QĐND - Đường vào nhà chị Bàn Thị Thúy ở xóm Nà Hoảng, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) dốc dựng ngược, gặp trời mưa càng khó đi. Anh Ma Văn Luyện, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tam Kim chốc chốc lại quay lại xem chúng tôi có “bám đường” được không.
Cả tiếng đồng hồ vật lộn với đường đất, chúng tôi mới lên được ngôi nhà của chàng sĩ quan quân đội duy nhất của xã Tam Kim vào thời điểm này-Trung úy Đặng Văn Đương, học viên lớp chuyển loại 6A, Trường Đại học Chính trị. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà rộng rãi, khang trang, còn thơm mùi vôi vữa, chị Bàn Thị Thúy không giấu được tự hào khi kể về con trai. Chị khoe những bức ảnh, bằng khen của con trai đạt được trong quá trình học tập, công tác và tâm sự: “Quân đội đã rèn luyện cháu thêm chững chạc, trưởng thành, gia đình rất yên tâm”.

|
Ông nội và bố mẹ xem bằng khen của Đặng Văn Đương.
|
Câu chuyện giữa chúng tôi và gia đình Trung úy Đặng Văn Đương sôi nổi trong chiều mưa. Ông Đặng Phúc Thái nhắc nhiều đến đứa cháu nội hiếu thảo: “Trước đây ngôi nhà của gia đình chật chội, xuống cấp. Thương ông và bố mẹ ở trong ngôi nhà đã cũ nát, cháu Đương đã dành dụm tiền lương cùng bố mẹ làm lại ngôi nhà vững chãi. Thế mà từ ngày khánh thành nhà mới, cháu chưa có đêm nào ngủ ở nhà”.
Nói đến đây, đôi mắt của người cựu chiến binh già như rớm lệ. Chị Bàn Thị Thúy xen vào: “Vì nhiệm vụ, nên cháu chưa về được. Lúc nào cháu học tập xong sẽ về với ông. Nhiều năm qua cháu xa nhà, đi học tập, rèn luyện nên mới thành đạt như vậy chứ”.
Điều chị Thúy nói làm chúng tôi nhớ lại câu nói của đồng chí Nông Hữu Chung, Bí thư Đảng ủy xã Tam Kim: “Tam Kim còn nghèo, nên việc học của các cháu chưa được các bậc phụ huynh quan tâm. Nhiều cháu từ nhỏ đã gắn với nương rẫy, với rừng hơn là lớp học. Trường hợp của cháu Đương là “của hiếm” của xã đấy”.
Gặp Đặng Văn Đương tại Trường Đại học Chính trị, anh tâm sự: “Ban đầu tôi cũng bị quấn vào vòng luẩn quẩn nương rẫy như bạn bè. Nhưng rồi trong một lần đến thăm khu rừng Trần Hưng Đạo-nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tôi quyết định đăng ký học thiếu sinh quân ở Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc và Trường Đại học Trần Quốc Tuấn”.
Những ngày đầu xa nhà, Đương nhớ bản làng lắm. Thế nhưng ý chí, nghị lực đã giúp anh hòa nhập nhanh với môi trường mới. Sự gian khổ, rèn luyện trong quân đội đã giúp anh trưởng thành. Đương nhớ lại: “Lần đầu tôi mặc bộ quân phục, mang quân hàm sĩ quan về nhà, mọi người trong gia đình rất phấn khởi. Đó là động lực để tôi nỗ lực, cố gắng hơn trong công việc”.
Mỗi lần được về phép hay đi tranh thủ, Đặng Văn Đương vẫn giữ thói quen đến thăm khu rừng Trần Hưng Đạo, thăm lán trại của 34 đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân; đứng trên đỉnh núi Slam Cao để ngắm toàn cảnh khu rừng. Tôi hiểu việc làm, suy nghĩ của anh, bởi nơi đây đã chắp cánh cho cuộc đời của chàng trai dân tộc Dao vươn đến những chân trời mới.
Bài và ảnh: TUẤN MINH