Trong những nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đề ra, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xác định là "nhiệm vụ then chốt", trong đó công tác cán bộ (CTCB) là "then chốt của then chốt"... Với quyết tâm chính trị rất cao, mặt công tác này đã thu gặt nhiều thành quả quan trọng, nổi bật.

Đặc biệt coi trọng công tác cán bộ

Công tác xây dựng Đảng là nội dung rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và uy tín của Đảng. Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta ban hành nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện tốt nội dung này. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định: “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ”.

Như vậy, so với các văn kiện trước đây, tư duy của Đảng có sự phát triển mới khi bổ sung, nhấn mạnh CTCB vào nội hàm, nội dung của công tác xây dựng Đảng. Nói cách khác, so với 4 thành tố (chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức) được Đại hội XII của Đảng xác định, thì đến Đại hội XIII đã có sự bổ sung thành tố “cán bộ”, cho thấy nhận thức của Đảng về vị trí, vai trò của CTCB ngày càng đầy đủ, sâu sắc; đồng thời thể hiện tính chất cần kíp phải quan tâm lãnh đạo mặt công tác này trước yêu cầu mới.

leftcenterrightdel
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu với cử tri tại quận Đống Đa. Ảnh: TTXVN 

Lý giải về điều này, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương cho rằng, sự nghiệp cách mạng của Đảng, của đất nước đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ (ĐNCB) có đủ phẩm chất, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ được giao. ĐNCB tốt thì mới đổi mới được phương thức lãnh đạo tốt, kịp thời, hiệu quả. Vì vậy, xây dựng ĐNCB phải luôn được xem là xương sống trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Và muốn đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, phải có ĐNCB xứng tầm, được bố trí đúng năng lực, sở trường, chuyên môn...

Việc coi trọng và đặt CTCB ngang tầm với các thành tố khác trong công tác xây dựng Đảng chính là điều kiện cần để toàn Đảng và hệ thống chính trị thay đổi tư duy, hình thành quyết tâm, nỗ lực hành động nâng cao chất lượng mặt công tác này. Minh chứng là, chỉ trong năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiến hành hai hội nghị Trung ương thì đều dành tâm huyết, trách nhiệm, trí tuệ để thảo luận, ban hành các nghị quyết liên quan đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung, CTCB nói riêng. Cụ thể, Hội nghị Trung ương 5 ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên trong giai đoạn mới; Hội nghị Trung ương 6 ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới... Đây là việc làm chưa có tiền lệ, vì chưa bao giờ trong một năm, Trung ương lại ban hành đến hai nghị quyết quan trọng liên quan đến công tác xây dựng Đảng và đề cập sâu sắc, toàn diện đến CTCB như vậy.

Phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “CTCB tiếp tục được coi trọng hơn, đúng mức hơn với vị trí, vai trò là "then chốt của then chốt"; có nhiều cách làm, quy định mới, hiệu quả cao hơn, gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung”.

Hoàn thiện thể chế lãnh đạo, vận hành

Cùng với việc ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chỉ thị có giá trị thực tiễn sâu sắc, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư còn tập trung sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, quy chế để tổ chức thực hiện CTCB, bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thực chất.

Nhìn nhận một cách tổng thể, các quy trình CTCB ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, công khai, minh bạch, khoa học, dân chủ và bám sát sự vận động mau lẹ của thực tiễn đất nước. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và cập nhật kiến thức mới, nâng cao kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho ĐNCB được quan tâm, chú trọng, từng bước gắn với chức danh, quy hoạch và sử dụng cán bộ. Trung ương đã mở các lớp cập nhật kiến thức mới cho các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; lớp bồi dưỡng cho cán bộ diện quy hoạch cấp chiến lược; có cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài...

Công tác luân chuyển cán bộ được vận hành khá chặt chẽ, theo hướng coi trọng tôi luyện cán bộ thông qua thực tiễn. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng ĐNCB các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, ngay sau Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị tiếp tục phân công, điều động, bố trí nhiều ủy viên Trung ương Đảng không phải là người địa phương làm bí thư tỉnh ủy, thành ủy các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy cũng đã luân chuyển, bố trí nhiều cán bộ không là người địa phương làm bí thư huyện ủy, thành ủy các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh.

Để phần việc này đi vào nền nếp, Bộ Chính trị khóa XIII ban hành Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28-4-2022 về luân chuyển cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về CTCB; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện. Trước đó, với mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, đảng viên phát huy năng lực, sở trường trong công tác, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 14-KL/TW ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Việc ban hành Kết luận số 14-KL/TW một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng nhằm giúp cán bộ, đảng viên tự tin hơn, dám bước qua những lối mòn, thách thức, có thêm cơ hội để cống hiến vì lợi ích chung.

Cũng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, quy trình CTCB tiếp tục được đổi mới. Trung ương và các cấp đã đẩy mạnh thí điểm đổi mới cách tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, chặt chẽ. Việc chống "chạy" chức, "chạy" quyền được coi trọng, đạt nhiều kết quả được dư luận ghi nhận. Đặc biệt, công tác đánh giá cán bộ được Trung ương đặc biệt chú trọng, quyết tâm đổi mới với việc ban hành nhiều chủ trương, giải pháp thiết thực, nhất là việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2-2-2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

Quyết tâm xây dựng ĐNCB bản lĩnh, trong sạch, tiên phong, gương mẫu, xứng đáng với danh hiệu người đảng viên cộng sản, Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về những điều đảng viên không được làm đã kế thừa, bổ sung một số nội dung của quy định trước đó, bổ sung một số hành vi mà đảng viên không được làm, với tính giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh cao đối với đội ngũ đảng viên. Tiếp đó, ngày 3-11-2021, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Theo đó, Bộ Chính trị quy định rõ hình thức “miễn nhiệm” và “từ chức” đối với cán bộ và áp dụng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị; thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong việc xử lý cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là đối với người đứng đầu, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, công khai, minh bạch trong CTCB và quản lý cán bộ, Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử thay thế cho Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19-12-2017 là một dấu ấn về việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng...

Như vậy, trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, việc hoàn thiện thể chế về CTCB là một trong những điểm nổi bật-một thành quả lớn, rất đáng ghi nhận trong công tác xây dựng Đảng nói chung, CTCB nói riêng.

Mạnh tay sàng lọc, miễn nhiệm cán bộ

Trong năm 2022, chúng ta chứng kiến một sự kiện lần đầu diễn ra ở Việt Nam. Lúc ấy, tại Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho thôi tham gia Ban Chấp hành đối với 3 ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đương nhiệm do bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút... mà không chờ hết nhiệm kỳ hay thời hạn bổ nhiệm. Tiếp đó, tại kỳ họp bất thường, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tiếp tục biểu quyết, thống nhất để đồng chí Phạm Bình Minh thôi giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII và đồng chí Vũ Đức Đam thôi giữ chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII... Với cách làm đó, cho đến nay, việc xử lý cán bộ tại các hội nghị Trung ương đã trở thành công việc bình thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; có sức mạnh nêu gương to lớn đối với các cấp và được dư luận hoan nghênh, đánh giá cao.

Không chỉ ở Trung ương, mà tại nhiều địa phương cũng đã thực hiện miễn nhiệm không ít cán bộ chủ trì, chủ chốt; có nơi miễn nhiệm cả chủ tịch HĐND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh theo các quy định từ chức, bố trí CTCB sau khi bị kỷ luật.

Dư luận hoan nghênh việc làm này của Trung ương và tổ chức đảng các cấp là kịp thời, cần thiết, thể hiện rõ quyết tâm làm trong sạch ĐNCB theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo Thiếu tướng Trương Thiên Tô, Chính ủy Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng), việc cho thôi chức đối với các cán bộ cấp cao như vừa qua là bước tiến rất lớn trong CTCB, bảo đảm đúng phương châm “có vào, có ra; có lên, có xuống”; hướng tới làm cho Đảng mạnh hơn và bảo đảm đúng phương châm của CTCB.

Với tinh thần thẳng thắn, phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Chúng ta cũng đã tạo ra được sự chuyển biến rất tích cực, với nhiều dấu ấn nổi bật trong việc kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn hơn giữa "xây" và "chống", toàn diện hơn trên các mặt công tác xây dựng Đảng”. Theo Tổng Bí thư, đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét cho thôi giữ chức vụ, cho nghỉ công tác, nghỉ hưu, bố trí công tác khác đối với 14 cán bộ diện Trung ương quản lý; các địa phương cũng bố trí công tác và thực hiện chính sách đối với 22 trường hợp cán bộ sau khi bị kỷ luật theo đúng chủ trương của Đảng về việc "có vào, có ra; có lên, có xuống"; thể hiện tinh thần kiên quyết, gương mẫu, nghiêm minh, nhân văn, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe trong ĐNCB, công chức, đảng viên; đồng thời đã khẩn trương chỉ đạo kiện toàn các nhân sự lãnh đạo thay thế, được dư luận cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, đánh giá rất cao.

Thực tế cho thấy, thực hiện chủ trương đẩy mạnh rà soát, sàng lọc, đưa những cán bộ, đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, các cấp ủy, tổ chức đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện bảo đảm đúng quy trình, quy định. Nhiều đảng bộ địa phương lãnh đạo triển khai với cách làm sáng tạo, hiệu quả. Các cấp ủy đã nhận thức, phân biệt rõ hơn giữa công tác rà soát sàng lọc đảng viên với công tác xử lý kỷ luật đảng viên theo Điều lệ Đảng; việc nhận diện đối tượng được cụ thể, đầy đủ hơn; trách nhiệm của cấp ủy các cấp, đảng viên rõ ràng hơn; các bước triển khai theo quy trình rà soát, sàng lọc gắn với công tác đánh giá, xếp loại đảng viên hằng năm được quan tâm, thực hiện nền nếp; kịp thời chấn chỉnh những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ... Cũng qua đó, công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên được quan tâm đúng mức, hợp lý. Nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm qua quá trình giáo dục, giúp đỡ của tổ chức đảng đã được công nhận sự tiến bộ; góp phần làm trong sạch ĐNCB, đảng viên, nâng cao uy tín và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng.

(còn nữa)

NGUYỄN TẤN TUÂN