Nhiều chuyển biến tích cực

Theo báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long khóa X (nhiệm kỳ 2015-2020), trong giai đoạn này, Đảng bộ và nhân dân tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó nổi bật có lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Ông Lữ Quang Ngời, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Sản xuất nông nghiệp của tỉnh từng bước được chuyển dịch theo hướng chất lượng và ứng dụng khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ. Tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng được nhiều thương hiệu chất lượng cho sản phẩm như: Khoai lang Bình Tân, bưởi Năm Roi Bình Minh và hơn 20 nhãn hiệu nông sản, hàng hóa. Hệ thống thủy lợi trong tỉnh được đầu tư, nâng cấp theo hướng đa mục tiêu, thích ứng biến đổi khí hậu; hệ thống cung cấp thông tin, phân tích, dự báo thị trường nông sản được hình thành, góp phần định hướng cho hoạt động sản xuất và kinh doanh nông sản đạt hiệu quả. Năm 2020, giá trị sản xuất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản ước đạt 240 triệu đồng/ha canh tác, gần gấp đôi so với năm 2015. Tỉnh Vĩnh Long cũng đã củng cố, thành lập và đổi mới hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp theo hướng liên kết chặt chẽ giữa hộ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, làng nghề với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị, góp phần tăng lợi nhuận cho cơ sở từ 10% đến 20%.

Nông dân xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch bưởi Năm Roi.

Các chương trình hành động chuyên đề được Tỉnh ủy Vĩnh Long khóa X triển khai thực hiện tạo nên nhiều chuyển biến tích cực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tỉnh Vĩnh Long tập trung giảm nghèo đa chiều theo hướng bền vững, bình quân hằng năm giảm hơn 1% hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện còn 1,16% (khoảng 3.420 hộ). Công tác an sinh xã hội được quan tâm đặc biệt, chính sách đối với người có công và các đối tượng xã hội được thực hiện tốt; cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, giáo dục được đầu tư ngày càng hoàn thiện, hiện đại, đáp ứng cơ bản nhu cầu khám, chữa bệnh, học tập của người dân. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Long đã huy động được hơn 3.700 tỷ đồng, 87 xã trong tỉnh, bình quân mỗi xã đạt 16,3 tiêu chí và không còn xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Kỳ vọng mới

Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp của từng lĩnh vực để tập trung chỉ đạo nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đạt kết quả cao nhất.

Ở lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tỉnh Vĩnh Long tiếp tục thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân từ 2% đến 2,5%/năm; giá trị sản xuất trồng trọt, nuôi trồng thủy sản trên 1ha canh tác năm 2025 đạt 280 triệu đồng. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, đa dạng, theo yêu cầu của thị trường. Phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nhân rộng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho nuôi trồng thủy sản, phát triển và xây dựng mạng lưới cung ứng giống thủy sản; tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông-thủy sản và hoạt động khởi nghiệp trong nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Thời gian tới, Vĩnh Long tập trung mời gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hình thành, phát triển các cụm động lực công nghiệp-nông nghiệp-dịch vụ ở nông thôn; huy động, lồng ghép các nguồn lực nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn; phát triển hài hòa, kết nối không gian phát triển bền vững giữa nông thôn với đô thị.

Theo ông Phạm Tứ Phương, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, sự phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản và tiêu thụ hàng hóa nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Ngành công thương tỉnh đang đẩy mạnh công tác xúc tiến, mời gọi đầu tư, nhất là những nhà đầu tư chiến lược, những dự án đầu tư quy mô lớn, mang tính động lực thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng phát triển; phát triển kết cấu hạ tầng thương mại gắn với tiêu thụ nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ và phát triển thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản.

Ông Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho rằng, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt các khâu đột phá như: Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là nguồn nhân lực lãnh đạo, quản lý và lao động có tay nghề cao; tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, trọng tâm là kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào đô thị, thương mại, nông nghiệp chất lượng cao, công nghiệp chế biến và dịch vụ du lịch.

Bài và ảnh: HỒNG ĐĂNG