Phá thế bao vây cấm vận

Tới nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc (LHQ); thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài với 30 đối tác chiến lược và toàn diện. So sánh những con số này với thực trạng quan hệ của Việt Nam với các quốc gia và tổ chức quốc tế 35 năm trước thì đó là một bước tiến rất lớn. Ẩn bên trong những con số này là vị thế, uy tín ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhìn lại chặng đường đổi mới 35 năm qua mới thấy rõ những nỗ lực tiên phong của đối ngoại Việt Nam trong mở rộng quan hệ, gìn giữ và kiến tạo hòa bình để phát triển đất nước. Mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp sau chiến tranh không còn phù hợp khiến Việt Nam rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế-xã hội nghiêm trọng. Năm 1986, lạm phát lên tới 774,7%, đời sống người dân hết sức khó khăn. Chủ quan là vậy, Việt Nam còn bị bao vây cấm vận nặng nề nên thách thức thêm chồng chất. Trước tình hình đó, Nghị quyết Đại hội VI (tháng 12-1986) xác định: “Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, vì sự nghiệp dân tộc và nghĩa vụ quốc tế... Mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình”. Đây là một quyết định mang tính đột phá của Đảng về đối ngoại khi Nghị quyết Đại hội VI và các nghị quyết của Trung ương đã chuyển hướng chính sách ngoại giao, chủ trương đẩy mạnh và mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị-xã hội, thi hành chính sách hữu nghị, hợp tác, tồn tại hòa bình để phát triển, phù hợp với lợi ích của Việt Nam và xu thế của thế giới.

Nghị quyết Đại hội VI tuy nêu ngắn gọn về phần đối ngoại nhưng cũng xác định rất rõ quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng, trong đó có Trung Quốc: “Trên tinh thần bình đẳng, bảo đảm độc lập, chủ quyền và tôn trọng lẫn nhau, sẵn sàng đàm phán để giải quyết những vấn đề thuộc quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc, bình thường hóa quan hệ và khôi phục tình hữu nghị giữa hai nước, vì lợi ích chung của nhân dân hai nước, vì hòa bình ở Đông Nam Á và trên thế giới”. Thực hiện định hướng trên, Việt Nam đã tìm được giải pháp về vấn đề Campuchia mà các bên có thể chấp nhận được. Bên cạnh đó, sau nhiều vòng đàm phán, năm 1991, quan hệ Việt Nam-Trung Quốc chính thức được bình thường hóa, trên cơ sở 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình. Quan hệ giữa hai Đảng cũng được phục hồi trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Đây là những bước khởi đầu tích cực, giúp kiến tạo hòa bình và tạo cơ sở để Việt Nam phá thế bao vây cấm vận bởi ở thời điểm năm 1986 và tới khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực do nhiều lệnh cấm vận của Mỹ và các nước ASEAN. Vì vậy, nếu có quan hệ với các nước ASEAN và bình thường hóa quan hệ với Mỹ, thế bao vây cấm vận sẽ bị phá.

 Ảnh minh họa: baoquocte.vn

Những chuyến thăm của các nhà lãnh đạo các nước ASEAN tới Việt Nam và các chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt (năm 1991, 1992) và của Tổng Bí thư Đỗ Mười (năm 1993) tới Thái Lan và Singapore đã giúp các bên hiểu nhau hơn. Tháng 7-1995, Việt Nam gia nhập ASEAN, đưa khu vực Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang tin cậy, từ chia rẽ sang đoàn kết. Trong khi đó, với Mỹ, Đại hội VI của Đảng khẳng định: "Chính phủ ta tiếp tục bàn bạc với Mỹ giải quyết các vấn đề nhân đạo do chiến tranh để lại và sẵn sàng cải thiện quan hệ với Mỹ vì lợi ích của hòa bình, ổn định ở Đông Nam Á". Hiện thực hóa chủ trương này, một số nghị quyết của Bộ Chính trị xác định cần có chính sách toàn diện đối với Mỹ nhằm tranh thủ dư luận nhân dân Mỹ và thế giới, tạo thuận lợi cho chiến lược của ta tập trung vào việc giữ vững hòa bình và phát triển kinh tế. Thiện chí của Việt Nam trong giải quyết vấn đề mà phía Mỹ gọi là tù binh và người Mỹ mất tích (POW/MIA) và một số vấn đề nhân đạo khác đã dẫn tới việc Mỹ nới lỏng một số hạn chế trong chính sách cấm vận đối với Việt Nam. Sau một quá trình dài đàm phán cùng nỗ lực và thiện chí của hai bên, tháng 2-1994, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam. Tháng 7-1995, Mỹ và Việt Nam thông báo quyết định bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Thế bao vây cấm vận đã được phá, mở ra một giai đoạn phát triển mới cho đất nước.

Mở rộng quan hệ và hội nhập kinh tế quốc tế

Đổi mới nhưng không đổi màu, hội nhập nhưng không hòa tan, Việt Nam vững tin tiếp tục mở rộng quan hệ với các nước và các tổ chức quốc tế, tạo đà thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam tiếp tục gia nhập các tổ chức khu vực, liên khu vực và quốc tế quan trọng như: Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) năm 1996, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 1998, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Việc tham gia vào các tổ chức này xuất phát từ sự chủ động trong định hướng lãnh đạo của Đảng. Nghị quyết số 13/NQ-TW ngày 20-5-1988 của Bộ Chính trị (khóa VI) nhấn mạnh: “Với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh cùng với sự mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, chúng ta sẽ càng có nhiều khả năng giữ vững độc lập và xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa hơn”. Tư duy đối ngoại từ đó cũng được đổi mới mạnh mẽ và rõ ràng hơn. Tới Ðại hội VII (năm 1991), chủ trương đối ngoại nêu rõ Việt Nam muốn là bạn, là đối tác với các nước trên thế giới và mở rộng, đa phương hóa quan hệ kinh tế đối ngoại. Tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương này, Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX (năm 2003) với quan điểm mới về đối tác-đối tượng, hợp tác và đấu tranh đã giúp Việt Nam gia tăng điểm đồng, hóa giải điểm khác biệt, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ với các nước, đặc biệt là việc thiết lập mạng lưới đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.

Những chủ trương, định hướng xuyên suốt của Đảng về công tác đối ngoại từ khi khởi xướng sự nghiệp đổi mới đã chứng tỏ tính đúng đắn khi vai trò và vị trí của đất nước ngày càng tăng trên trường quốc tế, đồng nghĩa với việc đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, cơ sở hạ tầng được nâng cấp. Từ một nước được thế giới biết đến qua các cuộc chiến tranh, Việt Nam đã trở thành điểm đến của các doanh nghiệp quốc tế, mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh tế, củng cố nền quốc phòng, an ninh, bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc. Thành công nối tiếp thành công, báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về các văn kiện Đại hội X của Đảng tháng 4-2006 tiếp tục khẳng định: “Đẩy mạnh hơn nữa hoạt động kinh tế đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương, lấy phục vụ lợi ích đất nước làm mục tiêu cao nhất”. Trong giai đoạn mở rộng quan hệ và hội nhập kinh tế từ năm 1996 đến 2010, cùng với việc duy trì được hòa bình, tăng cường được niềm tin với cộng đồng quốc tế, nền kinh tế Việt Nam nổi lên như một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu, một hiện tượng kinh tế của thế giới.

Hội nhập toàn diện, phát huy vai trò nòng cốt

Đối ngoại không những luôn bám sát mục tiêu phát triển của đất nước mà còn phát huy vai trò của đội ngũ tiên phong trong củng cố môi trường hòa bình để tạo đà cho sự phát triển của đất nước. Từ những thành công trong 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Ðại hội XI của Đảng (năm 2011) đã nâng tầm từ hội nhập kinh tế sang "chủ động và tích cực hội nhập quốc tế" một cách toàn diện. Theo đó, cùng với việc chủ động thiết lập quan hệ ngoại giao với các nước, Việt Nam đã xây dựng được mạng lưới 30 đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, trong đó có tất cả các nước lớn. Sự chủ động và tích cực trong hội nhập quốc tế còn được thể hiện rõ khi Việt Nam chủ động đàm phán nhiều hiệp định thương mại, trong đó có Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA), ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Với ASEAN, Việt Nam đã khẳng định vai trò và trách nhiệm của mình ngay từ khi tham gia hiệp hội. Đặc biệt, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công Năm Chủ tịch ASEAN 2020 giữa lúc đại dịch Covid-19 hoành hành, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng (tháng 1-2016) nhấn mạnh đối ngoại là một trong những nhiệm vụ trọng tâm: “Mở rộng và đưa vào chiều sâu các mối quan hệ đối ngoại; tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện hiệu quả hội nhập quốc tế trong điều kiện mới, tiếp tục nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế”. Đại hội XII cũng đề ra phương châm "chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương". Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8-8-2018 của Ban Bí thư đã cụ thể hóa phương châm này, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực vươn lên để đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải tại các diễn đàn, tổ chức đa phương quan trọng phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể. Có nhiều ví dụ để chứng minh vai trò ngày càng nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Trong năm đầu tiên đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, tiếng nói, quan điểm của Việt Nam ở LHQ về các vấn đề quốc tế và khu vực luôn được đánh giá cao. Từ năm 2014 đến nay, Việt Nam đã cử 53 sĩ quan triển khai theo hình thức cá nhân và 126 bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện dã chiến cấp 2 đi làm nhiệm vụ Gìn giữ hòa bình LHQ, khẳng định Việt Nam chủ động thực hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng quốc tế.

Sự lãnh đạo nhất quán, xuyên suốt của Đảng chính là kim chỉ nam, là nhân tố quyết định cho thành công của công tác đối ngoại, góp phần vào thắng lợi chung của sự nghiệp đổi mới 35 năm qua. Trong quá trình này, đối ngoại Việt Nam đã xứng đáng là đội ngũ tiên phong trong củng cố môi trường hòa bình, tạo cơ hội cho đất nước phát triển mạnh mẽ. Đường lối, chủ trương đối ngoại đúng đắn của Ðảng qua các thời kỳ, trên cơ sở đánh giá đúng thời cuộc và tiếp thu, đúc rút các bài học của đối ngoại Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục được chủ động phát huy trong thời gian tới và chặng đường tiếp theo, đưa đất nước ta vào một thời kỳ phát triển mới, nâng vị thế và uy tín của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Nhóm PV Báo Quân đội nhân dân