Niềm vui của anh Trịnh Xuân Khánh bên con gái Trịnh Lê Giang. Ảnh nhân vật cung cấp

“Chị cũng như bao người phụ nữ lấy chồng bộ đội. Anh ấy vì yêu cầu nhiệm vụ, thường xuyên phải công tác xa nhà. Vợ chồng phải có sự đồng cảm, yêu thương và chia sẻ cùng nhau; biết chăm lo gia đình để anh ấy yên tâm công tác. Trong cuộc sống, nhiều người vợ có hoàn cảnh khó khăn, vất vả hơn chị nhiều. Chị có gì đâu mà kể hả em”. Chị Lê Thị Nghệ, vợ Đại úy QNCN Trịnh Xuân Khánh từ chối khéo khi biết chúng tôi muốn viết về tổ ấm của gia đình anh chị. Và tôi phải mất rất nhiều lần thuyết phục, chị Nghệ mới chịu mở lòng...

Anh chị đến với nhau thật tình cờ. Chị Nghệ quê Nghệ An, trong gia đình có 7 anh chị em. Hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, học hết THCS, chị vào TP Hồ Chí Minh làm ăn, kiếm tiền đỡ đần gia đình. Trong một dịp về nhà cô chú sống ở Gò Công Đông chơi, tình cờ chị gặp Trịnh Xuân Khánh (công tác cùng đơn vị với chú của chị). Sau lần gặp đó, cả hai cho nhau số điện thoại và thường xuyên liên lạc với nhau. Mỗi khi có dịp nghỉ phép, anh Khánh lại tranh thủ lên TP Hồ Chí Minh thăm chị Nghệ, hoặc dịp cuối tuần chị Nghệ lại lấy cớ về nhà chú chơi để gặp anh Khánh. Dường như mối tương đồng về hoàn cảnh khiến tình cảm của cả hai mỗi ngày một lớn lên, cộng thêm sự vun vào của cô và chú, để rồi đầu năm 2005, anh chị quyết định về sống chung một nhà.

Lấy nhau, chị Nghệ quyết định chọn mảnh đất Gò Công Đông (Tiền Giang), nơi đơn vị anh Khánh công tác làm quê hương thứ hai. Thời gian đầu, nhà cửa chưa có, vợ chồng ở nhờ người quen gần đơn vị anh Khánh. Chị bảo, những tưởng mình may mắn được ở gần đơn vị chồng, cả hai sẽ sớm tối có nhau; thế nhưng, do yêu cầu nhiệm vụ, anh Khánh ở đơn vị nhiều hơn ở nhà… Một năm sau, con gái Trịnh Lê Khanh chào đời, gia đình anh chị càng hạnh phúc. “Gia đình có thêm thành viên, mừng đấy mà cũng thêm lo bởi bản thân tôi chưa có công ăn việc làm, nhà cửa đi ở nhờ, mọi chi phí sinh hoạt đều trông chờ vào lương của chồng”, chị Nghệ trải lòng.

Thử thách nối tiếp thử thách. Đầu tháng 11-2008, siêu bão số 9 đổ bộ vào đất liền, càn quét dọc từ Quảng Bình đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Tỉnh Tiền Giang nằm trong vùng tâm bão. Đúng thời điểm đó, anh Khánh đang công tác ngoài biển. Nhà chỉ có chị và con gái chưa đầy hai tuổi. “Lúc đó tâm trạng tôi rối bời. Phần vì lo lắng cho chồng đang làm nhiệm vụ ngoài biển, phần thì sợ hãi vì ngoài trời mưa gió gầm rít như muốn bốc tung ngôi nhà. Song điều tôi lo lắng nhất là mấy ngày liền tôi không liên lạc được với chồng”, chị Nghệ nhớ lại. Cơn bão khủng khiếp qua đi để lại ngôi nhà nhỏ xơ xác, tiêu điều, ngập trong nước. Chị vừa bế con, vừa thu dọn hậu quả cơn bão để lại. Lúc này, anh Khánh cũng hoàn thành nhiệm vụ và gọi điện thoại về hỏi thăm tình hình vợ con ở nhà. Nghe giọng của chồng qua điện thoại, biết anh vẫn bình an, chị Nghệ vui mừng mà bật khóc nức nở...

Chị Nghệ bảo, dù đã quen với chuyện chồng thường xuyên công tác xa nhà thế nhưng mỗi khi nghe tin thời tiết xấu, biển động, trong lòng chị bồn chồn không yên. Những lúc như thế, chị chỉ biết động viên chồng cũng là động viên chính mình. Và cũng vì điều kiện, hoàn cảnh, mãi năm 2016 anh chị mới quyết định sinh thêm bé thứ hai Trịnh Lê Giang.

“Chồng công tác thường xuyên không có ở nhà, một mình chị gánh vác việc gia đình, có khi nào thấy nản?”, tôi hỏi.

“Nếu bảo không buồn là nói dối lòng mình. Nhưng quả thực, ngay từ khi yêu và quyết định nên duyên vợ chồng, tôi đã xác định rõ tư tưởng lấy chồng bộ đội phải biết hy sinh, chia sẻ và chăm lo vun vén cho gia đình. Xác định rõ điều đó nên mọi khó khăn trong cuộc sống, chúng tôi đều có sự chia sẻ và cùng nhau vượt qua”, chị Nghệ giãi bày.

Cảm nhận được sự vất vả của mẹ, nhiệm vụ của cha, cô con gái Trịnh Lê Khanh sớm có ý thức tự lập ngay từ nhỏ. Ngoài giờ tự học, Khanh còn tích cực giúp đỡ mẹ việc nhà, trông em.

Thời gian trôi đi, bây giờ nhìn lại, anh Khánh và chị Nghệ đã có 15 năm gắn bó, chia sẻ ngọt bùi cùng nhau; những vất vả đã trải qua chỉ như phép thử, bởi vì khi đã vượt qua những thử thách đó thì hạnh phúc thật ngọt ngào. Và mỗi dịp nghỉ phép, anh Khánh luôn dành hết tình yêu thương để bù đắp cho vợ con những khoảng thời gian xa cách, cho tình yêu lan tỏa trong ngôi nhà nhỏ, nơi neo đậu bình yên sau mỗi hải trình làm nhiệm vụ.

KIM ANH