Thương chú cô đơn, một cô gái đã tình nguyện giúp đỡ. Rồi hai người nên duyên vợ chồng. Cô tần tảo sớm hôm lo việc trong nhà, ngoài đồng, thuốc thang cho chồng. Biết hoàn cảnh gia đình ấy khó khăn, bà con xóm làng thường xuyên thăm nom giúp đỡ. Các bạn học sinh tan học đến nhà chú thương binh quét sân, nhặt rau, cho gà ăn. Tiếng nói trẻ thơ ríu ran căn nhà nhỏ. Những khi ấy, chú thương binh vui lắm. Xong việc, tất cả ngồi quây quần nghe chú kể chuyện, đàn hát. Cứ thế, các bạn nhỏ thường đến giúp việc nhà, tuy việc nhỏ nhưng đó cũng là cách đáng quý để thể hiện lòng biết ơn.

Bài học ấy tôi nhớ mãi. Cho đến khi nhập ngũ thì câu chuyện thuở ấu thơ lại hiện về rõ hơn. Ấy là dịp tôi cùng đoàn công tác của đơn vị thăm gia đình một bác cựu chiến binh. Bác không chống nạng mà di chuyển bằng xe lăn. Vợ bác là cựu thanh niên xung phong, tuổi xuân để lại chiến trường. Khi trở về, hai mảnh đời ghép lại, nương tựa vào nhau. Họ không có con vì di chứng chất độc da cam/dioxin. Những thương tật chiến tranh lúc trái gió trở trời lại hằn lên nhức nhối. Thấu hiểu khó khăn của gia đình bác cựu chiến binh, đơn vị giúp đỡ dựng căn nhà tình nghĩa. Khu đất đồi sau nhà, bộ đội đến khai hoang trồng cây ăn quả, hỗ trợ gia đình phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Thường kỳ, quân y đơn vị đến thăm khám, phát thuốc cho bác cựu chiến binh.

Việc làm của đơn vị với mong muốn bù đắp phần nào những hy sinh thầm lặng của bác cựu chiến binh. Mỗi khi cùng đồng đội ra thăm nhà, giúp đỡ công việc, tôi lại thêm hiểu về bài học tri ân. Dường như khi biết ơn, lòng mình thấy thanh thản và nhẹ nhàng hơn. Thế nên giữa nhịp sống hối hả, mỗi người hãy thể hiện lòng tri ân bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa. Biết ơn lớp người đã có công với đất nước là cách tri ân lịch sử, trân trọng quá khứ để tương lai của chúng ta nhân văn hơn, vững vàng hơn trước mọi sóng gió cuộc đời. Bài học tri ân thật sâu sắc và ý nghĩa!

ĐỨC NAM