QĐND - Chiều cuối năm, tôi đang ở cơ quan thì nhận được điện thoại:

- Chào anh! Em là Xuân, vợ anh Hợi ở đảo Song Tử Tây.

Nghe giọng nói trong veo của Xuân, tôi bắt chuyện chân tình, cởi mở:

- Xuân đấy à! Em khỏe không? Năm nay Hợi có về đất liền ăn Tết không?

- Em khỏe anh ạ. Anh Hợi nhà em vừa hết phép, đã về đơn vị công tác được mấy hôm rồi.

- Vậy là Tết này Hợi lại vắng nhà. Em không định “phàn nàn” với anh đấy chứ?

- Một chút buồn vì Tết vắng chồng thôi, nhưng bù lại anh Hợi yêu thương em hết mực anh ạ. Xa chồng, nhưng em vẫn có nhiều may mắn hơn chị em khác. Vợ chồng em đã có nhà riêng, lại ở gần hai bên gia đình nội, ngoại nên cũng đỡ vất vả phần nào. Năm nay là Tết thứ ba anh Hợi không đón Tết ở nhà, nhưng năm nào em cũng lo toan chu toàn mọi việc. Mẹ chồng em vẫn động viên em, mặc dù là con dâu thứ, nhưng em đối nội đối ngoại chu đáo. Em rất vui anh ạ. Làm dâu mấy ai được mẹ chồng khen!

Câu chuyện của Xuân cứ "nở như ngô rang". Tôi thấy vui vì đồng đội mình có hậu phương vững chắc. Tôi biết, Tết họ không buồn vì xa nhau, mà niềm vui như nhân lên, bởi tình người, tình đời còn quyện mãi...

Xuân như đến sớm hơn với gia đình cô giáo Vũ Thị Hải, vợ Thượng úy Nguyễn Văn Sơn đang công tác tại đảo Đá Nam, bởi nhóm học trò râm ran, tíu tít. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, các em đến nhà cô giáo Hải phụ giúp quét dọn nhà cửa, chơi đùa với hai con của cô giáo. Nhìn sự vô tư của các em học sinh, lòng cô giáo Hải cảm thấy ấm áp hơn.

Vợ chồng Thượng úy Nguyễn Văn Sơn trong dịp “hội ngộ” trên đảo Song Tử Tây.

Thêm một Tết nữa Thượng úy Nguyễn Văn Sơn không có mặt đón Giao thừa cùng vợ con và người thân. Hải đã quen, nên cô chủ động sắp xếp mọi công việc đối nội đối ngoại. Hải tâm sự: "Xa chồng, nhưng bên cạnh em có con và người thân trong gia đình. Nhớ hồi năm ngoái, đêm cuối năm, anh Sơn gọi điện về, con trai hát, kể chuyện líu lo cho bố nghe. Đầu dây bên kia, giọng anh nghèn nghẹn vì xúc động; đầu dây bên này, con vẫn hồn nhiên bi bô chuyện trò cùng bố. Cứ nghĩ đến mà em thấy nao lòng!".

Ngày giáp Tết, ngôi nhà của Trung úy QNCN Nguyễn Tiến Minh (công tác ở đảo Sơn Ca) vẫn còn ngổn ngang gạch đá, nhưng anh Minh đã hết phép và phải trở lại đảo Sơn Ca làm nhiệm vụ. Chị Mai Thị Hoa, vợ anh tất tả đón con từ trường mẫu giáo về sau một ngày làm việc tại xã. Chị tâm sự: Thời gian đầu, em ngồi ở nhà chờ chồng cứ cảm giác nao nao... Bình thường, công việc chuyên môn, công việc gia đình cuốn hút, không còn thời gian nghĩ ngợi vẩn vơ. Mỗi khi có người quan tâm hỏi han, em cũng thấy có chút chạnh lòng, nhưng lại rất tự hào vì mình là vợ lính đảo. Chị Hoa kể tiếp: “Em mang thai tháng thứ 9 thì anh Minh nhận nhiệm vụ ra đảo, đến lúc bé hơn một tuổi anh mới về phép. Ngày anh về phép, con nhất định không theo bố vì lạ lẫm. Đến khi bố con “bén hơi” nhau thì anh ấy lại lên đường”.

Là phụ nữ, có lẽ cực nhất là những lúc sinh nở mà không có chồng bên cạnh. Mọi việc đành nhờ hai bên gia đình nội, ngoại. Thương con dâu phải “vượt cạn” một mình, mẹ chồng Hoa động viên: Làm vợ bộ đội thì thời nào cũng vất vả và thiếu thốn tình cảm, nhưng rồi mọi chuyện cũng sẽ êm ấm cả thôi, mẹ cũng đã từng như thế...

Từ lời động viên ấy đã giúp Hoa “chân cứng đá mềm”, vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để chồng yên tâm công tác. Hoa còn khoe với chúng tôi: Em đang cố gắng dành dụm tiền hoàn thiện nốt ngôi nhà để dịp về phép sau, anh Minh sẽ thấy bất ngờ. Mà lúc ấy con chúng em cũng chuẩn bị vào lớp một rồi... Làm vợ lính đảo phải lo toan mọi việc lớn nhỏ trong gia đình mà chồng không thể sớm chiều chia sẻ được.

Mấy năm trước, Hoa may mắn được ra đảo thăm chồng. Tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người lính đảo, cô càng khâm phục ý chí và nghị lực của chồng. Như sực nhớ ra điều gì, Hoa rưng rưng xúc động: “Không biết năm nay ở ngoài đảo xa, anh và đồng đội ăn Tết thế nào, cả nhà muốn gửi chút hương vị quê hương ra cho anh...”.

Thế mới biết, một phần sức mạnh, điểm tựa giúp những người lính luôn vững tay súng nơi đầu sóng ngọn gió chính là hậu phương vững chắc. Những người vợ, người mẹ dẫu phải xa chồng, xa con, nhưng vẫn vượt lên trên nỗi nhớ để vững tay chèo lái gia đình, giúp những người lính yên tâm giữ bình yên Tổ quốc.

 Bài và ảnh: TRỊNH DŨNG