QĐND - “Cháu bà nội, tội bà ngoại”, “Hàng ngoại chất lượng cao”… Đó là những câu nói vui đã dần trở thành phổ biến trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của nhiều gia đình trẻ có chồng là bộ đội. Và có “thực mục sở thị” ở nhiều gia đình quân nhân, chúng tôi mới hiểu hết được tình cảm của những ông bố, bà mẹ dành cho con rể là bộ đội…
1. Cách đây hơn 2 năm, khi cô con gái từ Bình Dương báo tin vui: “Mẹ chuẩn bị lên chức bà ngoại”, bà Trần Thị Thư (61 tuổi, quê Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) vừa vui, vừa nghĩ: “Chồng nó là bộ đội làm sao có thời gian chăm sóc cho vợ được”. Suy nghĩ mấy ngày, bà Thư quyết định vào Bình Dương chuẩn bị đón đứa cháu ngoại chào đời.
Chồng mất khi bà còn trẻ, một mình nuôi con gái khôn lớn. Học xong phổ thông, Thương vào miền Nam làm công nhân, rồi nên duyên chồng vợ với anh bộ đội - Thiếu úy Bùi Quang Long (quê ở xã Sơn Lĩnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
 |
Tranh thủ thời gian, bà Thư nhận làm thêm góp phần tăng thu nhập giúp vợ chồng con gái.
|
Thương con gái chín, bà thương con rể mười. Bởi bà biết, nhiệm vụ của người lính ở thời kỳ nào thì cũng vất vả ngang nhau. Muốn con rể yên tâm công tác thì hậu phương phải vững chắc. Nghĩ thế, bà càng hết lòng chăm lo cho cô con gái và đứa cháu ngoại. Thấm thoắt, cháu ngoại đầu đã hơn 2 tuổi và cũng ngần ấy thời gian bà xa quê. Nhớ nhà, nhớ quê da diết nhưng đứa cháu ngoại thứ hai mới được 5 tháng tuổi nên bà không thể đành lòng về. Rồi một ngày được tin bố đẻ mất, bà Thư vội đón xe về quê chịu tang cha. Thương con gái một mình vất vả nuôi hai con nhỏ, bà bàn với các con đón cháu lớn về quê. Sau một năm, qua giỗ đầu của bố, bà lại tất tả cùng đứa cháu "hành quân" vào Nam để bố mẹ chúng đỡ phần vất vả.
Hôm chúng tôi ghé thăm căn phòng tập thể của vợ chồng anh Long, hai đứa cháu ngoại cứ tíu tít bên bà đòi nghe kể chuyện cổ tích. Ôm các cháu vào lòng, hai tay bà xoa lưng chúng rồi những câu chuyện “ngày xửa, ngày xưa” như lời ru ngọt ngào đưa hai cháu vào giấc ngủ. Hằng ngày, sau khi cho các cháu ăn uống và tắm giặt xong, bà còn tranh thủ nhận việc làm thêm giúp đỡ vợ chồng con gái.
Thiếu úy Bùi Quang Long tâm sự:
- Bố mất sớm, mẹ ở quê thì đau yếu nên không thể vào giúp vợ chồng tôi được. Còn tôi, do nhiệm vụ nên phải thường xuyên có mặt ở đơn vị. May thay, có bà ngoại vào trông các cháu, giúp đỡ chúng tôi cả về tinh thần lẫn vật chất, nên tôi rất an tâm công tác. Mẹ vợ thương tôi như con đẻ vậy. Nếu không có bà thì không biết tôi sẽ xoay xở như thế nào. Đối với tôi, mẹ vợ thật tuyệt vời!
2. Thương con gái vất vả, vừa công tác xã hội vừa nuôi hai con nhỏ vì chồng thường xuyên vắng nhà, vậy là bà Lê Thị Nhung (66 tuổi, ở phường Bắc Sơn, thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình) cũng lặn lội vào Bình Dương để đón đứa cháu ngoại đầu lòng về quê nuôi ăn học. Nhớ con lắm nhưng vợ chồng Thiếu tá Đặng Văn Hoàn (quê Yên Lộc, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) vẫn đành vui vẻ để gửi cậu con trai đầu "nhờ" ông bà ngoại chăm sóc giùm. Anh Hoàn tâm sự:
- Bố ốm nằm liệt một chỗ nhiều năm, nên mẹ tôi rất vất vả. Nhưng, may mắn thay, chúng tôi còn có ông bà ngoại giúp sức, nhất là chuyện chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu. Bởi thế, vợ chồng tôi thật sự yên tâm công tác và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
 |
Bà Nhung và cháu ngoại Đặng Hoàng Hải (ngày còn đi nhà trẻ)
|
Từ khi còn học mẫu giáo, bé Đặng Hoàng Hải (con trai anh Hoàn) đã được ông bà ngoại bế ẵm, chăm sóc chu đáo nên cũng quen với cảnh "vắng bố, thiếu mẹ". Mỗi dịp nghỉ hè, bà ngoại lại đưa bé Hải vào Nam thăm bố mẹ và cô em gái. Năm Hải lên lớp 3, anh Hoàn mới về quê xin phép bố mẹ vợ đón con trai vào ở hẳn với gia đình. Hôm chia tay, bé Hải cứ ôm chặt lấy bà ngoại khiến mọi người chứng kiến cứ rưng rưng cảm động trước tình cảm bịn rịn, lưu luyến của hai bà cháu.
Bé Hải kể:
- Ở nhà ngoại ai cũng yêu quý con! Ông ngoại thường làm đồ chơi cho con. Bà ngoại thì nấu nhiều món ăn con thích. Cứ chiều mát, ông bà lại dẫn con đi dạo công viên, thích lắm, chú ạ!
Nghe bé Hải hồn nhiên tâm sự, chúng tôi cũng vui lây với niềm vui của bé.
3. Em Nguyễn Thị Thùy Trang, con gái của Thiếu tá Nguyễn Văn Đức (quê ở xã Sơn Tân, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) thì cứ bá cổ bà ngoại và nói “Ngoại là nhất!”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, bố mẹ anh Đức mất từ khi hai con của anh còn quá nhỏ nên chúng chủ yếu được hưởng tình cảm từ bà ngoại.
 |
Bà Đào và cháu ngoại.
|
Từ ngày bà Hoàng Thị Đào (63 tuổi) rời quê nhà ở huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vào ở cùng gia đình con rể, anh Đức phấn khởi lắm. Vậy là từ nay, mọi việc lớn nhỏ của anh chị đều được mẹ vợ "tư vấn". Nhất là hai cháu được bà ngoại chăm sóc, nhắc nhở từ miếng cơm, ly nước đến việc học hành. Các cháu càng lớn thì việc bảo ban, dạy dỗ càng phức tạp hơn vì chúng đang ở độ tuổi mới lớn. Hằng đêm, cháu gái học lớp 11, cháu trai học lớp 9 thức khuya học bài, bà ngoại cũng thức cùng chúng để kịp thời chăm sóc bồi dưỡng sức khỏe cho hai cháu. Có đêm mất điện, trời lại nóng, bà cứ ngồi cạnh “gọi gió” giúp các cháu học bài.
Không chỉ đỡ đần việc nhà và chăm sóc các cháu giúp vợ chồng con rể, bà Đào còn rất mát tay trong việc chăn nuôi gia cầm. Nhìn đàn gà, vịt, ngan đang “nhộn nhịp” ở phía sau vườn, chúng tôi tấm tắc khen. Thấy vậy, cháu Trang thật thà nói:
- Thành quả của ngoại con đấy. Ngoại con giỏi lắm, cái gì cũng biết làm. Ngoại đúng là số một, ngoại nhỉ!
Bà Đào âu yếm nhìn cô cháu gái mắng yêu:
- Bố cô, chỉ được cái nói leo là giỏi!
Bài và ảnh: Phạm Văn Bằng