Vợ chồng anh thương binh nặng Nguyễn Trọng Hùng-Đỗ Thị Nhâm trong khu vườn trại chăn nuôi. Ảnh: THÀNH MINH TUẤN

Anh Nguyễn Trọng Hùng gọi điện cho tôi, giọng run run vì xúc động. Anh khoe, năm nay gia đình làm ăn khấm khá, đàn lợn vẫn đang sinh sôi nảy nở, công việc kinh doanh phát triển tốt. Nghe anh nói tôi mừng lắm. Ai đã biết gia cảnh của anh trước đây hẳn đều có chung niềm vui như tôi.

Anh sinh năm 1962 tại miền quê nghèo xã Yên Kỳ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ. Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, anh làm đơn tình nguyện nhập ngũ vào tháng 7 năm 1981 khi tròn 18 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học phổ thông và được điều về đại đội 5, tiểu đoàn 5, trung đoàn 266 Sư đoàn 313.

Trong quân ngũ, nhờ tinh thần phấn đấu hăng say, anh mau chóng trưởng thành. Đến năm 1984, anh đã là thượng sĩ trung đội phó. Trong một trận chiến đấu anh bị thương nát hai chân, phải cưa đến đùi. Khi chuyển về khu điều dưỡng thương binh nặng tỉnh Yên Bái, anh làm quen với chị Đỗ Thị Nhâm, cũng là thương binh 1/4 như anh với 81% thương tật. Chị là bộ đội Quân đoàn 29 Hoàng Liên Sơn, bị vết thương sọ não, vỡ giập nát xương chậu, gẫy đùi trái.

Sợi dây tình cảm đã kết nối hai trái tim cùng cảnh ngộ, anh chị quyết tâm gắn bó với nhau suốt đời. Đúng là “niềm vui nhân đôi được hai niềm vui, nỗi buồn chia đôi, nỗi buồn chỉ còn một nửa”. Năm 1988, khu điều dưỡng thương binh nặng tỉnh Yên Bái tổ chức lễ thành hôn cho đôi thương binh nặng Hùng-Nhâm. Lễ cưới diễn ra đầm ấm, giản dị nhưng tràn đầy niềm vui và những giọt nước mắt hạnh phúc. Sau ngày cưới, anh chị xin đơn vị cho trở về quê chị là tổ 14 phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái để xây dựng cuộc sống mới.

Niềm vui cứ nhân lên. Tháng 9-1988, bé gái Nguyễn Như Quỳnh ra đời, nhưng đi liền là nỗi lo. Trở về địa phương với hai suất phụ cấp thương tật rất thấp vào những năm 1989-1990, anh chị không có khoản thu nhập nào khác, phải nương tựa vào gia đình bên vợ. Cuộc sống từ khi có con nhỏ thật chật vật, gian nan. Đêm ngày anh chị trăn trở nghĩ cách phải vượt khó vươn lên tìm kế sinh nhai. Lúc đầu anh bàn với vợ mua lợn hơi về mổ bán ngoài chợ. Chị thương anh nói: “Chân anh như thế làm sao đi mua được. Mua được rồi làm gì có sức khỏe để mổ lợn”.

Anh thuyết phục: “Nếu vợ chồng mình chịu khó, chịu khổ sẽ vượt qua được hết”. Chị biết có ngăn cũng không được nên chiều anh mà lòng thương anh khôn xiết. Nói là làm. Anh phải đi xe ôm vài chục cây số để lùng mua lợn. Cứ 3 giờ sáng là trở dậy, hai vợ chồng sức yếu phải vật lộn hàng giờ với con lợn để làm thịt mang ra chợ bán kiếm từng đồng lãi. Người khỏe làm dễ chứ với anh thật “trầy da tróc vẩy”. Làm lụng vất vả quá nên vết thương của cả hai vợ chồng lại hay tái phát. Những lúc như thế anh lại tự gồng mình, nghiến răng đấu tranh với thương tật không chịu gục ngã, không chỉ chiến thắng bản thân mình mà còn động viên vợ không được thoái chí, nản lòng. Bên cạnh đó, vật lộn với thương trường, kinh doanh hàng tươi sống cũng rất chật vật. Chị Nhâm thương anh muốn bỏ nghề. Anh lại phải động viên: “Vợ chồng mình mới vào nghề, ít vốn lại bị thương tật, làm sao được như những người lành lặn. Biết làm gì bây giờ chỉ còn cách phải cố gắng thôi”.

Cố mãi được mấy năm, công sức bỏ ra thì nhiều mà hiệu quả đem lại ít, anh chị chuyển sang mở dịch vụ ăn uống tại nhà. Lúc đầu lượng khách ít vì địa điểm không thuận lợi, vợ chồng bàn nhau lên tận vùng Tân Nguyên, Bảo Ái cách nhà 20km mở hàng ăn phục vụ khách đào đá quý và khách vãng lai. Đi xa nhà đối với bản thân thì có thể khắc phục được, nhưng còn con nhỏ thì sao? Năm 1990, anh chị lại có thêm một cháu gái. Suy đi tính lại chỉ còn cách nhờ gia đình vợ trông hộ các cháu. Gia đình vợ thương con cháu nên đành đồng ý. Vợ chồng làm lụng từ sáng sớm đến tối mịt, lấy công làm lãi, lúc đầu cũng kiếm được chút đỉnh.

Được một thời gian, do phải sống ở lán, công việc vất vả nên vết thương tái phát, tiền lãi không đủ trang trải thuốc men. Con cái vắng sự chăm lo của cha mẹ, ốm đau còi cọc, vợ chồng anh đành khăn gói trở về. Lúc đầu mở quầy bán tạp hóa tại nhà. Rồi lại mở hàng giải khát, làm đá, bán hàng ăn uống, cứ xoay như chong chóng mà cuộc sống vẫn túng bấn, lận đận. Cuộc sống đã bế tắc lại càng bế tắc hơn khi vào tháng 4-1992 chị sinh thêm đứa con thứ ba là cháu trai Nguyễn Duy Tùng. Nhiều đêm anh trăn trở, đặt nhiều câu hỏi cho mình để tìm ra lời giải. Làm gì đây khi tuổi còn trẻ? Tại sao người ta thành đạt mà mình thì không? Nhất định phải phấn đấu bằng anh bằng em, trước mắt là có tiền nuôi các con khôn lớn được học hành đến nơi đến chốn.

Một suy nghĩ bật sáng: “Tại sao mình không khai thác chợ Yên Thịnh gần nhà?”. Anh lên UBND phường xin được làm bảo vệ đêm khu vực chợ Yên Thịnh, trông hàng hóa cho những hộ kinh doanh, ban ngày thì mở cửa hàng dịch vụ ăn uống tại chợ. Được chính quyền chấp thuận, động viên, tạo điều kiện, cả nhà vào cuộc, người nào việc nấy: Ban ngày kinh doanh ăn uống, bán cá tươi, tối cả nhà ra chợ thay nhau, người ngủ, người trông nom hàng hóa và bảo vệ chợ.

Anh lại suy nghĩ “Tại sao mình không thu gom các thứ nước thải từ cá, từ cửa hàng ăn uống để nuôi lợn”. Thế là anh bàn với vợ quyết định nuôi lợn. Bà con trong xóm xúm vào làm giúp chuồng trại. Đầu tư nuôi lợn có kết quả, anh chị quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi. Mẹ vợ bán rẻ cho mảnh đất 200m2, anh phải mang cả sổ lương, sổ đỏ của nhà ra thế chấp vay ngân hàng mới đủ tiền làm nhà, xây chuồng lợn, mua máy nghiền thức ăn, xây bể biôga để lấy chất đốt đun nấu.

Tháng 6-2005, lứa lợn đầu tiên được 30 con. Nhờ chăm sóc tốt, đàn lợn lớn lên từng ngày. Vợ chồng đang tràn trề hy vọng thì đùng một cái, trận lũ quét đêm 11-7-2005 ập đến. Phút chốc, đàn lợn trôi hết, chuồng trại tan hoang, thức ăn bị hỏng, bể biôga cũng chẳng còn. Chỉ qua một đêm, toàn bộ vốn liếng 35 triệu đồng mất sạch. Vợ chồng chỉ biết khóc, xót thương cho số phận của mình. Giữa lúc tuyệt vọng ấy, chính quyền, hội cựu chiến binh phường Yên Thịnh đến thăm hỏi, động viên, tiếp thêm cho vợ chồng anh niềm tin, nghị lực, vượt lên mất mát, khắc phục hậu quả thiên tai, chiến thắng bệnh tật.

Được chính quyền cho vay vốn, gia đình, bà con làng xóm, đồng đội giúp đỡ công sức, tiền của, anh chị xây sửa lại chuồng trại, mua lợn giống, tập trung chăm lo lứa lợn cuối năm và đã đạt kết quả bước đầu, xuất chuồng được 4.600kg, thu hơn 50 triệu đồng, trừ các khoản chi phí được lãi 15 triệu đồng. Vợ chồng mừng rơi nước mắt, cảm nhận sâu sắc tình cảm quê hương, gia đình, tình đồng đội thân thương những lúc cơ hàn.

Bước vào năm 2006, anh chị đầu tư nuôi cả 6 ô chuồng, tổng đầu lợn nuôi bình quân 60 con/lứa và đến ngày 10-10-2006 bán hai lứa được 10.500kg, thu được 116 triệu đồng, lãi 28 triệu. Cuối tháng 10 bán lứa thứ ba được 5.500kg, thu 60 triệu, lãi khoảng 16 triệu đồng. Bên cạnh đó thu được từ bảo vệ chợ năm 2006 được 8 triệu đồng. 52 triệu đồng cho một năm lao động vất vả của cả nhà là một nguồn động viên lớn lao và cũng là một thử thách rất quyết liệt của đôi vợ chồng thương binh nặng. Năm 2007, anh chị tiếp tục phát triển mô hình đó, nguồn thu không ngừng tăng lên.

Tâm sự với tôi, anh nói rất chân thành: “Vợ chồng tôi đều là thương binh nặng, được xã hội và nhân dân chăm sóc nhưng chúng tôi luôn tự nhủ mình phải phấn đấu vươn lên, góp một phần công sức còn lại cho đời và trả nghĩa cho xã hội. Chúng tôi khắc sâu lời Bác Hồ dạy: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Chỉ có lao động chân chính mới tìm ra chỗ đứng của mình, làm gương cho các con noi theo”. Anh cười vui, niềm tự hào ánh lên trên nét mặt cương nghị.

Thực tế đúng như anh chị nghĩ: Noi gương bố mẹ, cả 3 cháu đều ngoan, học tập và lao động chăm chỉ từ bé. Năm 2006, cháu lớn Nguyễn Như Quyên đã tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Sơn La. Từ khi có “của ăn của để”, anh chị còn tham gia đóng góp vào các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa.

Tôi động viên anh: “Lao động đã làm cho sức khỏe của anh chị tăng lên?”.

- Đúng đấy chị ạ. Lao động cũng là hình thức rèn luyện thân thể để hạn chế những đau đớn mà thương tật gây nên. Lao động mệt nhọc nhưng vui lắm. Vợ chồng thương yêu, động viên nhau. Cả nhà đều yêu văn nghệ, lúc nào rảnh là hát hò ra trò. Anh cười sáng khoái, nét mặt ánh lên niềm vui.

Tôi biết nhiều năm qua, gia đình anh luôn được chính quyền, Hội cựu chiến binh địa phương biểu dương là gia đình thương binh nặng có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Năm 2006, Hội đồng thi đua, Hội CCB tỉnh Yên Bái đề nghị Trung ương Hội CCB tặng bằng khen cho anh nhân dịp 60 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ 27-7-2007.

Tấm gương sáng của đôi vợ chồng thương binh nặng đáng để cho chúng ta noi gương, học tập. Anh chị đã hiến dâng tuổi thanh xuân tươi đẹp và xương máu của mình cho Tổ quốc. Trở về đời thường với 81% thương tật vẫn không chịu đầu hàng bệnh tật mà vượt khó đi lên, qua hết thử thách này tới khó khăn khác, không chỉ nuôi sống bản thân mình mà còn làm giàu cho xã hội. Anh chị đã góp phần làm đẹp thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ đổi mới của đất nước.

ĐOÀN THỊ LỢI