QĐND - Số phận cuộc đời nhiều lúc như vòng xoáy khốc liệt, thử thách bản lĩnh, sự kiên trì của con người. Ứng điều này với hoàn cảnh của Binh nhì Nguyễn Văn Kiên (Trung đội 5, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, Quân đoàn 1) chẳng sai chút nào. Những tai ương liên tiếp đổ xuống gia đình em dường như muốn vùi dập ước mơ tương lai của chàng trai xứ biển Kim Sơn (Ninh Bình)…
Đừng bao giờ thôi mơ ước
Chiều dần tà, những ánh nắng vàng vọt, mềm mỏng xuyên qua kẽ lá mang đến cho không gian của Trung đoàn 141 sự thanh bình, yên ả. Ngồi đối diện với chúng tôi là Binh nhì Nguyễn Văn Kiên-một trong mười gương mặt đoàn viên xuất sắc của Trung đoàn 141 được tôn vinh. Kiên sở hữu khuôn mặt sáng, phong cách nói chuyện tự tin, lưu loát nên ai cũng nghĩ em được sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả và hưởng thụ sự giáo dục đầy đủ của bố mẹ và nhà trường. Thế nhưng, lật giở những trang lý lịch của Kiên thì đó là chuỗi ngày u ám tột cùng. Ba tuổi, Kiên mồ côi mẹ; bố thì bị tai biến, bại liệt từ khi em chưa ra đời. Chỗ dựa duy nhất của gia đình là người anh trai hơn Kiên 7 tuổi-Nguyễn Văn Trung.
- Cuộc đời có những thứ không thể ngờ được anh ạ! Mọi thứ diễn ra bất ngờ làm cho người lạc quan nhất vào cuộc sống như em cũng không dám đối diện với sự thật. Cứ ngỡ mẹ mất sớm, bố nằm liệt tại chỗ từ khi em còn nhỏ thì sẽ chẳng còn bi kịch nào hơn thế. Vậy mà anh trai em-chỗ dựa duy nhất của gia đình lại bị tai nạn lao động trong lần mưu sinh và tàn phế suốt đời. Binh nhì Nguyễn Văn Kiên vân vê vạt áo thổ lộ.
Tai nạn bất ngờ của anh trai tựa như cánh cửa khổng lồ khép chặt tương lai và những mơ ước của chàng trai miền biển Nguyễn Văn Kiên. Em phải bỏ học giữa chừng, mưu sinh, lo toan cuộc sống cho cả gia đình. 16 tuổi, Kiên trở thành trụ cột của gia đình. Vốn khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên Kiên chẳng nề hà việc gì, miễn là kiếm được tiền lo toan bữa ăn và tiền thuốc chữa bệnh cho bố và anh trai. Kiên tâm sự:
- Từ nhỏ, em mơ ước được trở thành người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Mỗi ngày trôi đi, niềm mơ ước ấy càng thêm cháy bỏng. Thế nhưng khi anh trai bị tai nạn, em đã nghĩ mơ ước đó sẽ mãi dang dở.
 |
Binh nhì Nguyễn Văn Kiên (thứ hai, từ phải sang) tại buổi giao lưu hậu phương chiến sĩ do Trung đoàn 141 tổ chức.
|
Ngày qua ngày, cũng vì trách nhiệm với gia đình nên Kiên đành phải giấu kín ước mơ cháy bỏng của mình vào tận đáy lòng để mưu sinh, lo toan cuộc sống.
Rồi niềm vui bất ngờ đến với Kiên đúng ngày giỗ mẹ năm 2012. Biết được khát khao cháy bỏng của Kiên, chú ruột là Nguyễn Văn Chi đã xin phép cả gia đình để Kiên được thỏa nguyện ước mơ ấp ủ bấy lâu nay. Được cả nhà ủng hộ, Kiên như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Kiên chia sẻ:
- Em tin là mọi mơ ước trên đời đều có thể trở thành sự thật; dù đó là muôn vàn thử thách. Quan trọng là chúng ta phải có niềm tin và luôn cố gắng hết mình.
Những đồng tiền ý nghĩa
Ước nguyện được rèn luyện trong quân đội của Nguyễn Văn Kiên toại nguyện đồng nghĩa với những lo toan mới về cuộc sống của bố và anh trai khi Kiên vắng nhà. Mặc dù đã có anh Nguyễn Văn Minh-con nhà bác-trực tiếp chăm sóc bố và anh; chú ruột Nguyễn Văn Chi chu cấp thường xuyên nhưng không thể khỏa lấp nhiều lo lắng trong Kiên. Nguyễn Văn Kiên nhớ lại:
- Ngày đầu vào quân ngũ, mâm cơm ấm áp tình đồng đội, có cơm nóng, thức ăn đầy đủ. Trong đầu em chỉ nghĩ ở nhà không biết bố và anh có thường xuyên được ăn cơm nóng không? Bưng bát cơm lên mà nước mắt em cứ giàn giụa chảy. Dù đã cố giấu đi giọt nước mắt nhưng không thể, em đành phải bỏ bát cơm xuống đi ra ngoài để khỏi ảnh hưởng tới các bạn.
Được các anh cán bộ trong đơn vị quan tâm, động viên, những lo lắng trong Kiên dần vơi bớt. Hằng tuần, Kiên được chỉ huy đơn vị nối máy điện thoại liên lạc với gia đình nên em biết thêm về tình hình sức khỏe cũng như cuộc sống của bố và anh trai ở nhà.
Đêm đêm, khi phòng ngủ trung đội rơi vào không gian thinh lặng, còn Kiên thì cứ trằn trọc với cuộc sống ở hậu phương. Ý tưởng tiết kiệm tối đa chi tiêu, dành dụm phụ cấp gửi về cho bố và anh nung nấu, thôi thúc Kiên từng ngày. Tháng phụ cấp đầu tiên, tháng thứ hai rồi lại tháng thứ 3, Kiên nhẩm tính trong ví mới có khoảng hơn 1,5 triệu đồng. Nghĩ đi nghĩ lại Kiên đánh liều mượn thêm của hai người bạn thân là Trần Minh Sang và Trần Mạnh Vũ -người cùng xã, nhập ngũ cùng đợt thêm 500.000 đồng. Cầm trên tay hai triệu đồng, Kiên xin phép chỉ huy đơn vị gửi về cho bố và anh trai. Đại úy Nguyễn Trọng Dũng, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 1 cho biết:
- Việc tiết kiệm tiền phụ cấp của Kiên gửi về gia đình đã tạo thành phong trào trong đại đội. Từ tấm gương của Kiên, nhiều đồng chí đã tiết kiệm chi tiêu cá nhân, tiết kiệm phụ cấp giúp đỡ gia đình.
Ông Nguyễn Văn Nghìn, xóm 10, Hồi Ninh, Kim Sơn, Ninh Bình-bố của Kiên, khi nhận được số tiền con gửi đã vô cùng xúc động. Đôi mắt ông rơm rớm:
- Chưa bao giờ tôi được cầm số tiền ý nghĩa thế này. Thú thật, từ hôm cháu Kiên vào quân đội, tôi nén nỗi đau, cố gắng tập luyện. Đến giờ tôi đã tự đi lại được rồi. Như thế cũng là cách để giúp cháu yên tâm học tập, rèn luyện.
“Hậu phương” và “tiền tuyến” của Binh nhì Nguyễn Văn Kiên cùng thi đua đã tạo nên những kết quả tích cực. Kiên luôn chịu khó rèn luyện, học tập và chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội. Kiểm tra ba tiếng nổ của nội dung huấn luyện chiến sĩ mới, Kiên đều đạt loại giỏi và trở thành 10 gương mặt tiêu biểu được Trung đoàn 141 vinh danh trong huấn luyện và rèn luyện kỷ luật vào tháng 8-2013.
Bài và ảnh: ĐỨC DỤC