Trong sự bình yên ấy, không chỉ có đóng góp quan trọng của những người chiến sĩ quân hàm xanh đang ngày đêm canh giữ biên cương, mà còn có bóng dáng của những người vợ tảo tần, họ chính là điểm tựa tinh thần vững chắc cho các anh nơi tuyến đầu Tổ quốc.

Những chuyến hành trình ngược

Như thường lệ, các ngày cuối năm, khuôn viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy lại trở nên rộn rã, nhộn nhịp bởi tiếng cười nói của những người vợ cán bộ, chiến sĩ, tiếng trẻ thơ vui đùa ríu rít trong sân. Và năm nay cũng không ngoại lệ.

Ngay từ chiều 28 Tết, sự có mặt của những nguời vợ bộ đội đã hâm nóng bầu không khí giá lạnh của vùng núi miền biên giới. Mỗi người một việc, cùng chung tay vào bếp chuẩn bị Tết giúp anh em cán bộ, chiến sĩ đơn vị. Người nấu ăn, người gói bánh, sắp mâm ngũ quả, tiếng nói cười rộn ràng. Những câu chuyện từ mọi miền rôm rả cả một không gian. Các chị, mỗi người một quê, từ Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội…, nhưng dù ở đâu, tất cả đều có chung một ý niệm, đã là hậu phương của Bộ đội Biên phòng phải biết hy sinh để chồng yên tâm công tác.

Giữa môi trường quanh năm chỉ toàn đàn ông với nhau, những ngày này càng trở nên ấm áp hơn bởi sự hiện diện của "hậu phương". Những chiếc bánh chưng vuông vức được gói bởi bàn tay khéo léo, tảo tần của những người phụ nữ quanh năm thay chồng gánh vác “giang sơn” nơi quê nhà.

Ngày Tết ở Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trở nên ấm áp hơn bởi sự hiện diện của những người vợ bộ đội. 
Khi bếp lửa luộc bánh chưng được nhen lên, cũng là lúc câu chuyện của những người vợ bộ đội chùng xuống. Chị Lê Kim Hoa, công tác tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện Mê Linh, Hà Nội, là vợ của Trung tá Nguyễn Quốc Toàn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, nói với tôi: "Từ ngày về làm dâu biên phòng, tôi không đếm được mình đã đón bao nhiêu cái Tết ở biên giới cùng chồng. Năm nào được về thì không nói, năm nào anh trực, tôi đều lo toan chu tất công việc hai bên gia đình nội ngoại, rồi lại khăn gói từ Thủ đô lên đơn vị chồng đón Tết. Cả năm xa nhau, chỉ dịp Tết là gia đình đoàn viên. Vì thế, nếu năm nào anh phải trực, tôi đều cố gắng thu xếp công việc đưa con lên đơn vị đón Tết cùng anh”.

Giống như chị Hoa, chị Vũ Mai Huệ Anh, vợ Đại úy Phùng Ngọc Thuyết (Phó đồn trưởng quân sự) cũng chọn cho mình những hành trình ngược vào mỗi mùa xuân. Do đặc thù công việc nên càng vào ngày Tết, anh càng bận rộn hơn, không có nhiều thời gian dành cho gia đình, vợ con. Mỗi dịp Tết đến, Xuân về, nhà nhà quây quần bên nhau để cùng vui đón năm mới, nhưng đó lại là niềm vui xa xỉ đối với gia đình chị. Có lẽ, chính vì thế mà chị càng hiểu và càng thương anh nhiều hơn. Khi biết con gái quyết định làm dâu biên phòng, mẹ chị đã khóc rất nhiều vì lo chị sẽ vất vả. Nhưng chị vẫn quyết tâm đến với anh, để rồi mỗi khi Tết đến, Xuân về, mẹ con chị lại khăn gói, chuẩn bị cho chuyến hành trình về biên giới.

Để hậu phương luôn là điểm tựa vững chắc    

Thấu hiểu được sự hy sinh và vai trò rất quan trọng của "hậu phương", cấp ủy, ban chỉ huy Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy đã có những chính sách quan tâm, chăm lo đến công tác gia đình cán bộ, chiến sĩ rất thiết thực. Vừa là "người trong cuộc", vừa là chỉ huy đơn vị nên Trung tá Nguyễn Xuân Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy luôn thấu hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của anh em cán bộ, chiến sĩ. Anh chia sẻ: “Khi hậu phương ổn định, nhà cửa, vợ con yên ấm thì anh em mới yên tâm công tác, làm việc tập trung hơn và hiệu quả công việc cũng được nâng cao hơn rất nhiều. Chính vì lẽ đó mà đơn vị luôn chú trọng quan tâm, chăm lo, hỗ trợ, giúp đỡ xây dựng "hậu phương" của cán bộ, chiến sĩ giàu mạnh. Để tăng nguồn thu, đơn vị đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cuối năm trích một phần từ thành quả thu được làm quà tặng gia đình cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị”.

Ngoài ra, đơn vị còn tích cực ủng hộ nhiều hoạt động như: Tặng mái ấm chiến sĩ nơi biên giới, nhà đồng đội, tham gia quỹ hiếm muộn, hỗ trợ gia đình một số đồng chí khó khăn. Ngày lễ, Tết..., chỉ huy đơn vị đều tổ chức những buổi liên hoan, mời bố mẹ, vợ con cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đến chung vui. Từ những buổi liên hoan, gặp gỡ ấy, các chị có điều kiện để hiểu và thông cảm hơn với nhiệm vụ của đơn vị, của chồng; đồng thời có dịp gặp gỡ, giao lưu tạo nên sự gắn kết tình cảm giữa "hậu phương" với "hậu phương", giữa "hậu phương" với "tiền tuyến". Đối với những gia đình ở xa, không đến được, chỉ huy đơn vị đều gửi quà về gia đình và có lời động viên, thăm hỏi.

Mùa xuân là mùa của đoàn viên, nhưng với những người vợ Bộ đội Biên phòng như chị Hoa, chị Thảo, chị Anh… thì mùa xuân chính là mùa của những chuyến hành trình ngược, mang hơi ấm từ hậu phương lên biên giới. Họ đã và đang cùng chồng mình, góp sức làm nên những mùa xuân tươi đẹp, bình yên cho đất trời nơi biên cương Tổ Quốc.

Bài và ảnh: LÊ ĐÀO