Ông Huỳnh Thúc Cẩn gặp bà Nguyễn Thị Xuân Mai trong chuyến về phép sau 9 năm biền biệt xa quê hương đi chiến đấu. Khoảng đầu tháng 6-1955, trong lúc chờ mua vé xe ở thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch, Quảng Bình-nay là thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), ông tình cờ gặp người em gái và một cô gái đi ngang qua. Được em gái giới thiệu, ông biết tên cô gái là Xuân Mai, đang làm việc ở cơ quan ngân hàng của huyện. Ông Cẩn bồi hồi nhớ lại: “Một thời là anh học trò xứ Huế mộng mơ, rồi những năm tháng trận mạc, qua nhiều vùng quê, cũng gặp biết bao thiếu nữ nhưng quả thật, khái niệm yêu đương chưa từng len lỏi trong tâm trí tôi. Thế mà cuộc gặp ngắn ngủi ở bến xe hôm đó, tôi đã phải lòng cô gái mảnh mai, trắng trẻo ấy”.
Từ đó, những cánh thư trở thành cầu nối nhân lên tình cảm hai người. Trong thời chiến, họ gặp biết bao trắc trở do hoàn cảnh gia đình, khoảng cách địa lý... nhưng Huỳnh Thúc Cẩn luôn vững tinh thần và động viên người yêu vượt qua. Hơn một năm sau kể từ ngày gặp nhau ở Ba Đồn, họ chính thức nên duyên chồng vợ. Đôi bạn trẻ có một lễ cưới giản dị mà đầm ấm, nghĩa tình tại quê nhà.
Sau ngày cưới, gia đình ông Cẩn chuyển ra Hà Nội. Bà Mai được về công tác tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Cẩn lại đi công tác liên miên. Những năm tháng khốn khó, đồng lương không đủ sinh hoạt, bà phải xoay đủ nghề để mấy mẹ con sinh sống. Có thời gian, ông sang Lào chiến đấu gần 10 năm không một cánh thư báo về. Bà ở nhà ngóng trông khắc khoải, hỏi thăm hết chỗ nọ, chỗ kia. Người nói ông đã hy sinh, người bảo ông mất tích. Nhưng bà luôn vững tin ngày chiến thắng, ông sẽ trở về.
Giờ đây, bước vào độ tuổi xưa nay hiếm, ông thật hạnh phúc vì luôn có bà cận kề sớm hôm. Hơn 10 năm trước, do bị tai biến sau lần phẫu thuật, ông đi lại hết sức khó khăn. Ba năm trở lại đây, mọi sinh hoạt của ông đều phải thực hiện trên chiếc giường nhỏ kê ở góc phòng. Người vợ thảo hiền lại là đôi tay, bước chân của ông. Bà động viên ông viết sách, viết báo để rèn luyện trí nhớ. Ông bảo, ngày còn công tác, chỉ quen viết báo cáo chứ đâu có viết văn, làm thơ bao giờ. Vậy mà từ lúc “nằm một chỗ”, ông lại có điều kiện để nhớ lại quá khứ và “tổng kết” cuộc đời mình qua những trang viết. Việc chăm chỉ đọc sách, viết báo khiến ông luôn giữ được tinh thần lạc quan và trí tuệ minh mẫn. Hai chân không bước đi được thì ông “mở cánh cửa” với thế giới bên ngoài qua những bài báo. Đến nay, sau bài viết đầu tiên được đăng trên Báo Quân đội nhân dân, ông đã xuất bản được 3 cuốn sách cùng hàng chục tác phẩm trên các báo, tạp chí.
Nhìn cách bà chăm ông, lúc nhắc ông uống thuốc, khi mang để ông dùng bữa, người ta dễ nhận thấy tình yêu nồng đượm bà dành cho ông. “Nhân duyên đã cho chúng tôi gặp nhau thật tình cờ mà thành chồng, thành vợ. Nhưng chính sự hiền thục, chịu thương chịu khó, cả đời vì chồng, vì con của bà ấy khiến tôi vừa yêu thương, vừa nể trọng”, ông Huỳnh Thúc Cẩn chia sẻ những lời gan ruột.
PHẠM THU THỦY