QĐND Online - Kể từ khi làng quân nhân Kho K83, Cục Kỹ thuật Binh chủng Công binh thành lập, đến nay đã có 31 gia đình quân nhân, hiện công tác tại đơn vị sinh sống. Làng được thành lập, không chỉ giúp các gia đình quân nhân bớt đi gánh nặng lo toan về nơi ở, mà còn giúp họ tâm công tác, gắn bó lâu dài với đơn vị. Bởi vậy, nhiều người ví làng quân nhân như cây cầu vững chắc nối liền đơn vị với hậu phương.

Giấc mơ thành sự thật 

Chúng tôi đến làng quân nhân Kho K83 vào một buổi chiều tà, khi ánh mặt trời vừa khuất sau dãy núi. Có lẽ, đây là thời điểm làng nhộn nhịp, đông vui nhất trong ngày khi các anh, chị hết giờ làm việc ở đơn vị. Nhà nhà cùng nhau chung tay lo bữa cơm chiều.

Đến gia đình Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mưu, nhân viên lái máy Kho K83, một người có nhiều năm gắn bó với kho. Tuy nhiên, gia đình anh cũng là một trong những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất trong làng. Quả thật, được trò chuyện với vợ chồng anh Mưu, tôi mới cảm nhận hết ý nghĩa của đề án xây dựng làng quân nhân mà Bộ Quốc phòng triển khai ở các đơn vị. Nói về những ngày tháng khó khăn của gia đình, anh Mưu tâm sự:

- Vợ chồng tôi sinh được 3 người con thì một cháu bị câm, điếc bẩm sinh. Vợ ở quê không có việc làm. Ngày trước, tôi công tác xa nhà, bao gánh nặng, bộn bề lo toan đều dồn lên vai vợ. Con đông, các cháu lại không được khỏe mạnh, nên khó khăn của hôm nay lại nhiều hơn ngày hôm qua. Nhiều lần vợ tôi hỏi sao anh không về phép mà tôi ứa nước mắt, bởi nếu về nhiều thì... lấy tiền ở đâu ? Nhớ vợ, nhớ con lắm nhưng có bao nhiều tiền lương, tôi đều gửi về quê rồi. Vì thế, tôi đành chọn cho mình sự thiệt thòi hơn.

Một góc làng quân nhân Kho K83, Cục Kỹ thuật, Binh chủng Công Binh

Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình anh Mưu, chỉ huy đơn vị thường xuyên thăm hỏi, động viên để anh hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế nhưng điều căn cơ nhất ai cũng hiểu là làm sao giúp anh đưa được vợ con đến sinh sống ở gần đơn vị. Đó là cách tốt nhất giúp anh cũng như gia đình vợi bới khó khăn. Bởi vậy, khi đơn vị được Bộ Quốc phòng đồng ý cho phép xây dựng làng quân nhân Kho K83, Thiếu tá QNCN Nguyễn Văn Mưu đứng đầu danh sách xét duyệt. Có nơi ở, lại được tin đơn vị có chủ trương tạo điều kiện để vợ anh, chị Hà Thị Kim Hoan có việc làm ổn định, anh quyết định chuyển cả gia đình vào Đà Nẵng sinh sống. Chia sẻ với tôi sau hơn 6 năm theo chồng về vùng đất mới sinh sống, chị Hà Thị Kim Hoan nói:

- Nhờ sự quan tâm của chỉ huy đơn vị và đồng chí, anh em, nên hiện tại cuộc sống vợ chồng tôi đỡ vất vả hơn nhiều. Tôi có việc làm ổn định nên phụ giúp thêm cùng chồng chăm sóc các con.

Gia đình Trung úy QNCN Vũ Xuân Thùy

Khác với hoàn cảnh gia đình anh Mưu, vợ chồng Trung úy QNCN Vũ Xuân Thùy, trợ lý vật tư kho lại có cái khó riêng. Sau khi lập gia đình, vợ chồng anh phải thuê phòng trọ để ở. Tần tảo sớm hôm, làm việc cật lực, nhưng thu nhập của vợ chồng anh cũng chỉ đủ cơn cháo thường ngày. Đặc biệt, sau khi "mầm hạnh phúc" chào đời, những khó khăn trong cuộc sống thường nhật của vợ chồng anh càng lớn. Công ty nơi vợ anh làm việc bị phá sản, khiến chị Huyền thất nghiệp. Từ đó, mọi chi tiêu trong gia đình và nuôi con nhỏ chị đều phải dựa vào đồng lương của anh. Tâm sự với tôi, anh Thùy cho biết:

- Mỗi tháng, trừ tiền thuê nhà, tiền mua sữa cho con, rồi đủ mọi thứ việc hầu như vợ chồng tôi không tích kiệm được đồng nào. Có nhiều tháng con ốm lại phải vay tiền đồng đội, sau tích cóp trả dần, cho nên vợ chồng tôi chưa bao giờ dám mơ ước có một mảnh đất để xây nhà. Bởi vậy, khi được đơn vị tạo điều kiện cấp đất làm nhà, vợ chồng tôi không nghĩ là giấc mơ đó lại thành sự thật.

Nơi gửi trọn niềm tin

Hiện tại, không chỉ vợ chồng anh Mưu, anh Thùy chọn làng quân nhân là nới để "an cư", mà 29 gia đình còn lại ở đây cũng đều có chung tâm niệm đó. Hiệu quả từ việc thực hiện chủ trương xây dựng làng quân nhân của Bộ Quốc phòng đã giúp các gia đình thoát khỏi được hoàn cảnh khó khăn. Từ đó các anh, các chị yên tâm gắn bó với đơn vị, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đơn vị giao. Chia sẻ về điều này, Thiếu tá Trần Bá Huấn, Chủ nhiệm Kho K83 cho biết:

- Không chỉ cấp đất, xây nhà, mà còn tạo điều kiện để vợ (chồng) có việc làm ổn định thực sự mang lại hiệu quả rất cao. Làm quân nhân không chỉ đơn thuần là nơi ở của mỗi quân nhân, mà còn góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn, tạo dựng niềm tin, phát huy nội lực để mỗi người phấn đấu, hoàn thành nhiệm vụ.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, với quỹ đất hơn 20.000m2 đã được quy hoạch, hiện đơn vị vẫn tiếp tục xét duyệt các gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn, tiếp hành cấp đất xây nhà. Không chỉ thế đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng đề nghị chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho mỗi gia đình trong làng. Trong tương lai không xa, làng quân nhân Kho K83 sẽ trở nên đông đúc, nhộn nhịp hơn. 

Bài và ảnh: Phạm Văn Quân