QĐND - Trong đầy ắp kỷ niệm tuổi thơ, tâm trí tôi không bao giờ phai nhạt một không gian đầy huyền thoại, đó là cái chái bếp của gia đình. Một không gian không rộng nhưng lại là nơi tưng bừng nhộn nhịp, ấm áp nhất trong hoài niệm tuổi thơ tôi. Trong cái chái bếp đó một bộ ván cũ kỹ cùng chiếc cối nhỏ được bố tôi kỳ công đục từ một thân gỗ to không biết có từ bao giờ. Trên bộ ván cũ và chiếc cối nhỏ ấy, mẹ thường giã gạo, nhào bột để cho “ra đời” những món bánh không hề có trong thực đơn thị thành: Bánh vắt vai, bánh gio, bánh pẻng phạ… Vì thế, anh em chúng tôi thường gọi: Chái bếp của mẹ.

Những trưa hè, bóng nắng xuyên qua mái lá vẽ những quả trứng gà lên tấm vách, tôi nằm thiu thiu trên bộ ván, mơ màng nghe tiếng mẹ khuấy bột, tiếng đũa lanh canh chạm nồi, tiếng nước reo tí tách... Khi giụi mắt thức dậy, trước mặt tôi hàng chồng bánh nếp, bánh gio, tỏa mùi thơm quyến rũ.

Tôi nhớ, trong cái chái bếp ấy chính giữa còn có một chiếc cột. Chiếc cột đâu chỉ làm nhiệm vụ đỡ tất cả sức nặng của tấm mái, mà còn là vị trí linh thiêng. Trên cây cột, mẹ đóng chiếc đinh cao hơn đầu và treo vào đó chiếc Nải chàm. Trong Nải chàm mẹ để một ít lá "mạy mòn", loại lá cây theo phong tục người Tày luôn đem lại những điều tốt lành, may mắn. 

Mùa cây ngô trổ bắp, chái bếp của mẹ được dát một màu vàng rực ghi dấu ấn thành quả sau những tháng ngày lao động vất vả của mẹ trên những mảnh đồi quanh nhà.

Ngày tôi nhập ngũ, đêm liên hoan chia tay, trai gái trong bản đến chật sân nhà. Ánh trăng rằm trải tấm thảm bạc óng ánh khắp bản làng, tiếng đàn tính, điệu then ngân vang hòa quyện cùng tiếng nhạc suối róc rách cùng biết bao lời chúc của bạn bè trang lứa mong tôi lên đường "chân cứng đá mềm". Mẹ ngồi một mình nơi chái bếp, cố giấu không cho ai biết những giọt nước mắt cứ lăn trên đôi gò má gầy.

Tuổi thơ của tôi mê mẩn cái chái bếp của mẹ! Giờ đây, mỗi lần về phép, tôi dành nhiều thời gian cùng mẹ nhào bột, nặn bánh trong cái chái bếp đầy ắp kỷ niệm ấy...

ĐỖ KIM TẬP