Đồng chí NGUYỄN TRUNG KIÊN, Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc:

Mục tiêu cụ thể, giải pháp đồng bộ

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc đã đề ra một số mục tiêu cụ thể: 100% cán bộ đoàn, đoàn viên được học tập, quán triệt và hơn 80% thanh niên được tuyên truyền về nghị quyết đại hội đảng các cấp, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng 40 mô hình, giải pháp tư vấn giúp đỡ, hỗ trợ thanh, thiếu niên yếu thế; trồng mới ít nhất 60.000 cây xanh; hỗ trợ vay vốn ít nhất 400 tỷ đồng cho thanh niên làm kinh tế; tư vấn hướng nghiệp cho 30.000 lượt thanh, thiếu niên; giới thiệu việc làm cho 5.000 thanh niên; xây dựng mới ít nhất 30 điểm sinh hoạt, vui chơi cho thanh, thiếu nhi; hỗ trợ, giúp đỡ 4.000 thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn; giới thiệu ít nhất 2.000 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp...

leftcenterrightdel
Một góc TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: THUẬN BÙI 

Để hoàn thành các mục tiêu nêu trên, chúng tôi sẽ triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai chương trình hành động của Đoàn thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chủ động, tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền trong việc tham gia thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế-xã hội tại địa phương; triển khai hiệu quả các Phong trào “Sinh viên 5 tốt”, “Học sinh 3 tốt”, “Học sinh 3 rèn luyện”; đẩy mạnh triển khai Chương trình “Thanh niên Vĩnh Phúc khởi nghiệp”; tổ chức hội thảo thực tế, tạo điều kiện để các câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp đi tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế thanh niên thành công trong tỉnh... Bên cạnh sự nỗ lực, tinh thần xung kích tình nguyện của đội ngũ cán bộ đoàn và đoàn viên, thanh niên, để hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi rất cần sự quan tâm tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp.

PHƯƠNG HIỀN (ghi)

--------------------

Đồng chí ĐẶNG NGỌC CƯỜNG, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định:

Chú trọng cải cách hành chính

Với sự chuẩn bị bài bản và công phu, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã thành công, tiếp tục ghi dấu ấn mới, nhất là đưa ra những chủ trương, quyết sách đúng đắn lãnh đạo đất nước phát triển nhanh và bền vững. Trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền huyện Xuân Trường tiếp tục tập trung tuyên truyền, quán triệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Huyện chú trọng cải cách hành chính, nhất là tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức; từng bước hiện đại hóa nền hành chính và công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước... Đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, vững chắc, hiệu quả trong công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương...

DƯƠNG SAO (ghi)

--------------------

Đồng chí HUỲNH HỮU PHƯỚC, Phó bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ (Đăk Tô, Kon Tum):

Tập trung giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn

Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương, quyết sách đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Ngọc Tụ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng.

Xã Ngọc Tụ là địa phương còn nhiều khó khăn, với phần lớn người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông-lâm nghiệp; công nghiệp và thương mại-dịch vụ-du lịch chậm phát triển. Thời gian tới, xã sẽ tập trung vào vấn đề đào tạo nghề, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông thôn, tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế như: Hỗ trợ trồng rừng, bảo vệ rừng; hỗ trợ phát triển sản xuất, kết nối tiêu thụ hàng hóa giữa vùng dân tộc thiểu số với thị trường trong nước và quốc tế... Hiện nay, xã Ngọc Tụ đã đạt 17/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu về đích nông thôn mới vào cuối năm 2021. 

ÁI VÂN (ghi)

--------------------

Ông NGUYỄN ĐỨC THÀNH, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh và Chi hội Người cao tuổi thôn Giai Lệ, xã Lệ Xá (Tiên Lữ, Hưng Yên):

Đối tượng chính sách ngày càng được quan tâm đầy đủ, kịp thời

Nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều cựu chiến binh ở địa phương chúng tôi được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội và đã thoát nghèo, góp phần thay đổi diện mạo làng quê; nhiều người có công và thân nhân người có công đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế, có thêm điều kiện chăm sóc sức khỏe... Ngoài chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, tỉnh Hưng Yên còn có một số cơ chế đặc thù giúp người nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội cải thiện đời sống, tiếp cận tốt hơn những dịch vụ cơ bản như: Hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người cận nghèo, người khuyết tật; thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng cho người từ đủ 75 tuổi đến dưới 80 tuổi; nâng mức hỗ trợ cho đối tượng sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội... Từ các chính sách cụ thể nói trên và thực tế đời sống người dân cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ngày càng phát triển, cuộc sống người dân ngày càng ấm no, đủ đầy, đối tượng chính sách ngày càng được quan tâm. 

ĐỨC TUẤN (ghi)

--------------------

Bà NGUYỄN THỊ TỪ, thôn Văn La, xã Văn Võ (Chương Mỹ, Hà Nội):

Quê hương không ngừng đổi mới

Đối với người dân chúng tôi, thành công của mỗi kỳ Đại hội Đảng được thể hiện qua việc đời sống ngày càng nâng cao; tình hình an ninh, chính trị ổn định. Trải qua 91 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, quê hương đất nước không ngừng đổi mới, phát triển về mọi mặt. Xã Văn Võ cũng không nằm ngoài guồng quay đó. Cách đây hơn 10 năm, con đường vào xã đi qua sông Đáy chỉ là chiếc cầu phao được bắc tạm. Vào mùa mưa lũ, có khi cầu bị nước cuốn trôi, gây rất nhiều khó khăn trong việc đi lại của người dân. Giờ đây, cầu phao đã được thay thế bằng cầu bê tông rộng tới cả chục mét. Giao thông đi lại thuận lợi, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội ở địa phương phát triển toàn diện. Thời trước, chúng tôi chỉ ở nhà tranh vách đất, quanh năm lo cái ăn. Hiện nay, 100% nhà dân trong xã đã được xây dựng kiên cố. Cách đây 3 năm, gia đình tôi cũng đã xây được nhà 3 tầng... Với những gì đã và đang diễn ra trên quê hương, chúng tôi luôn vững tin và một lòng đi theo Đảng. 

ĐĂNG KHOA (ghi)