 |
Bộ đội địa phương tỉnh Bến Tre làm nhà tình nghĩa tặng gia đình chính sách |
Chúng tôi không bao giờ quên những hình ảnh, tinh thần chống bão và khắc phục hậu quả cơn bão số 9 (cuối năm 2006) của quân và dân Bến Tre. Ở thời điểm bộn bề khó khăn ấy, như một lẽ tự nhiên, tinh thần “Đồng khởi” giúp nhau vượt khó, vượt bão đã được thể hiện sống động hơn bao giờ hết. Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, các cấp, ngành tỉnh Bến Tre đã có những biện pháp, sự chi viện kịp thời cho người dân bị thiệt hại. Nhưng điều chúng tôi ấn tượng nhất là sự hỗ trợ, tương thân tương ái, “đồng khởi” giúp nhau của chính người dân nơi đây diễn ra trong và sau bão.
Ở mỗi ấp, mỗi xã, chính quyền và nhân dân địa phương đã nhanh chóng giúp các hộ chính sách, người già neo đơn trước. Nhà tình nghĩa, nhà tình thương bị sập, hư hại đã được địa phương ứng ngân sách tập trung làm lại, sửa chữa một cách nhanh nhất. Các đối tượng chính sách có nhà sập hoàn toàn, bà con láng giềng cho ở nhờ, ở tạm, chính quyền hỗ trợ ăn uống trong thời gian khắc phục hậu quả. Chúng tôi bao lần rơi nước mắt trước cảnh những Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhận lại căn nhà tình nghĩa vừa được sửa chữa sau cơn bão; những thân nhân liệt sĩ trào nước mắt khi được giúp đỡ, thăm hỏi; hình ảnh bộ đội Cụ Hồ tỏa về vùng bão giúp dân khắc phục lại nhà, khám, chữa bệnh... Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre, số hộ gia đình chính sách bị thiệt hại nặng trong cơn bão số 9 là hơn 1.300 trường hợp. Bằng sự nỗ lực của địa phương và hỗ trợ của trên và cộng đồng, đến nay cơ bản các hộ chính sách đã ổn định cuộc sống, khắc phục lại nhà bị sập, hư hại. Hôm về huyện Mỏ Cày, chúng tôi được gặp Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nhơn, ở xã Thanh Tân. Mẹ Nhơn đã làm nhiều việc nghĩa cảm động, được nhiều người biết đến. Mẹ dành dụm trợ cấp chính sách để xây dựng một nhà tình nghĩa tặng một bà mẹ Việt Nam Anh hùng khác trong ấp; ủng hộ hàng chục triệu đồng làm công trình giao thông nông thôn, giúp quĩ khuyến học... Chúng tôi hỏi mẹ về những việc làm đó, mẹ cười móm mém, rồi trả lời:
- Mấy đứa con của tôi, đứa nào kinh tế cũng khá. Chúng nó đi làm việc ở TP Hồ Chí Minh, tháng nào cũng gửi tiền về chăm sóc. Khoản tiền chế độ chính sách của Nhà nước trợ cấp, tôi để dành đó giúp gia đình chính sách khác khó khăn hơn. Tiền đó cũng là của Nhà nước, của nhân dân, chứ đâu phải của tôi: “Láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau”, huống hồ họ lại cùng cảnh ngộ.
Cũng ở huyện Mỏ Cày, những ngày về công tác ở xã Thành An, chúng tôi cũng được gặp ông Bảy Bình (tên thật là Trần Văn Đởm) ở ấp Đông Thạnh, là thương binh hạng 1/4 . Ông Bảy Bình là một điển hình về vượt lên thương tật, vượt khó làm kinh tế giỏi, làm công tác từ thiện xã hội, được người dân cả vùng nể trọng, học tập. Ông Bình vốn lính đặc công của bộ đội địa phương năm xưa, bị thương nhiều lần. Đất nước thống nhất, ông mang trên mình hàng chục mảnh bom đạn. Đến nay, dù đã qua bao lần phẫu thuật, ông vẫn còn mang trên mình 17 mảnh đạn, trái gió trở trời lại đau. Mặc, ông Bình vẫn xông xáo làm việc nhà, việc thiện. Ông hỗ trợ vốn, con giống cho nhiều cựu chiến binh, thương binh trong xã, trong huyện để sản xuất, xóa nghèo. Ông đã đóng góp nhiều tiền xây cầu, làm đường giao thông; quĩ khuyến học; khắc phục hậu quả thiên tai. Người dân nơi đây không bao giờ quên, giữa lúc cơn bão số 9 xảy ra, cái dáng cao mảnh khảnh của ông Bảy Bình dùng xe chở mấy bao gạo che đậy kỹ càng đi trong mưa gió to lớn đến UBND xã và mang theo mấy triệu đồng nhờ chuyển cho các gia đình chính sách, hộ nghèo bị thiệt hại do bão, đã gây xúc động mạnh trong cán bộ và nhân dân địa phương. Chị Lê Thị Trang, Chủ tịch UBND xã Thành An, cho biết:
- Chú Bảy Bình là một gương sáng mẫu mực của xã. Việc làm, tấm lòng của chú tạo được sự lan tỏa lớn, huy động được nguồn nội lực của nhân dân. Nếu có vận động gì liên quan đến chăm lo cho gia đình chính sách là nhân dân ủng hộ ngay.
Hay như cựu chiến binh, thương binh Lý Hùng Chiến ở ấp Tân Long 2, xã Tân Thành Bình, luôn sáng ngời phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ. Nay đã ở tuổi 72, ông Chiến vẫn không ngơi nghỉ, nhiệt tình với công tác xã hội. Trong những năm qua, ông Chiến là người đứng ra vận động xây dựng hơn 50 cây cầu, làm hàng chục ki-lô-mét đường giao thông nông thôn, 10 căn nhà tình nghĩa, tình thương; tích cực tham gia tìm mộ liệt sĩ…
Hiệu quả cách làm sinh động trong công tác chính sách, Đền ơn đáp nghĩa ở Bến Tre chính là một cuộc vận động lớn, vừa sáng tạo, vừa cụ thể, đem lại hiệu quả cao, trở thành điển hình. Anh Võ Văn Đức, Phó phòng Nội vụ - Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Mỏ Cày tâm sự với chúng tôi:
- Kinh nghiệm giúp Mỏ Cày làm tốt công tác chính sách, phong trào Đền ơn đáp nghĩa lan rộng, có chiều sâu, đạt hiệu quả là nhờ phát huy được truyền thống; bám sát chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của tỉnh, có sự chỉ đạo kịp thời… Mỗi cấp, ngành hiểu rõ trách nhiệm của mình, huy động được sức mạnh tổng hợp. Ở mỗi địa phương, cơ sở đều có gương sáng để nhân dân học tập và làm theo.
Tuy nhiên, trên địa bàn huyện, số lượng gia đình chính sách rất lớn. Huyện vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, như: Một số hộ chính sách không có đất, khi chính quyền muốn chọn lựa để xây tặng nhà tình nghĩa rất khó, vì quĩ đất của huyện lại không có. Việc quản lý đối tượng chính sách ở một số xã còn nảy sinh hiện tượng cán bộ xã khoán trắng cho cán bộ chuyên ngành; cán bộ chuyên ngành lại hạn chế, yếu kém trong công tác chính sách, dẫn đến còn sai sót, ảnh hưởng đến quyền lợi của đối tượng chính sách.
Trong cuộc trao đổi cuối chuyến công tác của chúng tôi, đồng chí Cao Tấn Khổng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, bày tỏ:
- Phong trào Đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chế độ chính sách đối với người có công thời gian qua, tỉnh đạt nhiều kết quả cao là nhờ tinh thần trách nhiệm và sáng tạo của các cấp, các ngành liên quan, sự đồng cảm và sức mạnh của dân và quân toàn tỉnh, tạo được sự lan tỏa của tình yêu thương và trách nhiệm cộng đồng. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế-xã hội của Bến Tre còn khó khăn, đối tượng chính sách, người có công lại rất nhiều, do đó tỉnh tiếp tục thực hiện công tác chính sách, Đền ơn đáp nghĩa dựa trên 3 nguồn lực: Nhà nước, cộng đồng và cá nhân các đối tượng chính sách tự vươn lên. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh tuyên truyền toàn dân chăm sóc người có công sâu rộng hơn; tuyên dương, khen thưởng những cá nhân, đơn vị, tổ chức điển hình trong công tác Đền ơn đáp nghĩa, qua đó tạo sức lan tỏa về tình yêu thương, nghĩa tình và trách nhiệm đối với người có công cả trong và ngoài tỉnh. UBND tỉnh cũng sẽ tập trung tạo sự liên hệ, trao đổi chặt chẽ với các địa phương có điều kiện hơn, như TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội…; các tổ chức, đơn vị kinh tế lớn để có thể vận động, kêu gọi những nguồn kinh phí hỗ trợ. Đặc biệt chú trọng để các việc làm nghĩa tình, công tác chính sách thực sự có ý nghĩa, công khai, minh bạch, công bằng, tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, tạo niềm tin, khích lệ mọi tầng lớp nhân dân, các ngành, tổ chức trong và ngoài tỉnh cùng chung sức giúp quê hương Đồng Khởi chăm lo ngày càng tốt hơn cho gia đình chính sách, người có công, thực hiện được chủ trương của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công.
Bài, ảnh: TRUNG KIÊN, BÁ HIÊN