 |
Đóng gói hàng hóa, quà Tết trước khi đưa xuống tàu.
|
Những cơn gió mùa Đông Bắc dịp cuối năm không thể ngăn nổi cuộc hành trình của những con tàu thuộc Đoàn M46, Vùng D Hải quân đến với Trường Sa. Theo tàu sẽ là những mặt hàng nhu yếu phẩm mang đậm hương vị Tết quê nhà. Phóng viên báo Quân đội nhân dân đã có mặt tại cầu cảng Cam Ranh để ghi lại không khí hối hả chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày làm nhiệm vụ đặc biệt đưa hàng Tết tới Trường Sa.
Thượng tá Nguyễn Văn Thắng, Chủ nhiệm Chính trị Đoàn M46 cho biết: Tính đến 15 giờ ngày 6-1-2008 đã có 22 tập thể, cá nhân tặng quà cho quân và dân huyện đảo Trường Sa với tổng trị giá gần
1,5 tỷ đồng. Ngoài lương thực, thực phẩm từ Đồng bằng sông Cửu Long còn có cả lá dong từ vùng núi Tây Bắc; bánh kẹo, mứt từ vùng châu thổ sông Hồng… Nhưng có lẽ ấn tượng hơn cả là hàng chục nghìn lá thư chúc Tết bộ đội Trường Sa của tuổi trẻ, học sinh, sinh viên… trên mọi miền Tổ quốc.
Chở hàng Tết ra “quần đảo bão tố” luôn là niềm vinh dự đối với cán bộ, thủy thủ tàu Trường Sa 14. Ngay từ khi nhận nhiệm vụ, các anh đã bắt tay vào việc kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị máy móc trên tàu, làm các công tác vệ sinh, kiểm tra lại các khoang chở hàng, hầm lạnh… để hàng Tết đến với bộ đội luôn tươi, mới, bảo đảm chất lượng. Trước giờ khởi hành, Đại úy Đinh Thế Sơn, Chính trị viên tàu Trường Sa 14 chạy đi chạy lại như con thoi động viên cán bộ, thủy thủ kiểm tra lại công tác chuẩn bị thật chu đáo. Đúng 17 giờ, ngày 6-1, tàu Trường Sa 14 kéo 3 hồi còi dài tạm biệt đất liền, đè sóng băng băng hướng về vùng biển đảo của Tổ quốc. Trước khi lên tàu, cán bộ, thủy thủ trong Vùng đã ngồi lại truyền thụ cho nhau những kinh nghiệm đi biển và cuộc sống ở đảo. Theo anh Sơn, gió mùa thế này ra khỏi cầu cảng là tàu sẽ lắc lư theo từng đợt sóng cấp 6, cấp 7. Tình huống bị say sóng khó có thể tránh khỏi. Cơn say khiến những người trên tàu không ngồi dậy được, bỏ cả ăn… Vậy mà anh em trong đoàn vẫn lạc quan, bằng ý chí, tinh thần của “những chiến sĩ tiên phong nơi đầu sóng ngọn gió”. Anh em trên tàu phải phân công, có bộ phận kiểm tra để hàng không bị nước biển tràn vào làm ướt, có bộ phận xếp lại những kiện hàng bị xô đổ khi tàu lắc lư... Trung sĩ Nguyễn Văn Trinh, đại đội 3, phân đội 3, Đoàn M46 quê xã Diễn Thịnh, Diễn Châu, Nghệ An tâm sự: “Lần này em ra đảo Trường Sa Lớn công tác. Vừa qua, đơn vị đã tạo điều kiện cho nghỉ phép một tháng về thăm cha mẹ, bạn bè. Gia đình động viên rất nhiều và em xác định dù khó khăn, vất vả, thiếu thốn đến mấy cũng yên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Được đơn vị giao cho nhiệm vụ mua và chuẩn bị các mặt hàng ra đảo, Thịnh và đồng đội rất cẩn thận từ khâu mua hàng và bảo quản, đặc biệt là đối với những món quà quê hương đặc trưng của các vùng miền trong cả nước.
Nhìn những mặt hàng phục vụ Tết Trường Sa xếp gọn gàng, chu đáo, Đại tá Nguyễn Đức Long, Chính ủy Vùng D Hải quân phấn khởi lắm. Anh bảo: “So với những năm trước, số lượng hàng chuyển ra đảo ít hơn, nhưng đó lại là điều rất đáng mừng vì khả năng “tự cung, tự cấp” của anh em ngoài đảo đã khá lên rất nhiều. Ngay từ đầu năm, một trong những đột phá mà Đảng ủy Vùng xác định là bảo đảm, nâng cao đời sống cán bộ, chiến sĩ cả trong bờ và ngoài đảo. Bây giờ, hầu hết các đảo đều nuôi bò, lợn, gà, vịt, có đảo còn nuôi được cả cá, bảo đảm không chỉ cho anh em cải thiện hằng ngày mà còn đủ lo một cái Tết thật “xôm”, thật ý nghĩa”. Để có nguồn lương thực, thực phẩm hỗ trợ cho anh em ngoài đảo, cán bộ, chiến sĩ trên bờ rất tích cực tăng gia sản xuất... Đẩy mạnh nuôi, trồng không chỉ giúp Đoàn M46 chủ động nguồn thực phẩm mà giá cả lại rẻ, bảo đảm vệ sinh an toàn. Anh Long bộc bạch thêm: “Chúng tôi rất sợ các dịch bệnh truyền nhiễm ra ngoài đảo. Vì thế những gì chưa tự túc được, đoàn tổ chức mua của các cơ sở có uy tín và kiểm tra chặt chẽ ở tất cả các khâu, các bước”. Tìm hiểu qua cơ quan Chính trị của Đoàn M46 tôi được biết, đời sống văn hóa tinh thần của quân và dân trên quần đảo năm nay cũng khá lên nhiều, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm thường xuyên tổ chức đi thăm, tặng quà các đảo. Ngoài nghe ra-đi-ô, xem ti-vi, bộ đội trên các đảo còn có sách báo, nhạc cụ các loại... Ngày nghỉ, giờ nghỉ, bộ đội còn có một số băng đĩa nhạc, băng hình, băng karaoke để ca hát, giải trí. Những ngày Tết, sau khi đọc thư của Chủ tịch nước, thư của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, thư của Đảng ủy, chỉ huy Vùng, không thể thiếu hoạt động vui chơi, thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, hái hoa dân chủ... Tại các đảo chìm hiện nay, bộ đội còn có nhiều dụng cụ đa năng để anh em rèn thể lực.
Vốn là người có “thâm niên” gắn bó với Trường Sa, hơn ai hết Đại tá Lưu Văn Tuân, Phó chỉ huy trưởng Vùng D rất thấu hiểu nỗi lòng của những người lính đảo. Anh tâm sự: “Cứ mỗi lần mang hàng Tết ra đảo, thấy anh em chiến sĩ bày mâm ngũ quả mà quả dưa, chuối, cam, xoài, đào… toàn bằng nhựa; mai thì chỉ có cành là thật, còn hoa cũng do các chiến sĩ khéo tay tự cắt làm nên... nghĩ mà thương anh em quá”. Giọng anh Tuân bùi ngùi khiến cả đoàn công tác ai cũng dâng lên một niềm xúc cảm. Qua tìm hiểu tôi còn được biết thêm, bộ đội trên các đảo còn bớt khẩu phần rau xanh để dành những luống cải lấy hoa tươi cho ngày Tết. Những dòng chữ “Chúc mừng năm mới” cũng được cắt bằng xốp từ đất liền. Để chữ không gãy hỏng, các thủy thủ trên tàu phải “nâng như nâng trứng”.
Những cơn gió Đông – Nam đem theo hơi ấm đã bắt đầu thổi ngược những đợt gió mùa Đông - Bắc khô và lạnh. Sự “tranh ngôi” của những đợt gió như thế đã làm cho mặt biển chẳng bao giờ được yên ả vào mỗi dịp cuối năm. Với kinh nghiệm nhiều năm đi biển, Đại úy Đỗ Tất Hiến, Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn M46 nói với tôi: “Những chuyến đi khởi điểm mà vất vả thì thường khi trở về sẽ yên ả”. Cuộc chia tay giữa đất liền và những người lính đi công tác trên quần đảo Trường Sa thật cảm động. Những người vợ, người con và những người bạn, người yêu bằng những ánh mắt, những lời tâm sự dặn dò mong sao người ra đi “chân cứng đá mềm”. Nơi đảo xa, những người lính đảo cũng luôn dõi về đất liền. Sự khởi sắc của quê hương sẽ tiếp thêm nghị lực cho những người lính đảo chắc tay súng giữa biển trời Tổ quốc bình yên.
Bài và ảnh: PHAN NGỌC ANH