QĐND - Cách đây hơn 20 năm, Thiếu tá QNCN Lê Thị Minh Huệ kết duyên với anh Đinh Thế Mủi là bộ đội nghĩa vụ cùng công tác tại Kho K834, Cục Quân khí (Tổng cục Kỹ thuật). Sau đó anh Mủi xin xuất ngũ, "tình nguyện" làm “hậu phương” để chị Huệ yên tâm công tác. Những việc làm giản đơn hằng ngày và tình thương yêu của anh giúp chị không những hoàn thành tốt nhiệm vụ, mà còn xây dựng gia đình hạnh phúc. Trong ngôi nhà nhỏ ở xóm Lãi, xã Tây Phong, huyện Cao Phong (Hòa Bình) tôi được nghe chị kể chuyện về điểm tựa bình yên của cuộc đời mình…
“Hậu phương” vững chắc
Có chồng luôn động viên, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống nên Thiếu tá QNCN Lê Thị Minh Huệ, Thủ kho đạn, Kho K834 luôn khắc tâm lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Vũ khí là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội, vì vậy phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, ngăn nắp, sử dụng hợp lý”, từ đó nêu cao tinh thần tự học, tự rèn trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Với trách nhiệm của thủ kho đạn, chị luôn tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm ở đồng đội, sắp xếp kho gọn gàng ngăn nắp, dễ thấy, dễ lấy, dễ kiểm tra; nghiên cứu, sáng tạo trong việc ghi sổ sách, mẫu biểu đăng ký, thống kê; cấp phát, tiếp nhận đạn dược kịp thời, đầy đủ cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, chính xác, đúng nguyên tắc. Đồng thời, luôn giữ kho tàng thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ, phát quang, phòng cháy, chữa cháy đúng quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
 |
Anh Mủi cùng hai con gái |
Cả ngày bận rộn với việc bảo quản, niêm cất đạn dược, nên chuyện bếp núc, giúp con học bài, chị đều "nhường" anh hết. Mỗi khi con ốm, kinh tế gặp khó khăn chị luôn có anh ở bên san sẻ. Những lời yêu thương chân thành, sự ân cần của anh đã tiếp cho chị thêm niềm tin, nghị lực để sống và yêu thương anh, yêu tổ ấm gia của đình mình.
Hôm chúng tôi đến thăm gia đình chị khi cháu Đinh Thị Phương Thúy, sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội (con của anh chị) đang trong kỳ nghỉ hè. Ba bố con cứ trò chuyện không dứt, nào là chuyện trường, chuyện lớp, chuyện vườn tược râm ran khắp nhà. Hai món quà anh mua trong phiên chợ Bưng giờ mang ra tặng hai con. “Mỗi lần nhìn thấy anh trò chuyện vui vẻ với con, đôi lúc tôi cũng thấy “chạnh lòng”. Nhưng... nhớ lại những lúc con ốm đau, anh thức mấy đêm dài lo thuốc thang cho con. Rồi có lần tôi vì nhiệm vụ phải đi công tác xa nhà, anh một mình chăm sóc con... tôi thấy tình cảm yêu thương anh dành cho các con lớn lao vô cùng” - chị Huệ tâm sự.
Biết vợ luôn bận công tác tại kho nên dịp cuối tuần, nhất là những dịp cả gia đình đoàn tụ đông đủ, anh đều tổ chức để vợ và hai con về thăm quê nội ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Chị Huệ chia sẻ: “Không ở cùng, nhưng tôi luôn kính trọng và yêu thương mẹ. Sự kính trọng và yêu thương ấy khởi nguồn từ tình yêu thương của anh đối với tôi và gia đình”.
"Ba nhà" lo cây cam
Anh Mủi “lui” về hậu phương nhưng không phải chỉ lo công việc nội trợ mà còn lo toan phát triển kinh tế gia đình để chị Huệ yên tâm gắn bó với đơn vị. Hằng ngày hiếm lúc nào thấy anh thảnh thơi, hết chăm bón cho cây mía, anh lại lật cỏ, cuốc đất trồng cam. Là người sống nội tâm nên những khó khăn, vất vả đến đâu anh cũng không kêu ca, hay phàn nàn. Anh luôn trăn trở, suy ngẫm, tìm mọi cách để phát triển kinh tế gia đình. Với bản tính chân chất, thật thà, anh không biết nói những lời yêu thương mà biến tình cảm đó thành hành động, bằng cách chăm chút vườn cam xanh tốt. Bởi anh biết, đó sẽ là nguồn thu nhập để vợ bớt gánh nặng cơm áo, để các con có điều kiện học hành.
Chẳng biết có phải cây cam “hợp duyên" với đất hay không muốn phụ công anh chăm sóc nên mới xanh cành, tốt lá, sai quả. Thế nhưng, ai cũng hiểu để có được những trái cam ngọt và thơm thì anh Mủi luôn phải một nắng hai sương, đổ biết bao mồ hôi xuống mảnh đất xưa cằn cỗi. Sự vất vả ấy càng như được tiếp sức khi lãnh đạo, chỉ huy Kho K834 luôn quan tâm và tạo điều kiện giúp đỡ gia đình anh chị về mọi mặt, nhất là việc phát triển kinh tế vườn để cải thiện cuộc sống. Bởi thế, vườn cam của gia đình chị Huệ nhiều khi đã huy động được "ba nhà" (nhà chuyên cần, nhà binh, nhà mình) cùng nhau tính toán lời lãi, cùng nhau hoạch định tương lai cho loại cây ăn quả đã làm nên thương hiệu đất Cao Phong (Hòa Bình). Cây cam mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên anh Mủi có ý định quy hoạch và mở rộng diện tích canh tác giống cây ăn quả đặc sản này một cách chuyên sâu hơn nữa. Với việc từng bước đẩy mạnh mô hình chuyên canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chú trọng vào nhân giống, hy vọng vườn cam này sẽ cho gia đình anh thu nhập ngày một cao hơn.
Mùa thu hoạch đã qua, những trái cam chín đã vắng bóng trong vườn nhà, anh Mủi lại bước vào đợt bón thúc cho từng chúng chóng trở về với chu kỳ xanh cành, tốt lá, đâm lộc, đơm hoa, kết trái mới. Bởi không chỉ đơn thuần đó là một vườn cây mà nơi đó còn là biểu tượng của tình yêu thương gia đình, yêu thương vợ con của một người chồng có vợ là bộ đội.
Bài và ảnh: TUỆ CHI