Kiểm tra đến tiểu đội trưởng Hà, chính trị viên chợt nghiêm mặt: “Nước trong bình tông của đồng chí đâu?”. “Báo cáo chính trị viên, tôi tưởng chỉ cần chiến sĩ mang theo là đủ”, ấp úng hồi lâu, Hà giải thích.
Nghe xong, chính trị viên lắc đầu: “Đồng chí làm như vậy là không được. Ban nãy, tôi đã nhấn mạnh mỗi người đều phải mang theo đầy đủ vật chất, trang bị cá nhân, đặc biệt là kiểm tra kỹ bình tông, dây lưng, áo mưa. Tại sao đồng chí không thực hiện?”. Nói rồi, chính trị viên yêu cầu Hà ngay lập tức cơ động về đơn vị lấy nước vào bình tông.
 |
Chính trị viên Tiểu đoàn 152, Trung đoàn 250 hướng dẫn đăng ký sổ sách CTĐ, CTCT cho các chính trị viên đại đội mới được bổ nhiệm.
|
Hết giờ huấn luyện, chính trị viên gọi Hà sang phòng gặp riêng. Vào trong phòng, đồng chí chính trị viên từ tốn nói: “Đồng chí có biết mình sai ở đâu không?”. Thấy Hà im lặng, chính trị viên nghiêm giọng: “Đồng chí đang nhận thức chưa đúng về vấn đề này. Thứ nhất, đồng chí còn chủ quan, thiếu tỉ mỉ trong khâu chuẩn bị vật chất huấn luyện, vi phạm vào nguyên tắc huấn luyện cơ bản. Thứ hai, đồng chí là cán bộ tiểu đội mà còn không mang đủ vật chất thì liệu có làm gương cho bộ đội được không?”.
Sau đó, chính trị viên tiếp tục giải thích: "Quân đội ta thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, vì vậy, việc huấn luyện cần phải sát, đúng với thực tế, công tác chuẩn bị cho huấn luyện lại càng cần phải tỉ mỉ, chu đáo. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng cho một trận đánh, chúng ta sẽ thất bại ngay từ khi chưa bắt đầu. Là "đầu binh, cuối cán", đồng chí càng phải nắm chắc điều này hơn ai hết. Nếu chúng ta tự dễ dãi với bản thân, sẽ tạo nên thói quen không cụ thể, tỉ mỉ trong kiểm tra khâu chuẩn bị của bộ đội và đơn vị sẽ không thể vững mạnh được...".
Nghe đồng chí chính trị viên giải thích, mồ hôi trên người Hà chợt túa ra. Càng nghĩ, Hà càng nhận thức sâu sắc việc mình làm tưởng chừng rất bình thường nhưng lại là một sai lầm lớn.
Quả thật, thành công hay thất bại của mọi việc đều phụ thuộc phần lớn vào công tác chuẩn bị. Không chỉ đối với công tác huấn luyện mà khi thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào nếu không có sự chuẩn bị từ những điều nhỏ nhất sẽ rất dễ dẫn đến thất bại. Bất cứ là ai, dù ở cương vị nào đều không được phép chủ quan, “chặc lưỡi cho qua”, tắc trách trong khâu chuẩn bị và phải chuẩn bị đầy đủ cả về vật chất, con người, vạch ra tất cả những tình huống có thể xảy ra để có phương án xử lý kịp thời.
Đến tận bây giờ, khi đã trở thành cán bộ cấp tiểu đoàn, bài học chiếc bình tông vẫn luôn khắc sâu trong tâm trí Hà, như một lời cảnh tỉnh mỗi khi phần “lười biếng, chủ quan” trong người xuất hiện; bài học giúp Hà rèn luyện được thói quen cẩn thận, chu đáo để làm tốt công tác chuẩn bị trước khi thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào.
TRẦN ANH MINH