Ngày ấy, gia đình tôi nghèo lắm. Nghèo đến nỗi quanh năm suốt tháng cả nhà phải ăn cơm độn ngô, khoai. Dẫu bố mẹ luôn làm lụng vất vả, nhưng cái đói nghèo vẫn đeo đẳng như không buông tha. Thương bố mẹ, mấy anh chị em tôi, ngoài thời gian cắp sách tới trường, luôn tranh thủ phụ giúp bố mẹ việc nhà, việc đồng áng.

Nếu như anh cả, chị hai tôi ngày ấy mới học cấp 2 đã thường theo mẹ đi gặt thuê, cấy mướn để lấy tiền thêm thắt cho cuộc sống đỡ túng bấn, thì tôi và thằng út lại thường xuyên ra đồng bắt cua, bắt cá mang về cải thiện bữa ăn gia đình. Những khi bắt được nhiều cua, cá, tôm, tép, nhà ăn không hết, mẹ còn mang ra chợ bán lấy tiền để mua sách, bút, đồ dùng học tập cho chúng tôi.

Quê tôi là vùng chiêm trũng, hễ mưa là ngập, vì vậy cá tôm sinh sôi rất nhanh. Cùng với tôm, cá, cua đồng cũng nhiều vô kể. Vào mùa đông, cua thường nằm hang để tránh lạnh, còn các mùa khác trong năm cua xuống mương, tràn ra ruộng. Tôi biết đi bắt cua đồng từ năm lớp 2. Những buổi trưa hè nắng gắt, tôi xách giỏ theo chị đi vồ cua trên những mỏm đất ruộng cày, hay ven bờ cỏ. Tôi còn nhớ, bắt cua đồng vào mùa nắng nóng là thích và dễ nhất. Trời nắng to, nước nóng bỏng, cua không chịu nổi nên tìm những bụi cỏ mát để trú ngụ, hay leo lên các mỏm đất cao để tránh nước nóng. Bởi thế, chúng tôi chỉ việc nhặt cua và bỏ vào giỏ. Cua nhiều, chỉ một lúc là tôi đã có thể bắt được cả gần chục ki-lô-gam. Cua ngày đó rẻ, có khi bán cả chục ki-lô-gam cũng chỉ đủ tiền mua đủ dăm ki-lô-gam gạo.

Trong mấy tháng hè, hầu như trưa nào bọn trẻ trong xóm chúng tôi cũng í ới gọi nhau ra đồng bắt cua. Cua bắt về, ngoài mang nấu canh, rang muối, thỉnh thoảng mẹ tôi lại làm mắm để tích trữ ăn dần. Công việc bắt cua ngoài đồng đã theo suốt tuổi thơ tôi. Sau này ra thành phố học đại học, tôi mới không còn những buổi lang thang ngoài đồng đi bắt cua nữa. Nhớ về một thuở đi bắt cua đồng, tôi không phải hoài niệm để ôn nghèo kể khổ mà là để thầm cảm ơn những tháng năm vất vả, lấm lem bùn đất đã giúp tôi khôn lớn, trưởng thành.

NGUYỄN THỊ CẨM ANH