 |
Ảnh minh hoạ/Internet |
QĐND - Trong tiết trời hanh hanh, se lạnh của những ngày đầu đông, ngồi bên chén trà nóng bốc khói nghi ngút, nhớ về khoảng trời mênh mông với những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi, nơi vời vợi tuổi thơ… lòng tôi lại thấy ấm áp lạ thường. Và ai đã từng lên thăm xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chắc không khỏi ngỡ ngàng trước bạt ngàn những cây chè cổ thụ nơi đây.
Tuổi thơ tôi gắn liền với những chiều theo mẹ lên nương và đu mình vắt vẻo trên những cây chè shan tuyết cổ thụ. Cành cây to tới mức mà hai, ba đứa trẻ 7, 8 tuổi cùng leo lên cũng chẳng hề gì. Không ai biết chính xác tuổi của chúng vì bao năm qua, hàng trăm cây chè cổ thụ vẫn sừng sững như một tượng đài sống thi gan cùng trời đất. Những cây chè shan tuyết già cỗi thân trắng mốc to như cột đình với hình thù xù xì uốn lượn nhưng kỳ lạ thay, lá chè bao giờ cũng xanh non mơn mởn; búp chè như có một lớp phấn trắng giống bông tuyết nên người dân gọi là chè tuyết.
Thu hoạch và chế biến chè shan tuyết rất đơn giản: Lá chè tươi hái về, chọn bỏ những lá bị sâu hoặc quá già, sau đó đưa vào chảo sao. Vào mùa chế biến chè, Suối Giàng thơm ngào ngạt mùi chè lá, chè búp bị chín mềm bởi sức nóng của lửa. Nhựa chè thơm chan chát, quyến rũ đến mức đi trong hương mùa vụ của chè người ta đã có cảm giác vị chan chát, ngầy ngậy nơi đáy họng. Nước chè sóng sánh như mật ong, sau khi uống, mùi chát ngọt đượm lại rất lâu trên thành lưỡi như thể hương của núi rừng tan dần trong miệng; như thể dư âm tinh hoa trăm năm của đất trời kết tụ trong mùi vị của chè.
Chè tuyết Suối Giàng nếu được pha với nước lấy từ trên núi chảy về sẽ đậm đà hương vị và màu sắc tươi hơn. Những gia đình người Mông ở đây đặc biệt hiếu khách. Chủ nhân những vườn chè sẵn sàng chia sẻ với du khách ấm chè ngon do chính tay họ sao. Du khách đến đây còn được tham gia vào quy trình làm chè. Từ lúc búp chè còn trên cây đến khi hương trà bay ngào ngạt trong một buổi chiều sương mù lan xuống núi. Không dừng lại ở việc thưởng thức đồ uống, du khách đến Suối Giàng còn được thưởng thức không gian văn hóa mang đậm sắc thái riêng của đồng bào Mông tinh khiết, trong lành như nước suối đầu nguồn.
Những buổi tối nghỉ ngơi sau mỗi đợt hành quân hay dầm mình trên bãi tập, tôi thường nhắm mắt nhớ lại mùi hương dịu nhẹ và vị ngọt nơi đầu lưỡi của loại chè tuyết cổ thụ ấy mà lòng như nhẹ nhõm, mệt nhọc bỗng chốc tan biến hết. Tôi xa quê, đã được thưởng thức nhiều loại chè ngon, đặc sản của nhiều vùng quê nhưng không sao quên được nơi bốn mùa bồng bềnh trong mây với hương vị đặc biệt của chè tuyết cổ thụ. Có lẽ, cùng với hương vị của chè tuyết, nơi đó còn có người con gái tôi yêu...!
Minh Hải