Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.

Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết, Nghị quyết số 15-NQ/TW có ý nghĩa như nào đối với TP Hà Nội?

Đồng chí Bùi Huyền Mai: Trong từng giai đoạn xây dựng và phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, của các cấp, các ngành, địa phương và của nhân dân cả nước. Bộ Chính trị đã ban hành nhiều nghị quyết để lãnh đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô, trong đó, mới đây nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5-5-2022 về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Nghị quyết số 15-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô khi xác định mục tiêu phát triển cho Hà Nội không chỉ đến năm 2030 mà còn đặt tầm nhìn đến năm 2045 (là thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Đây là điểm mới của thời gian thực hiện nghị quyết lần này so với các nghị quyết lần trước, thể hiện tầm nhìn chiến lược, mang tầm nhìn thời đại của Đảng ta đối với sự phát triển của Thủ đô, phù hợp với tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đặt yêu cầu, nhiệm vụ cho Thủ đô cao hơn, mục tiêu đi xa hơn, khát vọng cháy bỏng hơn.

leftcenterrightdel
Đồng chí Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. 

Với tầm tư duy đi trước thời đại, nghị quyết sẽ soi rọi hướng đi, thổi luồng sinh khí linh thiêng vào tâm khảm mỗi người dân Thủ đô và đồng bào cả nước. Theo đó, nghị quyết nêu rõ 4 quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn đối với từng giai đoạn; nhiều điểm mới về lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc xây dựng, phát triển Thủ đô trong trung và dài hạn. Đặc biệt, nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, tập trung khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển Thủ đô của nhân dân Hà Nội và cả nước.

Với việc ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò chiến lược quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo bước chuyển có tính đột phá trong huy động sức mạnh tổng hợp, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, kết hợp với nguồn lực của cả nước và quốc tế, xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển đáp ứng sự kỳ vọng, niềm tin tưởng, mong muốn của toàn Đảng, toàn quân và nhân dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội.

leftcenterrightdel
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao Bằng khen tặng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc của

Hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

 

leftcenterrightdel
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Bùi Huyền Mai trao Giấy khen tặng các cá nhân, tập thể của Hội thi. 

PV: Đến nay, TP Hà Nội triển khai, cụ thể hóa nghị quyết này như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Huyền Mai: Ngay sau khi Nghị quyết số 15-NQ/TW được ban hành, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan Trung ương tổ chức tốt Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt nghị quyết, với sự tham dự của hơn 34.000 đại biểu tham dự tại các điểm cầu.

Để Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị được cụ thể hóa, được triển khai thực hiện hiệu quả và nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngày 26-8-2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW, xác định 4 mục đích, yêu cầu, các nhóm chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025 và 8 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong đó chú trọng phần nội dung về tổ chức thực hiện. Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt, là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển Thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế.

leftcenterrightdel
Cờ hoa rực rỡ trên đường Nguyễn Chí Thanh. Ảnh: qdnd.vn. 

Chương trình có kết cấu gồm 4 phần kèm theo 4 phụ lục, nội dung bám sát các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu được đề ra tại nghị quyết của Bộ Chính trị và được cụ thể hóa bằng trên 130 nhiệm vụ, đề án được xác định cụ thể để ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Từng nhiệm vụ được phân công thực hiện gắn với trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và thời hạn hoàn thành. Qua đó, nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân Thủ đô Hà Nội, quyết tâm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của Thủ đô Hà Nội.

Nhằm đưa nghị quyết thấm sâu đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô, thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy từ thành phố đến cơ sở, hệ thống tuyên giáo Thủ đô đã chủ động, tích cực triển khai việc phổ biến, quán triệt nghị quyết, nhất là về vị trí, vai trò, các chủ trương, định hướng của Bộ Chính trị đối với Thủ đô Hà Nội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, một cách bài bản và nhiều sáng tạo, đem lại hiệu quả cao, sức lan tỏa sâu rộng đến với cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước, trước hết là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội.

Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức Hội thi tìm hiểu Nghị quyết 15-NQ/TW và triển khai rộng rãi tới cán bộ, đảng viên, nhân dân theo hình thức thi trắc nghiệm trên nền tảng trực tuyến và cả hình thức sân khấu hóa. Đây là một hoạt động có ý nghĩa sâu sắc, lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn thành phố để thiết thực góp phần đưa nghị quyết của Bộ Chính trị sớm đi vào cuộc sống, đồng thời phát huy ý thức trách nhiệm, quyết tâm chính trị, tinh thần tự giác, gương mẫu học tập, nghiên cứu nghị quyết.

Sau một tháng triển khai đã có hơn 1 triệu lượt thí sinh thi tìm hiểu Nghị quyết 15-NQ/TW, thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới nghị quyết, cũng như sự lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Thông qua đó nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc nghiên cứu, học tập nghị quyết và thể hiện sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2045 và quyết tâm chính trị hiện thực hóa xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến - văn minh - hiện đại của mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

leftcenterrightdel
 

PV: Trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, bước đầu Hà Nội đã gặp những thuận lợi, thách thức gì, thưa đồng chí?

Đồng chí Bùi Huyền Mai: Về thuận lợi, trước hết, Thủ đô Hà Nội nhận được sự quan tâm sâu sắc, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, giúp đỡ đặc biệt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện các nhiệm vụ quan trọng của thành phố; sự vào cuộc, phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước với tinh thần coi việc thực hiện nghị quyết là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và với quyết tâm trên tinh thần vì Hà Nội, cùng Hà Nội.

Cùng với đó, là sự đón nhận, quan tâm đặc biệt, sự đồng thuận, niềm tin sâu sắc của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với nghị quyết của Bộ Chính trị. Điều đó thể hiện ở việc đã có hơn 1 triệu lượt người tham gia cuộc thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong số này, có hàng ngàn bài thi tự luận công phu, tâm huyết, trách nhiệm, đề xuất nhiều ý tưởng, cách làm hay để xây dựng và phát triển Thủ đô sớm trở thành thành phố Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Với nền tảng ngàn năm văn hiến, Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa các nguồn lực của cả nước và cũng là trung tâm lan tỏa liên kết vùng, khu vực và thế giới. Hà Nội có lợi thế phát triển với quy mô dân số đông, cơ cấu trẻ, lực lượng lao động chất lượng cao; là nơi tập trung các trường đại học, cao đẳng, viện nghiên cứu và thu hút nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của cả nước, quy tụ được đội ngũ doanh nhân, cán bộ, chuyên gia, văn nghệ sĩ, trí thức có trình độ cao. Đối diện với cơ hội to lớn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội có cơ hội đạt được những bước tiến nhảy vọt trước các thách thức lớn.

leftcenterrightdel
 Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa các nguồn lực của cả nước và cũng là trung tâm lan tỏa liên kết vùng. Ảnh: qdnd.vn. 

Về khó khăn, thách thức, cùng với hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Hà Nội bị tác động trực tiếp bởi các yếu tố bất ổn, khó lường của khu vực và thế giới. Kinh tế thế giới cạnh tranh, đối đầu ngày càng gay gắt... Tiến bộ khoa học, công nghệ bắt buộc quá trình chuyển đổi phải nhanh, nhất là chuyển đổi số. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, gia tăng dân số cơ học, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường … là những thách thức lớn đối với phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô.

Ngoài ra, tại khu vực nông thôn còn nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình đô thị hóa, mâu thuẫn giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển, nhất là khu vực phố cũ, khu vực nội đô lịch sử; tăng trưởng chưa thực sự ổn định, bền vững; khoảng cách giàu - nghèo có xu hướng gia tăng; tình trạng quá tải đối với hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông đô thị; quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; các vấn đề xã hội diễn biến phức tạp.

Việc đổi mới mạnh mẽ tư duy, năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của xã hội và thành phố, nhất là đối với những vấn đề mới phát sinh. Tình trạng suy thoái đạo đức, phẩm chất, lối sống và tiêu cực khác trong một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục triệt để. Các thế lực, phần tử thù địch, phản động trong và ngoài nước luôn lấy Thủ đô làm địa bàn trọng điểm để thực hiện các âm mưu chống phá Đảng, Nhà nước, gây mất ổn định an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Việc huy động, khai thác sử dụng có hiệu quả các nguồn lực: Nhân lực, vật lực, tài lực cho phát triển nhanh, bền vững Thủ đô luôn là vấn đề thách thức và còn nhiều vướng mắc cả về thể chế, cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện; thu nhập bình quân đầu người thấp hơn một số tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng và thấp hơn khá nhiều một số thủ đô trong khu vực Đông Nam Á trong khi yêu cầu Hà Nội phải phát triển xứng đáng với vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, một động lực phát triển của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước là một số thách thức lớn.

PV: Để Nghị quyết số 15-NQ/TW đi vào cuộc sống, thực hiện tốt các mục tiêu mà nghị quyết đề ra, mỗi cán bộ, đảng viên cũng như các tầng lớp nhân dân Thủ đô cần phải làm gì?

Đồng chí Bùi Huyền Mai: Để Nghị quyết số 15-NQ/TW đi vào cuộc sống, thực hiện tốt các mục tiêu mà nghị quyết đề ra, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị Thủ đô cũng đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Trước hết, đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nhất là cán bộ quản lý, người đứng đầu các địa phương, đơn vị phải có quyết tâm chính trị cao, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu về bản lĩnh chính trị, trí tuệ, đạo đức, ý thức trách nhiệm, chủ động, tích cực, nói đi đôi với làm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sâu sát, gắn bó với nhân dân trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết.

leftcenterrightdel
Một góc Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: qdnd.vn. 

Thứ hai, đối với các tầng lớp nhân dân cần tích cực, chủ động, nghiêm túc nghiên cứu, nắm vững những quan điểm tư tưởng, nhận thức đúng và đủ các nội dung mới, cốt lõi của Nghị quyết. Qua đó tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và yêu cầu, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thứ ba, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước, Thủ đô phồn vinh hạnh phúc; chung sức, đồng lòng, tích cực tham gia cùng với đảng bộ và chính quyền Thủ đô hoàn thành đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, mục tiêu Nghị quyết đề ra.

PV: Ở góc độ cá nhân, đồng chí có thể đánh giá Hà Nội sẽ thực hiện thành công nghị quyết ở mức độ nào, để góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra?

Đồng chí Bùi Huyền Mai: Ở góc độ cá nhân, tôi luôn nhận thức Nghị quyết số 15-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 15-NQ/TW là cơ sở để hoàn chỉnh hệ thống Luật Thủ đô, hoàn thiện hệ thống pháp luật với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô với mục tiêu cao nhất xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Dưới sự chỉ đạo Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, hệ thống tuyên giáo Thủ đô đã chủ động, tích cực, sáng tạo bằng nhiều hình thức trong tổ chức học tập, tuyên truyền đưa nghị quyết lan tỏa, thấm sâu đến từng cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.

leftcenterrightdel
Đối diện với cơ hội to lớn của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Hà Nội có cơ hội đạt được những bước tiến nhảy vọt trước các thách thức lớn.

Với sự vào cuộc đồng bộ, bài bản, sáng tạo của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị, cùng với Chương trình hành động số 16-CTr/TU Thành ủy Hà Nội được cụ thể hóa bằng trên 130 nhiệm vụ, đề án được phân công thực hiện gắn với trách nhiệm cụ thể, rõ ràng và thời hạn hoàn thành cụ thể tới từng cấp, từng ngành, tôi tin tưởng rằng, Đảng bộ Hà Nội sẽ thực hiện hiệu quả cao, toàn diện Nghị quyết số 15-NQ/TW  góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HUY QUÂN - VĂN PHONG