QĐND - Đã trở thành sĩ quan quân đội, đã quen với bóng điện sáng trưng cả gian phòng, nhưng trong căn phòng làm việc của tôi luôn có chiếc đèn dầu tự chế, bởi nó từng giúp tôi biến ước mơ cháy bỏng thành hiện thực. Quê tôi trước đây nghèo lắm. Khi bóng đêm buông xuống, trong những căn nhà san sát, những ngọn đèn dầu leo lét, chập chờn ẩn hiện làm cho khung cảnh càng trở nên âm u, tĩnh mịch. Vì thế, chiếc đèn dầu tự chế là người bạn đồng hành thân thiết của tôi bên những trang sách.
Ngày tôi vào lớp 4, mẹ mua cho tôi chiếc đèn dầu mới. Dù số tiền mua đèn không lớn nhưng cũng khiến mẹ phải đắn đo, đong đếm. Có đèn mới, tôi rất mừng, vì sẽ được học lâu hơn. Cầm chiếc đèn trên tay, tôi cứ xoay qua xoay lại thể hiện niềm vui với chị tôi. Không may, tôi bị trượt chân, làm chiếc đèn rơi xuống, vỡ tan. Tôi khóc nức nở, phần vì tiếc chiếc đèn mới, phần vì sợ mẹ trách phạt. Tôi quay sang nhìn mẹ, mẹ nhìn tôi nhỏ nhẹ: "Làm vỡ thì đêm đừng học con nhé!". Tôi chợt nghĩ, đêm không học thêm thì học vào lúc nào? Ban ngày, ngoài một buổi đến trường, còn lại chị em tôi phải rong ruổi hết đồng trên, bãi dưới để mót củ, mò cua, bắt ốc... Đúng lúc đó, ông Ký, người hàng xóm tốt bụng bước sang. Biết chuyện, ông động viên tôi: "Cháu đừng khóc nữa, ông sẽ làm cho cháu chiếc đèn khác". Tối hôm sau, ông mang cho tôi một chiếc đèn dầu tự chế. Đó là chiếc đèn được làm từ vỏ lọ mực Cửu Long, một cái nắp hộp cao Sao Vàng và ruột sắt của chiếc bút mực đã hỏng. Cầm chiếc đèn tôi vui lắm và thầm cảm ơn ông. Nhờ chiếc đèn dầu mà tôi học thêm được bao kiến thức. Khi quê tôi có điện, chiếc đèn dầu đã hoàn thành sứ mệnh của mình, không còn được dùng để thắp sáng bên những trang sách, nhưng tôi luôn đặt nó trân trọng ở góc bàn học tập để nhắc nhở mình phải luôn cố gắng vươn lên, xứng đáng với sự hy sinh của người thân và sự đùm bọc che chở của bà con xóm giềng. Sự cố gắng của tôi rồi cũng giành được kết quả xứng đáng.
Giờ đây, chiếc đèn vẫn còn nguyên, chỉ có điều cái nắp đậy và cái ống bấc đã bị gỉ sét gần hết. Nhìn chiếc đèn, tôi lại nghĩ đến mẹ và ông Ký 20 năm về trước. Mẹ tôi giờ tóc đã nhuốm bạc, còn ông Ký sức đã yếu, chỉ có đôi mắt là vẫn còn sáng, trí nhớ vẫn còn minh mẫn. Tôi chợt nhận ra rằng, trong thế giới này, con người và vạn vật phải tuân theo quy luật của tạo hóa. Vật chất sẽ biến đổi theo thời gian. Con người không phải là bất tử, nhưng có những điều con người tạo ra sẽ còn mãi với thời gian, đó là đức hy sinh và lòng nhân ái.
CÔNG GIANG