QĐND - Men theo con hẻm nhỏ ở tổ dân phố 23, phường Vĩnh Trung (TP Đà Nẵng), chúng tôi tìm đến nhà mẹ liệt sĩ Lê Thị Thọ. Mẹ Thọ ngồi đó, mái tóc bạc phơ, hai tay run run dò tìm từng mẩu giấy, rồi cặm cụi ghi ghi, chép chép. Thấy chúng tôi đến, mẹ dừng bút, rót nước mời khách. Câu chuyện như thước phim quay chậm giúp chúng tôi hiểu rõ thêm về cuộc đời của người mẹ liệt sĩ nhân hậu và bao dung...

Thời kỳ Đà Nẵng mới giải phóng, thành phố tồn đọng nhiều vấn đề xã hội cần giải quyết. Nhiều cô gái mặc cảm về quá khứ lầm lỡ phải trốn chui, trốn lủi trong các ngõ hẹp. Sau mấy lần bàn bạc với các chị phụ nữ của khu phố, mẹ đề nghị với công an xin được bảo lãnh, giúp đỡ các cô hoàn lương. Xóa bỏ mặc cảm và những lời gièm pha, mẹ không quản ngày đêm, bất chấp mưa nắng, tranh thủ thời gian vận động, thuyết phục chị em học tập. Một số chị em quá khó khăn, mẹ còn cho cả quần áo, gạo tiền. Mấy tháng liền bền bỉ, gần gũi chia sẻ với họ, mẹ đã thuyết phục được 25 chị em trở thành người lương thiện…

Mẹ Thọ bên di ảnh của con trai (liệt sĩ Nguyễn Như Kiệm).

Sau khi nghỉ hưu, mẹ Thọ tự nguyện vào làm việc trong hội từ thiện thành phố. Hồi còn làm Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Phước Ninh, mẹ đã thấu hiểu sự thiếu thốn và nỗi đau của những người chẳng may phải vào viện, nhất là bệnh nhân nghèo ở Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng). Mẹ từng chứng kiến cảnh trẻ nhỏ kêu khóc vì đói, những người mẹ rơi nước mắt khi không có tiền mua cháo cho con. Vậy là ý tưởng “Nồi cháo tình thương” được hình thành từ cuối năm 1992.

Công việc buổi đầu hết sức khó khăn, mẹ phải lặn lội đến tận các nhà chùa, trực tiếp gặp nhiều gia đình, người thân kiên trì vận động họ cùng tham gia “Nồi cháo tình thương”. Ban đầu nồi cháo chỉ có 50 suất mỗi ngày đặt ở Khoa Nhi, nhưng số bệnh nhân quá đông, do vậy mẹ Thọ đã nấu tăng lên 130 suất. Thấy việc làm của mình thực sự mang lại niềm vui cho những người nghèo, những mảnh đời bất hạnh, mẹ tiếp tục đặt thêm 4 nồi cháo khác tại Khoa Lây, Khoa Lao…Tiếng lành đồn xa, nhiều nhà hảo tâm tự nguyện mang tiền đến tận nơi góp thêm vào nồi cháo của mẹ. Một số Việt kiều từ Ca-na-đa, Pháp, Mỹ… biết tin cũng viết thư về cho mẹ xin được làm cầu nối giúp đỡ người nghèo và chung tay làm từ thiện.

Không chỉ dừng lại địa bàn thành phố, bằng tấm lòng nhân hậu và trách nhiệm với cộng đồng, mẹ Thọ và những cộng sự của mình đã mở rộng phạm vi hoạt động “Nồi cháo tình thương” vào tận Bệnh viện Đa khoa Tam Kỳ (Quảng Nam). Mẹ còn nhân rộng thêm mô hình “Bữa cơm miễn phí” tại bệnh viện này suốt mấy năm qua.

Đang say sưa kể, bỗng nhiên giọng mẹ Thọ chùng hẳn xuống: “Có được cuộc sống thanh bình như hôm nay, dân tộc ta đã phải đổi cả xương máu và sự mất mát hy sinh vô cùng to lớn!”. Nói xong, mẹ lặng lẽ bước đến bên bàn thờ thắp nén nhang cắm lên chiếc bát hương màu đồng, đôi vai gầy rung lên… Tiếng mẹ nghẹn ngào: “Thằng Kiệm, con trai tôi đấy! Nó đang học năm thứ 3 Trường Đại học Thủy lợi thì xung phong lên đường đánh Mỹ và hy sinh ở Quảng Trị”.

Mẹ giãi bày thêm: “Hiện, con trai tôi vẫn còn nằm ngoài Quảng Trị. Mấy bận gia đình tính đưa nó về trong này, nhưng cứ thương đồng đội của nó buồn và cô quạnh nên thôi! Với lại, con trai tôi nằm ngoài đó cũng được bà con lo hương khói chu toàn!”.

Bây giờ mẹ Thọ đã 85 tuổi, 65 năm tuổi Đảng. Tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng mẹ vẫn động viên con cháu và những cộng sự nhiệt tình làm từ thiện. Những việc làm ấy cứ lặng thầm như tình mẹ bao la…

Bài và ảnh: PHAN TIẾN DŨNG