 |
Đoàn cán bộ Bệnh viện 354 tặng quà mẹ Nguyễn Thị Cần, mẹ anh hùng liệt sĩ Đinh Trọng Lịch |
Trong mục “Nghĩa tình đồng đội” trên trang 2 báo Quân đội nhân dân số 16699, ra ngày 18-10-2007 có đăng bài “Mẹ anh hùng liệt sĩ Đinh Trọng Lịch còn nhiều khó khăn”, của tác giả Văn Xuê. Bài báo có đoạn “… Trong căn nhà cấp 4 xuống cấp, dột nát, mẹ Cần ngồi bất động trên giường do tháng 11-2005 mẹ bị ngã, gãy khớp xương hông, nên không thể bó bột được… Cuộc sống gặp nhiều khó khăn… mẹ vẫn canh cánh trong lòng làm sao tu sửa lại được ngôi nhà khỏi dột…”. Đọc bài báo, cán bộ, bác sĩ, y sĩ và nhân viên Bệnh viện 354rất xúc động và trăn trở trước hoàn cảnh khó khăn của mẹ Nguyễn Thị Cần.
Ngay sau đó bệnh viện đã cử đoàn cán bộ về xã Đô Lương, huyện Đông Hưng (Thái Bình) thăm, tặng quà, động viên mẹ Cần và gia đình, đồng thời tìm hiểu cụ thể về hoàn cảnh khó khăn của gia đình mẹ.
Cùng các đồng chí cán bộ xã Đô Lương, đoàn chúng tôi đến nhà mẹ Cần. Ra đón chúng tôi là anh Đinh Trọng Du-con trai thứ hai của mẹ Cần, với khuôn mặt đen, gầy, khắc khổ. Chị Đinh Thị Khu, người con gái của mẹ bị thiểu năng ngồi nhặt thóc ở giữa sân đứng dậy bối rối, chạy lại chào bằng những tiếng ú ớ không rõ lời. Bước vào nhà, những hình ảnh trước mắt chúng tôi y như bài báo đã viết, mẹ Cần một mình ngồi ở góc giường, bên trên được che một tấm bạt dứa để khỏi bị mưa dột. Trong nhà không có ti-vi, đài, và có lẽ chẳng có gì đáng giá vài trăm nghìn đồng. Tài sản quý giá nhất của mẹ là tấm ảnh của hai người con trai đã anh dũng hy sinh cho Tổ quốc (Anh hùng, liệt sĩ Đinh Trọng Lịch và liệt sĩ Đinh Trọng Chiểu) và những tấm Huân chương chữ đã phai mờ bởi thời gian, được treo trên bức tường dọc ngang vết nứt. Ngôi nhà cấp 4 cũ nát đang gồng mình nhưng vẫn không đủ sức che chở cho hai người phụ nữ. Mẹ ngồi đó với tuổi già, vết thương do tai nạn và ký ức về những người con trai yêu dấu…
Tay run run, ngân ngấn nước mắt khi nhận gói quà của cán bộ, nhân viên Bệnh viện 354 trao tặng, mẹ Cần nghẹn ngào nói: “… Đẻ được năm đứa con, hai đứa đã hy sinh, một đứa lấy chồng xa, một đứa bị thiểu năng không chồng con gì…, cả đời tôi vất vả, lam lũ, quặn lòng vì chồng con, vì đất nước… Năm nay tôi đã 86 tuổi, đã gần đất xa trời, cũng chẳng mong muốn gì hơn là có được ngôi nhà không dột, cho “hai đứa” (hai liệt sĩ) yên tâm, để mẹ con khỏi chạy chỗ này, chạy chỗ kia lúc mưa nắng…”.
Nghe lời mẹ mà lòng chúng tôi nặng trĩu, cổ họng đắng lại và nỗi trăn trở lại đầy hơn.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Quảng Yên, chủ tịch xã Đô Lương cho biết, nhiều năm qua, cùng với chính sách “Đền ơn đáp nghĩa” của Đảng và Nhà nước, Đảng ủy, UBND xã cũng hết sức quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của các đối tượng chính sách, công tác xóa đói, giảm nghèo ở địa phương cũng có bước tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên, điều kiện của xã còn nhiều khó khăn, vì vậy Đảng bộ và nhân dân xã Đô Lương rất mong nhận được sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị để cùng với xã tiếp tục ổn định và nâng cao đời sống cho các đối tượng, gia đình chính sách nói chung, gia đình cụ Cần nói riêng.
Ngay sau chuyến thăm mẹ Cần, Đảng ủy, Ban giám đốc Bệnh viện 354 đã quyết định phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân viên bệnh viện quyên góp ủng hộ để xây nhà tình nghĩa tặng mẹ Nguyễn Thị Cần. Dự kiến ngôi nhà 3 gian mái bằng, diện tích 54m2, trị giá hơn 60 triệu đồng, hoàn thành xong trước ngày 22-12-2007.
Đây là tấm lòng tri ân của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên Bệnh viện 354 đối với những gia đình chính sách, là nén hương thơm dâng lên những người đồng đội đã đổ máu xương vì Tổ quốc, là những dòng chữ viết tiếp “trang sổ vàng Đền ơn đáp nghĩa” của Bệnh viện 354. Mẹ Cần hãy yên tâm, anh Lịch, anh Chiểu hãy yên lòng, Bệnh viện 354 chúng tôi sẽ thực hiện tâm niệm của mẹ.
NGUYỄN VĂN TUẤN
(Chủ nhiệm chính trị Bệnh viện 354)