Có một cựu chiến binh đã ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, dáng mảnh khảnh, hay đội mũ cối, mặc quần áo bộ đội bạc màu. Hành trang của ông là chiếc xe đạp cà tàng, chiếc túi vải cũ sờn quai, trong đựng vài quyển sổ, một chai nước lọc, một lọ cơm khô. Ngày qua ngày, ông đạp xe hết nghĩa trang này đến nghĩa trang kia, tìm bia mộ ghi chép thông tin về liệt sĩ. Rồi ông viết thư báo tin cho các thân nhân gia đình liệt sĩ. Nhờ những nguồn tin quý giá của ông mà hàng nghìn gia đình đã biết phần mộ, tìm lại được hài cốt người thân. Ông là Lê Văn Cam (tức Lê Quang Thuấn) sinh năm 1937, ở thôn Đông Hạ, xã Vũ Phúc, thành phố Thái Bình. Đã 12 năm rồi, ông tình nguyện làm công việc thầm lặng này bằng lòng say mê và nghĩa tình đồng đội thiêng liêng. Mọi người thường gọi ông là “Quân bưu của những vong hồn liệt sĩ”.
Mắc nợ với đồng đội
Vì đâu một cựu chiến binh nghèo gần như nhất xã, không lương hưu, không trợ cấp, thu nhập chỉ trông vào ruộng khoán như ông lại có nghĩa cử cao đẹp ấy? Để trả lời cho câu hỏi và cũng để tìm hiểu con người đặc biệt này, chúng tôi đã tới thăm ông vào một ngày hè đầu tháng 7. Ngôi nhà mái bằng mới xây chưa kịp trát nằm trong một xóm nhỏ là nơi ở của vợ chồng ông Cam. Trời nóng như đổ lửa, ông đang xoay trần, hý hoáy bên dàn máy vi tính cũ. Thấy chúng tôi đến thăm, biết có ý định viết bài về mình, ông bày tỏ:
- Công việc tôi làm bình thường thôi! Là một người lính, may mắn thoát qua mưa bom bão đạn, được lành lặn trở về với vợ con nên tôi thấy mình còn mắc nợ với đồng đội nhiều lắm! Họ đã hy sinh thân mình để tôi được sống. Để trả món nợ này, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng bằng tất cả những gì có thể, tôi cố gắng tìm kiếm thông tin liệt sĩ một cách nhanh nhất, đỡ tốn kém nhất, để phần nào vơi bớt nỗi đau của các gia đình có người thân hy sinh ngoài mặt trận...
Nói rồi ông chỉ vào chiếc máy vi tính:
- Đây là quà của anh Nguyễn Đăng San, một thương binh ở Hạ Long (Quảng Ninh) tặng để tiếp sức cho tôi cập nhật thông tin liệt sĩ được tốt hơn. Tôi làm gì có tiền mà mua máy vi tính, tôi chỉ có cái thân già và lòng nhiệt huyết mà thôi. Cả cái nhà mái bằng mới xây này, cái máy in, cái ổn áp kia cũng là tiền đóng góp của những nhà hảo tâm, bạn đọc xa gần giúp đỡ đấy.
 |
Ông Lê Văn Cam và chồng vở hơn 100 cuốn ghi thông tin của gần 22.000 mộ liệt sĩ. |
Như minh chứng cho điều mình nói, ông mở một văn bản trong máy tính cho chúng tôi xem bảng danh sách dài những người đã ủng hộ ông, người vài ba chục nghìn đồng, người vài trăm nghìn đồng, người trên dưới triệu đồng. Tuy ngôi nhà mới làm được phần mộc, nhưng với vợ chồng ông như thế là hạnh phúc lắm rồi. Ông bảo:
- Trước kia, chúng tôi ở căn nhà dột nát, nay nhờ ơn các nhà hảo tâm, tôi đã có một nơi ở chắc chắn để yên tâm làm công việc này. Đây cũng là nơi để tôi tiếp đón thân nhân các gia đình liệt sĩ khắp mọi miền đất nước về trao đổi thông tin...
Và những con số kỷ lục
Cựu chiến binh Lê Văn Cam nhập ngũ tháng 3 năm 1959, là chiến sĩ thông tin trung đoàn 52, Sư đoàn 320, Quân khu Tả Ngạn. Đến năm 1960, ông chuyển về lữ đoàn 330 ở Sao Vàng, Thanh Hóa. Hết nghĩa vụ, ông chuyển ngành về Công ty bách hóa công nghệ phẩm Lai Châu. Năm 1967 ông tái ngũ vào khung huấn luyện tiểu đoàn 7, thuộc Quân khu Tây Bắc. Sau đó ông chuyển sang Lào chiến đấu theo từng mùa chiến dịch. Trong thời gian chiến đấu ở chiến trường Lào, ông còn làm nhiệm vụ chôn cất liệt sĩ sau mỗi trận đánh. Đã nhiều lần ông gạt nước mắt tiễn đưa đồng đội, nhất là liệt sĩ Trịnh Bá Trân, quê Thanh Hóa. Anh Trân đang đứng chiến đấu dưới công sự cá nhân, đạn cối nổ ngay trước mặt và hy sinh. Vì trong chiến tranh không ghi chép cẩn thận, không báo tin cho gia đình anh được, ông cứ trăn trở mãi. Đất nước thống nhất 20 năm, ông mới có điều kiện làm cái công việc mà ông cho là mình còn mắc nợ với đồng đội. Ông đi mãi, đi mãi qua các nghĩa trang ở Điện Biên, Thanh Hóa, Tây Ninh, thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thậm chí cả nghĩa trang đảo Phú Quốc... Có những ngày ông đạp xe hàng trăm cây số, lương thực mang theo chỉ là chai nước lọc và lọ cơm khô mà người vợ tảo tần đã chuẩn bị cho. Chính từ những chuyến đi như thế, ông đã tỉ mẩn ghi chép lại các địa chỉ mộ chí tại các nghĩa trang đó. Rồi ông về nhà tổng hợp vào hơn 100 quyển sổ được đánh thứ tự ABC rất khoa học, tiện tra cứu. Sau đó ông biên thư báo tin tới các gia đình liệt sĩ. Lúc đầu chỉ vài chục, vài trăm lá thư gửi đi, sau là hàng nghìn thư. Điều đáng khâm phục là ông đã thu thập bằng nhiều nguồn tin được gần 22.000 địa chỉ thông tin về mộ liệt sĩ của 64 tỉnh, thành phố trong cả nước...
- Bằng cách nào ông có được một con số “kỷ lục” ấy? Chúng tôi tò mò hỏi.
- Ngoài việc đạp xe tới các nghĩa trang ghi chép, tôi còn kết bạn với các bạn trẻ khắp đất nước, đặc biệt là các tỉnh có nhiều nghĩa trang liệt sĩ. Sau khi đã trở nên thân quen, tôi nhờ họ ghi chép thông tin phần mộ chí của liệt sĩ rồi gửi về cho mình. Ngoài ra, tôi còn cập nhật ở chương trình “Thông tin những người con hy sinh vì Tổ quốc” của đài Tiếng nói Việt Nam, mục “Nhắn tìm đồng đội” của đài Truyền hình Việt Nam, báo Quân đội nhân dân và báo Cựu chiến binh... Bằng những cách làm như thế, mỗi ngày, mỗi tháng, tôi làm đầy thêm “kho” địa chỉ liệt sĩ của mình. Có một cách tôi cho là thiết thực nhất là sau khi nhận tin, các gia đình vào nghĩa trang tìm được hài cốt liệt sĩ, lại ghi chép hàng trăm địa chỉ mộ chí liệt sĩ khác gửi về cho tôi. Đó là món quà vô giá thay cho lời cảm ơn của các gia đình, thân nhân liệt sĩ.
Tính từ năm 1995 đến nay, ông đã gửi đi khoảng 14.000 lá thư và giúp được hàng nghìn gia đình tìm được hài cốt người thân hy sinh ngoài mặt trận.
- Một con số thật lớn! Không lương, không thu nhập, vậy ông lấy đâu ra tiền mua tem và phong bì, giấy bút gửi đi cho hàng nghìn gia đình liệt sĩ và còn viết thư kết bạn với hàng trăm nam nữ trên cả nước nữa? Chúng tôi hỏi.
- Đấy là cả một vấn đề. Lúc đầu tem chỉ có 400 đồng, có ít tiền nào con cháu biếu tôi đều dành mua tem; cả tiền huân, huy chương của mình được hơn hai triệu đồng tôi cũng dành vào việc này. Sau tem tăng giá lên 800 đồng, không còn cách nào khác, tôi đánh liều gửi không tem, ngoài phong bì ghi “Thư kính biếu thông tin liệt sĩ”. Thư không dán, bên trong nội dung đúng như vậy, xét thấy tôi không có vụ lợi gì, nên bưu điện vẫn chuyển đi. Nhưng nay thì khác rồi, tôi đã dán tem đàng hoàng và công khai tên mình ngoài bì thư...
Kết quả từ những tấm lòng nhân ái
Để có được kết quả như ngày hôm nay, ông cho biết nhờ rất nhiều vào các cơ quan ngôn luận. Sau khi biết tin, họ đã về viết bài, chụp ảnh, quay phim. Độc giả cả nước rất xúc động về việc làm nhân nghĩa của ông. Nhiều người đã gửi tem về giúp ông tiếp tục công việc này. Từ các em nhỏ tận thành phố Hồ Chí Minh, nhịn ăn quà sáng, tới những cụ ông, cụ bà bảy, tám mươi tuổi, cả những chị giúp việc sau khi biết về ông cũng gửi giúp vài chục con tem. Có những độc giả gửi vài trăm con tem mà không hề cho biết địa chỉ. Đài Truyền hình Thái Bình có phóng sự “Quân bưu của những vong hồn liệt sĩ” nói về ông, tham dự liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2005 tại Quảng Ninh đã đạt huy chương vàng. Sau khi phóng sự này trình chiếu, một tổ chức từ thiện ở Quảng Ninh đã về mang theo cả thùng quần áo và tiền quyên góp được để ông mua chiếc xe đạp mới. Số tiền đó ông dành mua tem hết để rồi vẫn gắn bó với chiếc xe đạp cũ của mình.
Thật là cảm động! Còn biết bao tấm lòng hảo tâm khác đã viết thư động viên cả về tinh thần và vật chất để giúp ông tiếp tục thực hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, để những dòng địa chỉ ấy ngày một dài thêm. Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi nguyện vọng của ông. Ông nói:
- Quỹ thời gian của tôi chẳng còn được là bao. Còn sống ngày nào tôi còn tiếp tục làm công việc này. Tôi ước muốn có một chiếc điện thoại đa chức năng vừa tiện liên lạc vừa chụp ảnh, ghi âm... để mỗi lần tới nghĩa trang tôi lưu lại hình ảnh mộ liệt sĩ và đưa vào máy vi tính. Khi thân nhân, gia đình liệt sĩ nhận được thư mà tìm đến, tôi sẽ mở cho họ xem để thêm phần tin tưởng...
Ước muốn của người “Quân bưu” cũng không ngoài mục đích làm việc nghĩa. Người viết bài này xin chuyển nguyện vọng đó tới những nhà hảo tâm, bạn đọc gần xa, các tổ chức từ thiện... Mong rằng tất cả những ai quan tâm đến việc làm sâu nặng tình người, tình đồng đội này cùng chung tay tiếp sức với ông.
Bài và ảnh: Nhâm Sĩ Phúc