tôi chị Chu Thị Hằng, CNVQP, luôn nhắc tới chỉ huy, những người đồng nghiệp trong Phòng Khoa học-Công nghệ, Học viện Biên phòng nơi chị công tác với sự trân trọng và biết ơn. Bởi bên cạnh gia đình, anh chị em đồng nghiệp là những người luôn chia sẻ, giúp đỡ chị trong hành trình 12 năm tìm kiếm thiên chức làm mẹ.

Theo lời chị Hằng kể, ba năm sau khi kết hôn không thấy có thai, anh chị mới đi khám. Dù các bác sĩ đều kết luận tình trạng sức khỏe sinh sản bình thường nhưng vợ chồng chị vẫn không thể có con. Kiên nhẫn chờ đợi thêm một thời gian mà hạnh phúc vẫn chưa gõ cửa, anh chị bắt đầu tìm tới sự hỗ trợ của y tế. Chị trải lòng: “Làm phụ nữ ai cũng mong có con để ầu ơ, bồng bế, gửi gắm tình thương yêu. Chạy chữa nhiều năm mà vẫn chưa có con, có những lúc lòng tôi rối bời”.
Chị Hằng may mắn hơn rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn khác bởi thành công ngay trong lần thụ tinh ống nghiệm đầu tiên. Sau gần 8 tháng thấp thỏm chờ đợi, con gái đầu lòng của chị Hằng chào đời trong niềm vui viên mãn của cả gia đình. “Lúc bác sĩ trao cháu về cho gia đình, người thân của tôi đều òa khóc vì hạnh phúc” - chị Hằng nhớ lại giây phút đầu tiên được làm mẹ. Hạnh phúc của người nữ quân nhân này được nhân lên khi con gái đầu được 1 tuổi, chị có bầu lần thứ hai một cách tự nhiên.

Chị Hằng, anh Nam chỉ là hai trong số 60 quân nhân hiếm muộn điều trị có kết quả. Trong số đó, 34 cặp vợ chồng đã sinh con, đặc biệt có 4 người có con sinh đôi. Kết quả này cho thấy, chủ trương đầy ý nghĩa nhân văn của Đảng ủy, Bộ tư lệnh BĐBP đã tác động rất lớn tới tinh thần các quân nhân hiếm muộn. Nhiều người đã gỡ bỏ rào cản tâm lý e ngại, mặc cảm để nói chuyện, trao đổi với đồng đội về việc hiếm muộn của mình.

Được biết, bên cạnh việc hỗ trợ, tạo điều kiện về thời gian, bố trí công việc phù hợp, Bộ tư lệnh BĐBP đã vận động, xây dựng “Quỹ hiếm muộn”. Đến nay, quỹ đã vận động, quyên góp được gần 2,5 tỷ đồng. Bộ tư lệnh BĐBP đang tiếp tục vận động xây quỹ đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn quỹ, xác định tiêu chí, mức hỗ trợ cụ thể cho các trường hợp hiếm muộn.

Bài và ảnh: BÍCH NGUYÊN