 |
Đền thờ liệt sĩ được xây dựng ở các xã của Bến Tre |
LTS: Bến Tre là một trong những tỉnh có đối tượng chính sách nhiều nhất cả nước, với hơn 35.000 liệt sĩ, gần 20.000 thương binh, bệnh binh và hơn 13.000 người có công với cách mạng... Tỉnh còn nghèo, nên việc giải quyết chế độ chính sách, thực hiện Đền ơn đáp nghĩa với một số lượng lớn đối tượng chính sách như thế gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bằng những chủ trương, biện pháp, cách làm sáng tạo, Bến Tre đã thu được kết quả tốt trong công tác chính sách, giúp người có công, diện chính sách ổn định cuộc sống, vươn lên cùng cộng đồng; trở thành địa phương điển hình ở Đồng bằng sông Cửu Long. Đầu tháng 7-2007, nhóm phóng viên báo Quân đội nhân dân đã về quê hương Đồng Khởi, tìm hiểu cách nghĩ, cách làm trên lĩnh vực này và xin giới thiệu cùng bạn đọc.
Bài 1: Cuộc vận động của đạo lý và trách nhiệm
Đầu tháng 7, chúng tôi qua phà Rạch Miễu nối TP Mỹ Tho (Tiền Giang) với thị xã Bến Tre (tỉnh Bến Tre). Đã bao lần về Bến Tre, trong cảm nhận của chúng tôi, nơi đây vẫn còn nghèo, còn quá nhiều khó khăn. Cơn bão số 9 cuối năm 2006 làm cho Bến Tre càng thêm khó khăn. Hàng vạn ngôi nhà bị sụp đổ, hư hại, trong đó có hàng nghìn ngôi nhà của gia đình chính sách. Nhiều căn nhà tình nghĩa, nhà nghĩa tình đồng đội mới được trao, niềm vui chưa lâu đã bị bão đánh sập, những đồng vốn hỗ trợ làm kinh tế chưa kịp sinh lời đã bị tiêu tan. Khó khăn chồng lên khó khăn, nhưng công tác chính sách, giúp gia đình chính sách vượt khó lại thể hiện sống động.
“Nghị quyết” khơi sức dân làm việc nghĩa
Đối diện với khó khăn là vậy, nhưng trong báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác chính sách, Đền ơn đáp nghĩa khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tỉnh Bến Tre có thành tích cao nhất. Tại UBND tỉnh Bến Tre, đồng chí Võ Thành Hạo, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho chúng tôi biết:
- Bến Tre là vùng quê giàu truyền thống cách mạng, là quê hương của phong trào Đồng Khởi trong kháng chiến chống Mỹ, được Đảng, Nhà nước ta tặng 8 chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ diệt ngụy”. Nước nhà thống nhất, Bến Tre mang trên mình nhiều vết thương chiến tranh hết sức nặng nề, nhiều đối tượng chính sách.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác chính sách, Đền ơn đáp nghĩa được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm thực hiện, chăm lo. Hai công tác: thực hiện chế độ chính sách và Đền ơn đáp nghĩa đối với người có công được thực hiện song song. Bên cạnh việc quán triệt, thực hiện đúng, nghiêm túc các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bến Tre còn có nhiều chủ trương, chỉ thị, quyết định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa phong trào Đền ơn đáp nghĩa. Ngay từ năm 2000, Tỉnh ủy Bến Tre đã có Nghị quyết về “Đồng khởi mới” trong việc thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội của tỉnh, trong đó đặc biệt chú trọng thực hiện công tác chính sách, Đền ơn đáp nghĩa, dựa vào sức mạnh của toàn dân, nhất là với cán bộ, đảng viên, viên chức trong tỉnh.
Phong trào “Đồng khởi mới” và phong trào toàn dân chăm sóc người có công được phát động trên cơ sở nào? Khi chúng tôi nêu vấn đề này, đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh trả lời:
- Thứ nhất, là dựa trên truyền thống cánh mạng của quê hương Đồng khởi. Thứ hai là dựa trên đạo lý và trách nhiệm của các cấp ngành, địa phương, mỗi cán bộ, đảng viên, quân nhân và nhân dân, và từ những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phong trào này không chỉ phát động trong địa bàn tỉnh mà còn cả ở một số địa bàn khác. Để huy động nội lực trong tỉnh, ở mỗi cấp ngành, địa phương, Tỉnh ủy đã có chỉ đạo, giao chỉ tiêu cụ thể; tuyên truyền sâu rộng để các tổ chức, đơn vị, nhân dân tham gia. Nơi nào làm tốt thì được UBND tỉnh khen thưởng, được xem là yếu tố cần thiết để công nhận danh hiệu xã, ấp văn hóa; khuyến khích, cổ vũ những cách làm sáng tạo, việc tốt đối với người có công. Hơn nữa, việc huy động “ngoại lực” cho phong trào Đền ơn đáp nghĩa cũng đặc biệt quan trọng, vì Bến Tre còn nghèo. Mỗi cấp ngành, địa phương, nhân dân biết tận dụng các cơ hội, các mối quan hệ để kết nối, vận động các nhà hảo tâm, mạnh thường quân, các tổ chức trong và ngoài nước góp công sức, tiền bạc để chăm lo cho gia đình chính sách.
“Trái ngọt” của chủ trương, chính sách đúng
Đồng khởi giúp nhau, huy động nhiều nguồn lực thực hiện công tác chính sách, Đền ơn đáp nghĩa ở Bến Tre đã đạt những kết quả tốt. Từ năm 2002 đến nay, thực hiện Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, tỉnh Bến Tre đã công nhận trợ cấp cho hơn 80.000 đối tượng chính sách. Ngoài chế độ ưu đãi chung của Nhà nước, tỉnh còn thực hiện những chế độ ưu đãi khác đối với người thuộc diện chính sách, như: miễn giảm thuế nông nghiệp cho 117.000 lượt gia đình; mua bảo hiểm y tế thường xuyên cho 27.000 lượt người; miễn giảm học phí, trợ cấp hằng tháng cho gần 8.200 học sinh là con liệt sĩ, thương binh. Bằng nhiều hình thức vận động, phát động phong trào toàn dân chăm sóc người có công, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.145 nhà tình nghĩa; tổ chức qui tập hơn 18.000 mộ liệt sĩ vào các nghĩa trang. Số đối tượng chính sách có nhu cầu về nhà ở, như các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình có 2 liệt sĩ, thương binh nặng hạng 1/4 của tỉnh đã cơ bản được giải quyết.
Cuối năm 2005, Tỉnh ủy Bến Tre đã ra một chỉ thị rất có ý nghĩa và được các cấp và nhân dân hưởng ứng cao, đó là chỉ thị 01 CT/TU về việc tiếp tục xây dựng Đền thờ liệt sĩ và chăm lo nhà ở cho các gia đình chính sách. Đây là chỉ thị sớm nhất hướng đến kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh-Liệt sĩ. Sau chỉ thị này là các kế hoạch, chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể trong thực hiện. Xây dựng các Đền thờ liệt sĩ ở các xã, phường, thị trấn trở thành một nét riêng ở Bến Tre so với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Chỉ hơn một năm triển khai, đến đầu tháng 7 này đã có 65 Đền thờ liệt sĩ ở cấp xã đã khánh thành và trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ sẽ tiếp tục hoàn thành hơn 60 Đền thờ liệt sĩ. Tỉnh phấn đấu hết năm 2007 hoàn thành kế hoạch xây dựng 160 Đền thờ liệt sĩ ở 160 xã, phường. Mỗi Đền thờ liệt sĩ có kinh phí xây dựng từ 150 triệu đến 300 triệu đồng, đều huy động từ sự đóng góp của cán bộ, đảng viên, công chức, nhân dân, các đơn vị kinh tế trong và ngoài tỉnh. Đó là một kết quả nổi bật, ý nghĩa ở một tỉnh còn nghèo, bộn bề khó khăn như Bến Tre. Đền thờ liệt sĩ được thiết kế mái cong, cột trụ bằng gỗ, có bia khắc tên những liệt sĩ, có lư hương, có người chăm sóc… là sự tri ân đối với các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc; đồng thời là nơi diễn ra những hoạt động giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
TRUNG KIÊN và BÁ HIÊN
Kỳ sau: “Đồng Khởi mới” từ trong lòng dân