Điểm nổi bật của Chị thị 24 là Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã đưa ra gợi ý với 25 biểu hiện vi phạm kỷ cương, kỷ luật, trách nhiệm giải quyết công việc trong hệ thống chính trị TP Hà Nội với 3 nhóm: Nhóm các biểu hiện vi phạm kỷ luật, kỷ cương; nhóm các biểu hiện né tránh, đùn đầy, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ; nhóm biểu hiện vi phạm trong việc thực hiện cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo. Việc triển khai chỉ thị được gắn với giải quyết việc khó, việc mới, trở thành một trong những kênh đánh giá năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
|
|
Lãnh đạo TP Hà Nội kiểm tra công tác chuẩn bị vật tư y tế hỗ trợ cho người dân vùng lũ bị ảnh hưởng do bão số 2 (tháng 7-2024) tại xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ. Ảnh: PHAN LÂM |
Quán triệt, triển khai Chỉ thị 24, ban thường vụ các quận, huyện, thị xã sớm ban hành kế hoạch thực hiện; có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả để nhanh chóng đưa chỉ thị đi vào thực tiễn. Huyện ủy Ứng Hòa đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu chỉ thị bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp, thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên tham gia. Tại huyện Mê Linh, để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, nhiệm vụ của từng cấp ủy, chính quyền từ huyện tới cơ sở trong giải quyết công việc, bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và rõ hiệu quả”.
Với Ban Thường vụ Quận ủy Long Biên đã cụ thể hóa 25 biểu hiện trong chỉ thị thành 41 biểu hiện nhận diện vi phạm đối với cán bộ lãnh đạo quản lý và 36 biểu hiện nhận diện vi phạm đối với công chức để nhận diện vi phạm sâu, sát đến từng nhóm cán bộ, qua đó sớm tìm ra hướng khắc phục. Trên cơ sở đó, cán bộ quản lý phải xây dựng kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện và kết quả thực hiện là một kênh thông tin quan trọng đánh giá cán bộ. Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Quận ủy Long Biên còn tham mưu, đề xuất các đối tượng cần được nhận diện thường xuyên...
Để triển khai Chỉ thị 24 đạt hiệu quả cao, Ban Thường vụ Quận ủy Long Biên tiến hành lấy phiếu đánh giá đối với từng cán bộ tại địa phương, đơn vị. Qua việc lấy phiếu đánh giá, có thể nhận thấy những góp ý của cơ sở rất trúng, đúng, chân thành và khách quan. Với những cán bộ có nhiều ý kiến góp ý, phê bình, cấp ủy các cấp sẽ tiến hành gặp gỡ trực tiếp, trao đổi thông tin và xây dựng kế hoạch khắc phục khuyết điểm. Bên cạnh đó, từ những phản ánh của nhân dân được thẩm định, Ban Thường vụ Quận ủy Long Biên sẽ bàn bạc, thảo luận và có hướng bố trí, sắp xếp lại cán bộ trên địa bàn.
Lãnh đạo quận Long Biên cho biết, Quận ủy đã quán triệt nghiêm túc Chỉ thị 24; đổi mới lề lối làm việc, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu theo hướng bám sát địa bàn, sâu sát cơ sở; tập trung thực hiện nhiệm vụ mới, khó, nhiệm vụ trọng tâm; khuyến khích đổi mới sáng tạo; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, đi đôi với phân cấp, ủy quyền và cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân... Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 24 được tăng cường hơn. Qua kiểm tra, đã chỉ rõ những hạn chế và yêu cầu một số tổ chức đảng và đảng viên rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch khắc phục khuyết điểm.
Tại nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương của TP Hà Nội, cấp ủy các cấp rất coi trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 24. Đơn cử như Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ đã thành lập đoàn kiểm tra đột xuất 10 đơn vị và 1 đoàn giám sát đối với 1 tổ chức đảng và 2 đảng viên. Qua kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện một số tổ chức đảng và đảng viên vi phạm các biểu hiện nhận diện. Tại huyện Đan Phượng, riêng trong năm 2023 đã thực hiện 138 lượt kiểm tra công vụ, kiểm tra cải cách hành chính, thủ tục hành chính. Toàn huyện triển khai 40 sáng kiến, mô hình, trong đó nhiều mô hình hoạt động hiệu quả được thành phố ghi nhận, như mô hình lập trang Zalo Official trong công tác cải cách hành chính...
Sau một năm triển khai, thực hiện Chỉ thị 24 đã thực sự lan tỏa tới từng cán bộ, công chức, đảng viên trên toàn thành phố với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả và đúc rút được nhiều kinh nghiệm. Việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 24 không chỉ góp phần tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng mà còn tạo nền tảng quan trọng, giúp mỗi địa phương, đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân. Với sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đã nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân trên địa bàn; góp phần quan trọng giúp chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của TP Hà Nội xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm tăng 9 bậc so với năm 2022 (xếp thứ 21/63).
NGUYỄN KIÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.