Đó là những dòng nhật ký của đồng chí Đỗ Lương Bằng, nguyên trung đội phó đơn vị pháo phòng không thuộc Sư đoàn 341, Quân khu 4, đang được trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4, khiến chúng tôi bùi ngùi xúc động và thêm tự hào về thế hệ cha anh đã hiến dâng xương máu cho hòa bình, độc lập, tự do của Tổ quốc.

Nhật ký của đồng chí Đỗ Lương Bằng hiện đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Quân khu 4. 

Liệt sĩ Đỗ Lương Bằng tên khai sinh là Đỗ Văn Tinh, sinh năm 1944 ở xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định. Năm 1963, anh xung phong nhập ngũ vào đơn vị bộ binh, thuộc Sư đoàn 308. Cuốn nhật ký vừa tái hiện những trận chiến hào hùng, oanh liệt, vừa là tiếng lòng của đồng chí Đỗ Lương Bằng trong cuộc sống quân ngũ vì dân, vì nước: “Hôm nay tuy giành được thắng lợi nhưng nhìn hình ảnh các đồng chí bị thương và hy sinh mà không nén nổi cảm xúc trong lòng. Một lần nữa trong chiến tranh mình đang đứng trước những người đã khuất... nguyện sẽ tiếp bước con đường đi của các đồng chí còn bỏ dở với khí phách kiên cường của người cách mạng” (trích Nhật ký Đỗ Lương Bằng). 

Đọc nhật ký, chúng ta cảm nhận được tinh thần bất khuất, dũng cảm của đồng chí Đỗ Lương Bằng trên chiến tuyến. Đó là vào năm 1965, trong trận đánh không quân Mỹ bảo vệ cầu Mỹ Đức (Lệ Thủy, Quảng Bình), dù bị thương do mảnh bom chém vào cánh tay trái, nhưng khi cấp trên lệnh cho anh cơ động về sau băng bó vết thương, đồng chí đã kiên quyết: “Quân thù còn ở trước mặt, tôi chỉ bị thương nhẹ xin đồng chí cho tôi tiếp tục ở lại chiến đấu”. Tinh thần của anh đã lan tỏa, góp phần cùng đơn vị đánh thắng trận đầu, bắn rơi tại chỗ 1 máy bay F101.

Ngày 10-7-1966, khi không quân Mỹ bắn phá dữ dội cầu Hoàng Mai, đồng chí Đỗ Lương Bằng lúc này là Trung đội phó, đơn vị pháo phòng không thuộc Sư đoàn 341-Đoàn Sông Lam đã chỉ huy đơn vị đánh trả ác liệt... Trong trận đánh này, một lần nữa, anh bị thương do bom làm nát chân trái. Tuy vậy, Đỗ Lương Bằng vẫn không rời trận đánh, mắt anh bám chặt máy bay địch và chỉ huy phân đội chiến đấu cho đến khi có lệnh của cấp trên, đưa Trung đội phó Đỗ Lương Bằng về tuyến sau anh mới ngậm ngùi rời trận địa. Trước khi rời đi, quay sang các đồng đội đang chắc tay súng, bám trận địa, đồng chí Đỗ Lương Bằng, động viên: “Chúc các đồng chí ở lại chiến đấu thắng lợi, tôi sẽ khỏi, sẽ về tiếp tục chiến đấu”. Nhưng đau buồn thay, vì bị thương quá nặng, Đỗ Lương Bằng đã hy sinh khi đang ở tuổi 22. Lời hứa của anh được đồng đội mang theo bên mình, như tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho các khẩu đội được mang tên “Khẩu đội Đỗ Lương Bằng”.

Hơn 3 năm quân ngũ, đồng chí Đỗ Lương Bằng đã tham gia chiến đấu hơn 500 ngày đêm trên mâm pháo, góp phần cùng đơn vị bắn rơi 50 máy bay Mỹ. Tinh thần, ý chí của liệt sĩ Đỗ Lương Bằng được lưu giữ trong những trang nhật ký đầy xúc động, góp phần giáo dục truyền thống, xây dựng quyết tâm, lý tưởng, trách nhiệm cho thế hệ hôm nay và mai sau.

NHÃ UYÊN