Ông Phan Hoàng Oanh (ngồi giữa) và đồng đội chuẩn bị tư liệu giới thiệu di tích nhà tù Côn Đảo. 

Ông Oanh kể: "Ngày 29-4-1975, tên chúa đảo, cố vấn Mỹ và cai ngục đã bắt đầu trốn chạy bằng ca nô và trực thăng để đến những chiến hạm Mỹ đang chờ chực ngoài khơi, tạo nên cảnh hỗn loạn khắp đảo. Bên trong các trại tù, những người tù không hề hay biết bên ngoài có biến động. Tuy nhiên, qua những khe hở vốn rất hiếm hoi ở nhà tù, chúng tôi rất ngạc nhiên vì hằng ngày lúc nào cũng có bọn cai tù, giám thị đi qua đi lại để kiểm tra, theo dõi hành động của tù nhân, nhưng hôm nay hoàn toàn khác.

Dinh chúa đảo nay thành di tích tham quan tại Côn Đảo. 
Du khách tham quan di tích dinh chúa đảo. 

Sáng ngày 30-4, mấy tên cai ngục còn lại âm thầm thực hiện một âm mưu thủ tiêu đẫm máu, nhưng tin Sài Gòn thất thủ khiến chúng không kịp thực hiện âm mưu. Cả ngày 30-4, không khí trên đảo nặng nề đáng sợ. Thế rồi, gần 23 giờ đêm 30-4, một số trại giam nhận được tin giải phóng Sài Gòn.

Tin vui đến nghẹn ngào, ngộp thở. Anh em tù nhân ở trại giam số 7-Phú Bình (khu H) phá cửa thoát ra, mở khóa cho các trại giam khác khiến Côn Đảo như bừng tỉnh, đồng loạt nổi dậy tiến về dinh chúa đảo và nhà ở của bọn cai ngục, nhưng chúng đã rút đi gần hết.

Số lính còn lại bị bắt làm tù binh. Đúng 8 giờ sáng 1-5, chúng tôi đã làm chủ hoàn toàn Côn Đảo mà không tốn một viên đạn nào. Chính quyền cách mạng được thành lập, lãnh đạo và quản lý toàn bộ mọi hoạt động trên đảo. Các đội vũ trang được giao nhiệm vụ tuần tra, canh gác, đào công sự sẵn sàng chiến đấu, đề phòng địch quay lại. Côn Đảo nhộn nhịp, tưng bừng như ngày hội, chấm dứt chuỗi ngày đau thương dài dằng dặc.

Cầu tàu 914, nơi ghi dấu những chứng tích bi thương. 

Ngay sau đó, Trạm vô tuyến Côn Đảo liên tục phát sóng báo tin: “Côn Đảo đã được hoàn toàn giải phóng, tù chính trị đang đợi lệnh của Trung ương”...

Tối 2-5-1975, trạm bắt được tín hiệu từ đất liền. Sau những lời chúc mừng thắm thiết, ngập tràn tình cảm, các đồng chí lãnh đạo trong đất liền đề nghị Côn Đảo cho biết trước mắt đang cần gì để đất liền chi viện. Đại diện chính quyền cách mạng tại Côn Đảo trả lời: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ”!.

Du khách tham quan di tích trại giam Phú Hải thuộc nhà tù Côn Đảo năm xưa. 

Rạng sáng ngày 4-5, hơn 500 bức ảnh Bác Hồ đã được chuyển ra. Buổi lễ rước ảnh Bác Hồ cực kỳ trang nghiêm, long trọng được tổ chức tại Cầu tàu lịch sử 914. Tất cả những “cựu tù” đều xúc động rơi nước mắt…

Những ngày lễ, đông đảo du khách tham quan Côn Đảo. 

Bắt đầu từ ngày 4-5-1975, nhiều chuyến tàu lần lượt cập bến đưa các cựu tù về đất liền để chữa trị, an dưỡng. Trong số những cựu tù tình nguyện ở lại xây dựng Côn Đảo, ông Phan Hoàng Oanh là một trong 5 người đầu tiên.

Từ đó đến nay, dù ở bất cứ cương vị nào, ông Oanh cũng luôn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn, kể chuyện lịch sử Nhà tù Côn Đảo và khí phách anh hùng của các thế hệ tù nhân cho các đoàn du khách tham quan. Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm chiến thắng 30-4, ông lại cùng các bạn tù tụ họp ôn lại truyền thống cách mạng, chuẩn bị tư liệu và phân công nhau “truyền lửa” cho thế hệ trẻ ở mọi miền Tổ quốc tới đây học tập, tìm hiểu về đất và người Côn Đảo anh hùng.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG