Các bên tại Xy-ri tham gia thỏa thuận ngừng bắn có thể thông báo tới Mỹ và Nga trong thời hạn từ khi hai nước công bố về thỏa thuận cho đến trưa 26-2. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Tổng thống Nga V.Pu-tin có cuộc điện đàm vào ngày 22-2. Nhà Trắng cho biết, thỏa thuận ngừng bắn do phía Nga yêu cầu. Còn Tổng thống V.Pu-tin cho rằng, đây là “cơ hội cuối cùng” để chấm dứt nhiều năm nội chiến và tình trạng bạo lực ở Xy-ri.

Đáng chú ý, cùng ngày 22-2, trên trang web của Điện Crem-li đã đăng tải bản phụ lục Tuyên bố chung về lệnh ngừng bắn tại Xy-ri giữa Nga và Mỹ với tư cách đồng Chủ tịch Nhóm Quốc tế ủng hộ Xy-ri. Theo ITAR-TASS, một trong những nội dung của phụ lục nêu rõ, lực lượng không quân Nga sẽ chấm dứt không kích các nhóm vũ trang đối lập tại Xy-ri được các bên tham gia lệnh ngừng bắn công nhận và gửi thông báo tham gia thỏa thuận ngừng bắn cho Nga và Mỹ. Phụ lục cũng quy định máy bay của không quân Xy-ri cũng phải ngừng không kích các nhóm vũ trang đối lập này bằng tất cả các loại vũ khí. Ngược lại, các nhóm này cũng phải có nghĩa vụ ngừng tấn công bằng mọi loại vũ khí vào quân đội Chính phủ Xy-ri và các lực lượng ủng hộ.

Bản phụ lục quy định các bên tham gia thỏa thuận ngừng bắn phải tuân thủ Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về tiến trình chính trị ở Xy-ri dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc; ngừng xâm chiếm và âm mưu xâm chiếm lãnh thổ mà các bên khác đang nắm giữ; cho phép các tổ chức nhân đạo tiếp cận nhanh, an toàn, không bị cản trở các vùng do mình kiểm soát; chỉ sử dụng vũ lực vì mục đích tự vệ.

Các tay súng thuộc lực lượng Dân chủ Xy-ri chiến đấu chống lại phe nổi dậy ở ngoại vi thị trấn An Sa-đa-di. Ảnh: Roi-tơ 
Tuyên bố chung nói trên của Nga và Mỹ đã nhận được sự hoan nghênh của dư luận quốc tế. Anh, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ sự hoan nghênh đối với thỏa thuận ngừng các hoạt động quân sự tại Xy-ri. Trong một tuyên bố, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki-moon) bày tỏ tin tưởng rằng, nếu được tôn trọng, thỏa thuận ngừng bắn sẽ thúc đẩy đáng kể việc thực thi Nghị quyết 2254, theo đó Liên hợp quốc có thể đóng vai trò tích cực hơn nhằm thúc đẩy các bên tại Xy-ri tham gia đàm phán về các vấn đề như: Quá độ chính trị, thực thi khung thời gian của lệnh ngừng bắn, soạn thảo hiến pháp mới và tiến hành bầu cử. Ông Ban Ki Mun kêu gọi các bên tuân thủ những điều khoản của thỏa thuận ngừng bắn và cho biết, Văn phòng Đặc phái viên Liên hợp quốc về Xy-ri sẵn sàng hỗ trợ việc thực thi thỏa thuận tại cả trên thực địa ở Đa-mát lẫn ở Giơ-ne-vơ. Liên hợp quốc cũng sẽ trông đợi vào sự hợp tác của các nước và tổ chức tham gia tạo cơ chế thực thi thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm để bảo đảm thỏa thuận được thực thi.

Thực tế là triển vọng thực thi và duy trì lệnh ngừng bắn ở Xy-ri không mấy khả quan. Phía I-xra-en đã bày tỏ nghi ngờ khả năng duy trì lệnh ngừng bắn mới tại Xy-ri vì không bao gồm IS và Mặt trận An Nu-xra. Trong khi đó, sau khi Nga và Mỹ ra Tuyên bố chung, phe đối lập ở Xy-ri cũng đặt ra các điều kiện để chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, đó là phải dỡ bỏ bao vây, phóng thích tù nhân, ngừng ném bom dân thường và phân phát hàng cứu trợ nhân đạo.

Trong một diễn biến tích cực liên quan tới tình hình Xy-ri, ngay sau khi Nga và Mỹ nhất trí về thời gian áp dụng lệnh ngừng bắn ở Xy-ri, Tổng thống nước này An Át-xát đã thông báo bầu cử Quốc hội ở Xy-ri sẽ được tổ chức vào ngày 13-4 tới. Hãng thông tấn nhà nước SANA của Xy-ri cho biết, Tổng thống An Át-xát đã ban hành một sắc lệnh, trong đó có việc phân bổ số ghế cho từng tỉnh, thành phố trên cả nước.

XUÂN PHONG