Trong những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong việc nhận định, đánh giá đúng tình hình; chuẩn bị chu đáo, toàn diện về tư tưởng, tổ chức, lực lượng, phương tiện bảo đảm cho nhiệm vụ SSCĐ bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng; thực hiện đúng phương châm, xử lý bình tĩnh, nhanh nhạy, khôn khéo; chỉ huy điều hành, xử lý các tình huống kiên quyết, kịp thời, đúng đối sách với các hành vi xâm phạm vùng biển, đảo của Việt Nam để vừa giữ vững chủ quyền, vừa giữ vững môi trường hòa bình và mối quan hệ hữu nghị với các nước.

Ảnh minh họa. Nguồn:danvan.vn

Trong điều kiện tình hình trên Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng, an ninh (QPAN) trên biển liên tiếp xảy ra, do vậy, vấn đề giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, dân tộc là trách nhiệm chính trị vô cùng to lớn. Trong đó, phát huy sức mạnh tổng hợp, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo đảm hiệu quả là then chốt. Như chúng ta đã biết, phát huy sức mạnh tổng hợp là nét đặc trưng trong truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc, là quan điểm cơ bản của Đảng và Nhà nước ta, nhằm động viên, quy tụ, phát huy cao độ sức mạnh của các nhân tố chính trị, tinh thần, tư tưởng, văn hóa, QPAN, kinh tế, đối ngoại; sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân và cả hệ thống chính trị, tạo ra sức mạnh tổng hợp to lớn để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, trong đó có chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Để thực hiện được mục tiêu trên, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ quyền biển, đảo. Đây là việc rất quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, giáo dục, định hướng tư tưởng, hành động,... giúp cho mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên thế giới hiểu sâu sắc, đầy đủ về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển, đảo theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Hiến pháp, pháp luật Việt Nam hiện hành. Nội dung tuyên truyền cần bảo đảm đầy đủ, toàn diện, có tính pháp lý cao, phù hợp với tình hình thực tiễn, đúng định hướng, nhất là tập trung làm nổi bật các bằng chứng lịch sử mà người Việt Nam đã sinh sống, xác lập chủ quyền đối với các vùng biển, đảo từ nghìn đời nay.

Giải pháp đặc biệt quan trọng trong giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc thời kỳ hội nhập, quốc tế hóa ngày càng sâu rộng hiện nay là kết hợp chặt chẽ các hình thức, biện pháp chính trị, pháp lý, ngoại giao, kinh tế, QPAN trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tranh chấp chủ quyền biển, đảo là vấn đề hết sức phức tạp, nhạy cảm, dễ xảy ra xung đột giữa các nước trong khu vực và thế giới. Nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, chúng ta cần phải phát huy sức mạnh của toàn dân, đấu tranh toàn diện, có chủ trương nhất quán, kế hoạch chỉ đạo tập trung, thống nhất trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, pháp lý, kinh tế, quốc phòng... Để kết hợp đấu tranh hiệu quả, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật biển; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, phù hợp với đường lối đối ngoại “độc lập, tự chủ” của Đảng ta; chú trọng thực hiện gắn phát triển kinh tế-xã hội với tăng cường QPAN và hoạt động đối ngoại; nâng cao hiệu quả hợp tác, hội nhập quốc tế về biển; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích hợp pháp, chính đáng trên các vùng biển, đảo; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển...

Những năm gần đây, tình hình tranh chấp chủ quyền trên các vùng biển của nước ta diễn ra khá phức tạp, khó lường, vì thế cần tiếp tục quan tâm xây dựng các lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo bảo đảm vững mạnh; tăng cường tiềm lực, thế trận bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới. Thực tiễn cho thấy, chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán trên các vùng biển, đảo của nước ta chỉ có thể được bảo vệ vững chắc khi tiềm lực, thế trận và sức mạnh của đất nước được tăng cường, có đủ khả năng xử lý tốt mọi tình huống xảy ra. Điều đó đặt ra vấn đề cần tập trung xây dựng các lực lượng: Hải quân nhân dân Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ biển... vững mạnh, đủ sức hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Muốn vậy, chúng ta phải tập trung xây dựng các lực lượng nêu trên có số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp cao, lấy chất lượng chính trị làm cơ sở; chú trọng nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật, trình độ hiệp đồng tác chiến giữa các lực lượng, bảo đảm khả năng xử lý linh hoạt và hiệu quả các tình huống có thể xảy ra trên biển, đảo. Đảng và Nhà nước, quân đội cần quan tâm đầu tư đúng mức công tác bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho các lực lượng nòng cốt như Hải quân và Cảnh sát biển phù hợp với xu thế phát triển trong khu vực và yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị. Bên cạnh đó, các lực lượng cần thường xuyên tăng cường luyện tập các phương án, kế hoạch hiệp đồng tác chiến trên biển, đảo; chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực, tàu, thuyền, phương tiện... vừa bảo đảm SSCĐ tốt nhất, vừa tăng cường sự hiện diện trên thực địa, hỗ trợ và làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp trong đấu tranh bảo vệ, giữ vững chủ quyền các vùng biển, đảo của Tổ quốc.

Trong tình hình hiện nay, các nước trong khu vực và trên thế giới giải quyết vấn đề biển, đảo theo xu thế hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển. Thế nên, chúng ta cần phải kiên trì giải quyết các tranh chấp biển, đảo bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đồng thời kết hợp tốt công tác tổ chức và công tác chính sách trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đối với các bất đồng, tranh chấp trên Biển Đông, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là: Đấu tranh kiên trì, kiên quyết bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các cam kết mà Việt Nam là thành viên; tiếp tục khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; kiên định bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông... Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện và các điều kiện bảo đảm cho các vùng biển, đảo phù hợp với thực tiễn, đủ khả năng đấu tranh trên thực địa, bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta. Các địa phương ven biển, trực tiếp quản lý đảo và các quần đảo chủ động tham mưu cho Đảng, Nhà nước sử dụng các nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và phát huy tinh thần “xã hội hóa” để cùng quân, dân cả nước hướng về biển, đảo. Bên cạnh đó Đảng và Nhà nước cần tiếp tục có các chính sách chăm lo đối với các lực lượng làm nhiệm vụ và nhân dân trên các tuyến biển, đảo.

Chuẩn đô đốc MAI TRỌNG ĐỊNH, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Vùng 3 Hải quân