Mỗi khi nghe giọng đọc quen thuộc của chuyên mục “Nhắn tìm đồng đội”: “Ai biết mộ liệt sĩ... ở đâu xin báo về theo địa chỉ...”, những nếp nhăn trên trán ông co rúm lại, ép cho hai hàng nước mắt chảy ra vì nỗi nhớ, vì lời thề với đồng đội năm xưa… Để rồi, hai mảnh đạn còn nằm trong cánh tay trái và vết thương bên chân phải đã theo ông suốt chặng đường 15 năm tìm hài cốt đồng đội. Ông là Nguyễn Đức Phổ, thôn Hạ, xã Phù Lưu Tế, huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Tây.
Hai mươi năm day dứt một lời thề
“Hùng ơi! Tẩy ơi!...” - tiếng gọi thất thanh trong những cơn mê sảng như trăm ngàn nhát dao xuyên thấu tim ông khi choàng tỉnh mộng. Cũng giấc mơ này, vẫn tiếng gọi ấy đã ám ảnh ông qua bao giấc ngủ chập chờn của hai mươi năm sau ngày xuất ngũ. Lời thề với đồng đội năm xưa cứ văng vẳng bên tai ông, hiện hữu trước những cơn đau vật vã của vết thương cũ tái phát: “Nhất định tôi sẽ trở lại đón các anh về”.
Tay mân mê những kỷ vật của một thời sinh tử, dòng kỷ niệm thiêng liêng lại chảy đầy trong ký ức ngày ông cùng đồng đội chia từng miếng cơm, manh áo, đến bức thư tình lãng mạn chốn hậu phương. Tài sản quý giá nhất của ông khi “gác súng” trở lại với đời thường là cuốn sổ ghi chép tên, tuổi, ngày tháng năm sinh, quê quán và địa điểm an táng của hơn 200 đồng chí cùng đơn vị. Ngày đoàn tụ với gia đình, ông nâng niu cuốn sổ trong tay, giữ chặt tiếng nấc nghẹn ngào. Hơi ấm của tình đồng đội tỏa ra từ bao con chữ, như thông điệp gửi gắm cho người mang sứ mệnh thiêng liêng: “Đón các anh về!”.
 |
Ông Nguyễn Đức Phổ và bà Đức Thị Vinh thắp hương trước bàn thờ liệt sĩ Trương Văn Thảo (chồng bà Vinh). |
Đưa tôi xem cái bát và đôi đũa đã bao lần chứng kiến đồng đội ngã xuống bên chiến hào, bờ mi ông chùng xuống, như đang phải “gánh” những giọt lệ sắp tràn ra khóe mắt.
Tháng 7-1968, khi vừa tròn 21 tuổi, chàng thanh niên Nguyễn Đức Phổ viết đơn tình nguyện lên đường đi đánh giặc. Sau thời gian huấn luyện ở Đoàn 1063, tháng 12-1968, ông được tăng cường cho Tiểu đoàn 98 (Bộ CHQS tỉnh Phú Yên). Với tính cẩn thận, tỉ mỉ cùng nét chữ thanh thoát, rõ ràng, ông Phổ được Tiểu đoàn trưởng phân công làm văn thư, chuyên ghi chép quân số của đơn vị. Ông bảo:
- Lúc ấy, tôi không nghĩ mình đang làm nhiệm vụ đơn vị giao, mà có cảm giác như ghi lại nhật ký cho chính mình. Mỗi lần giở sổ để viết thêm một trường hợp hy sinh, tôi lại phải gánh chịu từng cơn đau gặm nhấm lòng mình: Tay viết, răng nghiến, mà tim đau nhói.
Sau ba lần bị thương, năm 1974, ông Phổ được xuất ngũ trở về quê hương. Hai mảnh đạn còn nằm trong cánh tay trái không thể lấy ra cùng vết thương ở chân phải liên tục hành hạ ông mỗi khi trái gió trở trời. Rồi cảnh vợ yếu, con thơ khiến người thương binh ấy khoác lên mình nỗi lo cơm áo. Kỷ vật chiến trường còn đây, lời thề với đồng đội hiện hữu trong bao đêm không ngủ. Nỗi day dứt ấy bật thành tiếng khóc nức nở khi cái đói, cái nghèo bủa vây, níu bước chân ông trở lại chiến trường để hoàn thành tâm nguyện...
Đồng đội ơi! Tôi đã về đây...
Năm 1993, khi các con đã lớn khôn, góp nhặt những đồng lương ít ỏi cùng số tiền bán đàn lợn sữa được hơn một triệu đồng, ông Phổ quyết tâm lên chuyến tàu vào Phú Yên, bắt đầu cuộc hành trình “đi tìm đồng đội”. Thắc thỏm, lo âu, hồi hộp, ông Phổ tự nhủ: “Đường ra trận” lần này sao dài đằng đẵng, không giống khí thế sục sôi của cái ngày tay cầm súng, vai đeo ba lô hăm hở lên đường… Trị ơi, Trinh ơi…, các anh còn nằm yên nơi đó hay đang bị đè nặng bởi tấm bia đá lạnh lùng mà tên gọi “vô danh”.
Đặt chân tới thị xã Hòa Trị, TP Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), nơi có biết bao đồng đội đang thác gửi, ông Phổ hét to cho thỏa tiếng lòng đã hai mươi năm bị nén chặt: “Các anh ơi, đồng đội ơi, tôi đã về đây!”.
Gạt vội giọt lệ trên khóe mắt, ông Phổ kể tiếp:
- Hương hồn các anh quanh quẩn đâu đó, như nghe thấy tiếng gọi của tôi. Các đồng chí đã phù hộ để tôi gặp lại Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Khánh và Chính trị viên Nguyễn Hữu Diêu. Các anh ấy đã cùng tôi vượt suối, xuyên rừng, lần tìm xác định vị trí chôn cất đồng đội.
Thấy tôi tò mò vì những vết trầy xước, thâm tím hằn dày ở tay chân ông, ông Phổ cười nói:
- Kỷ niệm của mỗi chuyến đi đấy! Cái vết sẹo này là do mắc phải gai của cây rừng khi tôi đi tìm mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Mại. Lần đó gặp lũ, nếu không có đồng bào ở bản A Tép cứu, chắc tôi cũng đi mãi không về! Còn vết này là do trượt chân khi đào đất để tìm hài cốt anh Phan Đình Tề. Lúc hy sinh, anh Tề còn đeo bên người ba quả lựu đạn. Khi tôi đào mộ, lưỡi xẻng đụng phải đuôi quả lựu đạn, chút xíu thì phát nổ… Kể sao cho hết những nhọc nhằn mà vui sướng trong chặng đường 15 năm qua. Lời hứa với các anh vẫn chưa làm tròn, bởi cuốn sổ của tôi ghi lại hơn 200 trường hợp hy sinh mà tới nay, chúng tôi mới tìm thấy 115 đồng chí. Từ cái ngày đầu tiên đi thực hiện tâm nguyện, tôi đã tự nhủ với lòng mình: Cuộc sống của tôi giờ đây là hành trình đi tìm đồng đội... Cứ thế, mỗi năm, khi nào góp được ít tiền, tôi lại tìm về chiến trường xưa, nhờ sự giúp đỡ của đồng đội, bà con và Bộ CHQS tỉnh Phú Yên, tiếp tục tìm và đón các anh về.
Nước mắt ngày “đoàn tụ”
- Tôi còn nhớ như in niềm xúc động khôn tả của ông Nguyễn Văn Đoan - bố liệt sĩ Nguyễn Phi Hùng (Thanh Liêm, Hà Nam), khi nghe tin tìm thấy hài cốt con trai mình. Ông cụ chạy khắp cánh đồng, người lấm lem bùn đất vì vấp ngã. Ông dùng hết sức mà hét to: “Mẹ nó ơi, tìm thấy thằng Hùng rồi! Làng nước ơi, con tôi về rồi!”. Ông cụ ôm chặt tôi và bảo: “Bố có nhắm mắt cũng yên lòng. Nghĩa bạn bè, tình đồng đội của các con quý lắm” - ông Phổ kể lại.
Trước mỗi chuyến đi tìm đồng đội, ông Phổ lại đến thắp hương các liệt sĩ mà ông đã đưa họ về với quê hương Phù Lưu Tế mong các đồng chí phù hộ. Vậy là tôi được theo chân ông, và một lần nữa, được nghe những người trong cuộc nói về ông bằng cả lòng biết ơn và niềm trân trọng.
Mẹ Nguyễn Thị Cúc, mẹ của hai liệt sĩ Nguyễn Đức Đa và Nguyễn Đức Đề tâm sự:
- Ngay cả trong mơ, tôi cũng không nghĩ tới việc sẽ tìm được hài cốt của cả hai anh em nó. Ngày xưa, chính tay anh Phổ đã chôn cất chúng, giờ lại mang chúng về với gia đình, quê hương. Ơn này, nghĩa này, trả sao cho hết!
Bà Đức Thị Vinh, vợ liệt sĩ Trương Văn Thảo, vừa nhìn thấy ông Phổ đã hồ hởi:
- Đang vào vụ mà anh vẫn đến thăm, quý hóa quá!
Câu chuyện của bà Vinh khiến tôi càng cảm phục tấm lòng cao đẹp của người cựu chiến binh đã ngoài 60 tuổi. Chồng bà hy sinh khi bà ở tuổi xuân thì. Mình bà chèo chống để nuôi năm đứa con khôn lớn, trưởng thành. Nhưng rồi, đứa con trai duy nhất của bà không may mắc bệnh tâm thần và qua đời khi tuổi vừa tròn 27. Nỗi đau mất con chưa nguôi thì cháu trai đích tôn cũng bỏ bà theo cha. Cảnh đã nghèo lại thêm túng. Tiếng gọi của cậu con trai trước lúc qua đời cứ mãi ám ảnh người mẹ già: “Bố về chưa? Bố ơi!”. Hiểu được hoàn cảnh gia đình bà, ông Phổ đã tìm và đưa hài cốt liệt sĩ Thảo về, rồi lại cùng địa phương lo an táng chu toàn…
Sau khi thăm hỏi các gia đình, ông Phổ lại rảo bước đến những thửa ruộng đang vào mùa thu hoạch. Ông nói với tôi chắc nịch:
- Năm nay được mùa đấy. Chờ gặt hái xong, bán đàn lợn, tôi sẽ để vào đó với đồng đội!
Bài và ảnh: HỒNG THẠNH