Anh Lâm Ngọc Khầy được thầy thuốc của Trung tâm khám bệnh tại phòng ở

Năm 1968, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc vào giai đoạn gay go ác liệt nhất, chàng trai người Việt gốc Hoa là Lâm Ngọc Khầy (ở thị trấn Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) vừa tròn 20 tuổi, hăng hái tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau gần một năm huấn luyện ở Đoàn đặc công 305 đóng quân ở Hà Bắc (cũ), anh hành quân vào chiến trường Thừa Thiên-Huế. Tháng 9-1970, trong một trận chiến đấu ác liệt anh bị thương nặng, địch bắt đưa ra nhà tù đảo Phú Quốc. Sau Hiệp định Pa-ri năm 1973, anh được trao trả về Đoàn an dưỡng 255 Hà Bắc, rồi sau đó chuyển về Viện quân y 27-7. Năm 1979, anh được đón về nuôi dưỡng, chăm sóc tại Khu điều dưỡng thương binh 5 Phú Thọ (nay là Trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ) và ở đấy từ đó tới nay.

Năm 1976, khi còn ở Viện quân y 27-7, đóng tại xã Phượng Lâu, TP Việt Trì, trong một lần giao lưu văn nghệ giữa Đoàn thanh niên xã và Viện quân y, anh đã làm quen với chị Nguyễn Thị Thắng, bí thư một chi đoàn trong xã (lúc đó chị Thắng mới 17 tuổi, kém anh Khầy 11 tuổi). Rồi những lần gặp gỡ, và cả thư từ qua lại, họ yêu nhau lúc nào không biết. Tình yêu của họ đẹp như trong tiểu thuyết. Tối tối, dưới ánh trăng quê, chị đẩy chiếc xe lăn cùng anh đi dạo trên con đường làng quen thuộc lồi lõm đất trung du. Với kiến thức khá phong phú và từng trải trận mạc, tù ngục, anh đã kể cho chị nghe bao chuyện. Chị đắm say nhìn anh như muốn hớp lấy từng lời mà rưng rưng nước mắt. Có điều, hai người yêu nhau lâu lắm rồi nhưng anh chưa một lần hôn chị. Ngay cả khi sắp cưới, anh vẫn thẫn thờ: “Hay thôi, em đừng yêu anh nữa. Lấy anh, em không có hạnh phúc đâu”. Nghe anh nói vậy, chị càng thấy thương yêu anh nhiều hơn, bởi trong trái tim non nớt của một cô thôn nữ, chị chỉ nghĩ rằng, chắc anh sợ mình khổ khi lấy chồng là thương binh nặng, liệt hai chân không làm được gì giúp vợ, nên mới nói vậy? Chị đâu cần anh làm gì, nếu không vì chiến tranh, anh đâu phải khổ thế! Chị nguyện vất vả cả đời để bù đắp cho anh. Thế là vượt qua sự ái ngại của gia đình, bè bạn, người thân, sự mặc cảm của anh, chị quyết tâm lấy anh bằng được. Chỉ khi đã lên xe hoa, đã thực sự làm vợ anh với những đêm dài đằng đẵng trằn trọc, chị mới hiểu ra câu nói ý tứ sâu xa của anh ngày nào. Chiến tranh đã vĩnh viễn cướp đi chức năng làm chồng, làm cha của anh. Chị úp mặt vào ngực anh mà khóc, khóc nức nở, khóc tức tưởi như đứa trẻ bị đánh đòn oan, bởi chị càng thương anh nhiều hơn. Anh vuốt tóc chị: “Hay là em chia tay anh để xây dựng hạnh phúc mới”. Chị bịt mồm anh lại, không cho anh nói thêm gì nữa…

Năm 1984, cháu Lâm Thùy Mai ra đời. Thương vợ bao nhiêu, anh càng thương bé Mai bấy nhiêu. Cháu Mai lớn lên trong tình yêu thương và sự ân cần dạy dỗ của anh chị. Năm tháng dần trôi, cháu Mai tốt nghiệp phổ thông và thi đỗ hai trường đại học (Đại học kinh tế Quốc dân và Đại học Y Thái Nguyên). Nhưng cháu đã chọn Đại học Y, để sau này có điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bố. Ngay từ năm học đầu tiên, Mai đã đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc của trường.

Tôi nhớ đầu năm 2003, khi cố đạo diễn NSND Lê Mạnh Thích sau thành công ở bộ phim “Trở lại Ngư Thủy”, ông lên Khu điều dưỡng thương binh 5 để chuẩn bị làm bộ phim tư liệu “Trên chiếc xe lăn” viết về anh em thương binh, bệnh binh để dự thi Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương. Khi nghe kể về mối tình của anh Khầy-chị Thắng, ông cảm động lắm. Gần 11 giờ đêm, ông vẫn nhờ tôi (tác giả bài viết này) đưa ông sang gặp anh chị. Ông định làm một bộ phim riêng về anh chị, nhưng vì thời gian có hạn mà ông lại đang phải gấp rút hoàn thành bộ phim “Trên chiếc xe lăn”, nên ông đã về Hà Nội giới thiệu cho đạo diễn Đinh Quốc Bình (Ban chuyên đề đài Truyền hình Việt Nam). Ngay sau đó, đạo diễn Bình cùng kíp làm phim đã có phóng sự 15 phút về gia đình anh chị, phát hai lần trên VTV1. Tiếc thay, những hình ảnh chị Thắng trong phim cũng là hình ảnh cuối cùng trên đời của chị. Căn bệnh nhồi máu cơ tim làm chị ra đi đột ngột ở tuổi 45, để lại cháu Mai ngơ ngác và anh Khầy suy sụp hoàn toàn. Vết thương tái phát rất nặng, anh được Trung tâm đưa về Bệnh viện Trung ương quân đội 108 chữa trị. Bác sĩ chỉ định phải phẫu thuật tháo toàn bộ hai chân từ hai khớp háng trở xuống. Nghĩ mình không qua được, anh đã viết di chúc để lại cho cháu Mai… Mẹ mới mất, bố lại bệnh nặng gần như chờ chết, tưởng chừng Mai không vượt qua nổi, người gầy rộc đi. Thế rồi được sự động viên, giúp đỡ kịp thời của người thân, bạn bè, thầy cô và những người đồng đội của bố, Mai đã vượt qua tất cả để tiếp tục học tập. Thứ bảy, chủ nhật nào được nghỉ, Mai cũng tranh thủ từ Thái Nguyên về Hà Nội thăm nom, động viên bố. Như có liều thuốc tiên, anh Khầy dần dần bình phục. Sau nửa năm nằm điều trị anh được ra viện về lại Trung tâm. Giờ đây cháu Mai đang học năm thứ 5 Trường đại học Y Thái Nguyên. Năm học nào Mai cũng đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc. Là lớp phó phụ trách học tập, Mai luôn gương mẫu, hăng hái trong mọi hoạt động của lớp, của trường, được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Ban giám hiệu và Đoàn trường. Tháng 5 năm 2006, Mai đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Năm học này, Mai là một trong 5 sinh viên xuất sắc của trường được quỹ “Vòng tay nhân ái” của Bộ Y tế và báo Sức khỏe và Đời sống trao học bổng sinh viên nghèo vượt khó. Còn anh Khầy cũng vì thế mà khỏe hơn, vui hơn.

Những ngày này, Mai được nghỉ hè, cô chăm sóc bố chẳng khác nào mẹ mình trước đây, như muốn bù đắp cho những tháng ngày phải học hành nơi xa không được gần gũi chăm sóc bố. Vì bị tháo hai khớp háng nên giờ đây nhìn anh Khầy như một bức tượng bán thân. Mà đúng anh là “bức tượng bán thân”, có điều nó không phải làm từ thạch cao, không phải đẽo gọt từ đá, cũng không phải được đúc ra từ đồng, mà nó bằng xương, bằng thịt, bằng máu, được “tạc” bởi chiến tranh, vì sự nghiệp giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX. Anh ngồi tựa lưng vào bức tường ở đầu giường, nhìn con gái-cô bác sĩ tương lai, ngày một trưởng thành khôn lớn mà lòng tràn đầy hạnh phúc. Không! Anh đang ngồi tựa vào lịch sử mà nhìn vào tương lai của mình đấy chứ! Con gái Lâm Thùy Mai, bông hoa của mùa xuân, của lòng anh.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH TIẾN