Cảm ơn bộ đội hậu cần nhiều lắm", đó là những chia sẻ của cô giáo Hoàng Thị Nga, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học-THCS Cần Nông (xã Cần Nông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng) với đoàn cán bộ Tổng cục Hậu cần (TCHC) trong chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” vừa tổ chức mới đây…
 |
Đoàn công tác Tổng cục Hậu cần trao quà tặng các em học sinh điểm trường Nà Tềnh. |
Mặc dù đã được cảnh báo đường đến xã Cần Nông rất khó khăn, vất vả, nhưng hầu hết các thành viên trong đoàn vẫn chưa thể hình dung hết được sự khó khăn ấy. Dọc đường đi, nhiều đoạn đường sạt lở do ảnh hưởng của bão số 3 vừa được khai thông, vẫn khiến những người ngồi trên xe không tránh khỏi giật mình vì mức độ nguy hiểm. Tiếp đến là những khúc cua tay áo liên tiếp, khiến xe hết nghiêng phải lại nghiêng trái, kèm theo những cú xóc nảy người do mặt đường nham nhở ổ voi, ổ gà… Trời có lúc đang trong veo, bỗng mây mù kéo đến kèm những trận mưa trắng núi rừng; thoáng chốc, cái nắng chang chang lại xuất hiện. Điểm trường Nà Tềnh nằm vắt vẻo lưng chừng một con dốc cao. Vừa thấy các cô, chú bộ đội từ xa, lũ trẻ ùa ra, thoăn thoắt băng qua những đám bùn đỏ lầy lội, mặt hớn hở, cất tiếng chào vang: “Cháu chào các cô, chú bộ đội ạ! Để chúng cháu cùng mang đồ lên giúp ạ!”. Những bao quà tặng được đưa nhanh lên điểm trường.
Cô giáo Hoàng Thị Nga vừa phấn khởi, vừa ái ngại trước những bộ quân phục, giày dép lấm lem bùn đất của khách, cô chia sẻ: “Điều kiện của các em học sinh ở đây còn nhiều thiếu thốn, khó khăn lắm. Điểm trường này còn dễ đi, chứ nhiều điểm trường khác cứ trời mưa là không tìm được đường vào. Mùa hè còn đỡ, sang đông thời tiết mưa rét, các em đến trường còn gian nan, vất vả hơn nhiều. Nhưng các em ham học hỏi và ngoan lắm. Đó là động lực để thầy cô chúng tôi bám trường, bám lớp đấy!".
Cần Nông là một trong 3 xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Thông Nông. Xã có 358 hộ thì có đến hơn nửa là hộ nghèo. 5 xóm giáp biên là Nà Tềnh, Khau Dựa, Phiêng Păn, Lũng Vai và Ngườm Quốc vẫn chưa có đường giao thông và điện lưới quốc gia. Điểm trường Nà Tềnh hiện có 37 em học sinh và 3 giáo viên phụ trách. Để đến được trường học, bọn trẻ phải dậy từ sớm, ăn vội cơm nguội ăn lót dạ, mang theo cơm nắm để ăn trưa rồi vội vã đi bộ đến trường cho kịp giờ học. Mặc cho bàn ghế cũ kỹ, lớp học tuềnh toàng, những đôi mắt trẻ thơ trong veo vẫn mải miết dõi theo bài giảng của cô giáo, giọng đọc ê a vẫn hằng ngày cất lên vang một góc đồi.
Câu chuyện giữa chủ và khách cứ nối dài, về những mong muốn của thầy, trò nơi đây làm sao giúp các em viết tiếp những ước mơ của mình. Những món quà được trao, những tình cảm được gửi gắm, những tâm sự được giãi bày… Thượng tá Phạm Thị Thơm, Trưởng ban Phụ nữ TCHC cho biết: "Thực hiện Chương trình “Phụ nữ quân đội đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Ban Phụ nữ Quân đội triển khai, TCHC đã khảo sát và tìm hiểu, thống nhất chọn xã Cần Nông là địa điểm thực hiện. Tìm hiểu nhu cầu các cháu học sinh nơi đây, ngoài sách vở học tập, Ban Phụ nữ TCHC đề xuất mua tặng mỗi cháu một đôi ủng; tặng bánh Trung thu để cô trò tổ chức Trung thu sớm...".
Cũng dịp này, các thầy thuốc Bệnh viện Quân y 105 (TCHC) tổ chức khám, chữa bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho 230 lượt bà con xã Cần Nông; tổ chức tuyên truyền cho nhân dân về vệ sinh phòng bệnh; dân số, kế hoạch hóa gia đình...; trao 20 suất quà tặng gia đình người có công, hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở xã Cần Nông; thăm, tặng quà các cháu điểm Trường Mầm non Nà Tềnh….
Nói về ý nghĩa của chương trình, Thiếu tướng Vũ Bá Trung, Phó chính ủy TCHC nhấn mạnh: Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do TCHC tổ chức là dịp để cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động trong TCHC thể hiện tấm lòng tri ân với cấp ủy, chính quyền địa phương; gia đình người có công với cách mạng và nhân dân cùng bảo vệ biên cương của Tổ quốc. Đây cũng là sự cụ thể hóa của chương trình phối hợp, vận động phụ nữ vùng biên giới tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữa TCHC với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể xã Cần Nông.
Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, chương trình thể hiện tình cảm và trách nhiệm của phụ nữ TCHC nói riêng, TCHC nói chung hướng tới phụ nữ và người dân vùng biên cương, hải đảo, khu căn cứ cách mạng, góp phần tăng cường tình đoàn kết quân dân và khối đại đoàn kết dân tộc, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về chăm lo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới khó khăn.
Bài và ảnh: KIM ANH